Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngBiển Đông: Trung Quốc nhận lời cảnh cáo từ máy bay ném...

Biển Đông: Trung Quốc nhận lời cảnh cáo từ máy bay ném bom B-52

Giữa lúc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố quân sự hóa Biển Đông thì có tin Mỹ tung những chiếc máy bay ném bom B-52 đi “quần thảo” bầu trời Biển Đông như một lời cảnh cáo dành cho Bắc Kinh.

Những chiếc máy bay ném bom B-52 của Không lực Mỹ đã bay lượn trên bầu trời Biển Đông, gần với Nhật Bản, như một phần của cuộc tập trận huấn luyện chung với Lực lượng Hải quân Mỹ, một tuyên bố được đưa ra gần đây của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Mỹ cho hay. Hoạt động huấn luyện trên diễn ra vào đầu tháng 8.

Theo tuyên bố được cơ quan phụ trách truyền thông của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ phát đi hôm 3/8, hai chiếc máy bay ném bom B-52 Stratofortress của Lực lượng Không quân Mỹ cùng với hai chiếc máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ đã thực hiện các chuyến bay ở Biển Đông nhằm tăng cường “khả năng phối hợp chung”. Những chuyến bay này diễn ra vào ngày 1/8.

Kể từ năm 2004, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương (USINDOPACOM), trước đây chỉ là PACOM, đã tiến hành cái gọi là chương trình “Sự hiện diện thường xuyên của máy bay ném bom” ở khu vực, tuyên bố của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho hay.

Theo USINDOPACOM, các cuộc huấn luyện như vậy được tiến hành trong khu vực hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế – một không gian mà Mỹ miêu tả là “quan trọng có tính sống còn đối với các nguyên tắc giúp tạo nên nền tảng cho một hệ thống vận hành toàn cầu dựa trên luật pháp.”

Các chuyến bay luyện tập của máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã kéo dài hơn một ngày khi các bức ảnh được công bố của Không lực Mỹ đề ngày 2/8 trong đó có cảnh một chiếc máy bay B-52 đang được tiếp nhiên liệu trên không.

Theo các thông báo chính thức của chính phủ Mỹ, những chiếc máy bay ném bom B-52 đã bay đến Biển Đông sau khi cất cánh từ Căn cứ Không quân Barksdale, Louisiana. Sau khi thực hiện hoạt động huấn luyện bay định kỳ, các máy bay của Mỹ đã hạ cánh ở Căn cứ Không quân Andersen thuộc đảo Guam – một lãnh thổ của Mỹ ở Micronesia.

Hồi tháng Sáu, Trung Quốc từng tức giận trước những chuyến bay tương tự của máy bay ném bom B-52 ở Biển Đông.

Cụ thể, hôm 5/6, hai chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay lượn trên một số đảo và bãi cạn ở Biển Đông. Trung Quốc ngay lập tức phản ứng một cách gay gắt. “Hành động điên cuồng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying khi đó cảnh báo.

Phản ứng tức giận của Bắc Kinh như trên không có gì là lạ khi nước này gần đây thường xuyên phải đối mặt với những phát biểu chỉ trích và những hành động thách thức trực diện của một loạt cường quốc do đòi hỏi chủ quyền tham lam, phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Xuất phát từ rất nhiều hành động gây bất bình của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nước đồng thời phải đối mặt cả với những động thái răn đe cứng rắn của các cường quốc nhằm ngăn không cho Bắc Kinh thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông – một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc mới đây đã cho triển khai các tên lửa đất đối không, đất đối hạm và hệ thống làm nhiễu điện tử đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc ngay lập tức bị phản ứng.

Mỹ đã có đòn đáp trả đầu tiên bằng việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ chủ trì trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Tại một diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của Châu Á cách đây không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã công khai chỉ trích những hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian qua đồng thời cảnh báo Bắc Kinh về những đòn trừng phạt nặng nề trong tương lai.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, gần đây Mỹ còn cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa hơn một tàu chiến đến khu vực để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sau Hải quân Mỹ, đến lượt Hải quân Anh và Hải quân Pháp cũng tuyên bố sẽ thẳng tiến vào Biển Đông, cụ thể là vào khu vực Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách phi lý, nhằm mục đích bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh đồng thời khiến Bắc Kinh phải thay đổi cách hành xử trong khu vực.

Việc Mỹ thường xuyên đưa máy bay ném bom B-52 vào Biển Đông cũng là một trong những đòn răn đe nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông.

B-52 là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu. B-52 có khả năng mang lượng vũ khí có trọng tải lên tới 18 – 30 tấn bom. Loại máy bay này được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km. Ngoài ra, B-52 còn có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình), 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng. Máy bay ném bom B-52 được mệnh danh là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ gồm tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.

RELATED ARTICLES

Tin mới