Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngÝ đồ của TQ khi rầm rộ tập trận ở Biển Đông

Ý đồ của TQ khi rầm rộ tập trận ở Biển Đông

Kéo hơn 40 chiến hạm xuống Biển Đông cùng máy bay chiến đấu, oanh tạc cơ để tập trận không chỉ là đòn phản ứng của Trung Quốc với Mỹ, mà còn răn đe láng giềng.

Thông tấn xã Đài Loan ngày 29/3 đưa tin, cùng ngày người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết:

Hoạt động tập trận bắn đạn thật của (hơn 40 chiến hạm) Trung Quốc trên Biển Đông là thực hiện lệnh huấn luyện thực chiến của ông Tập Cận Bình.

Ông Nhậm Quốc Cường cho rằng, đây là hoạt động nằm trong kế hoạch từ trước đó và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. 

Ngày 23/3 Bộ tham mưu hải quân Trung Quốc tuyên bố, nước này sẽ tiến hành tập trận ở Biển Đông.

Cùng ngày, tàu khu trục Mỹ USS Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải bên trong 12 hải lý của bãi Vành Khăn mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

25/3, người phát ngôn Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa tuyên bố, nước này vừa điều động máy bay ném bom H-6K, chiến đấu cơ Su-35 bay xuống Biển Đông tập trận bắn đạn thật.

Ngày 27/3, hãng Reuters công bố các bức ảnh chụp từ vệ tinh của Planet Labs cho thấy ít nhất 40 chiến hạm, bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh và một số tàu ngầm Trung Quốc đang dàn quân cơ động theo đội hình trên Biển Đông.

Ngoài ra còn có biên đội chiến đấu cơ Trung Quốc cũng tham gia tập trận trên bầu trời Biển Đông. 

Tuy nhiên ít nhất 2 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nói với truyền thông rằng, động thái tập trận quy mô lớn trên Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành còn có mục đích cụ thể khác.

Thượng tá quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu, Nhạc Cương ngày 30/8 được The Financial Times dẫn lời bình luận:

Lần tập trận này của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông rất có thể là phản ứng với hoạt động của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson trên Biển Đông vừa qua. [2]

Chiến đấu cơ Su-35 Trung Quốc tung xuống Biển Đông tập trận. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Chu Phong, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Hiệp đồng sáng tạo Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh, Trung Quốc nói với tờ Tin tức Bành Bái (The Paper):

“Hải quân Trung Quốc triển khai tập trận quy mô lớn ở Biển Đông tất nhiên là để thể hiện thực lực trong việc bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền và an ninh quốc gia một cách không khoan nhượng”.

Chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt ca ngợi sức mạnh và thành tựu của việc tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên tham gia tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông.

Tuy nhiên chuyên gia Mỹ Hans Kreistensen cho rằng, chỉ cần 4 chiếc oanh tạc cơ B-1B mang theo 96 quả tên lửa tầm xa tàng hình chống hạm là có thể đối phó với hạm đội này của Trung Quốc.

Phản ứng với Hoa Kỳ và đồng minh

Cá nhân người viết cho rằng, cuộc tập trận rầm rộ của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay có nhiều mục đích. Một trong số đó là để phản ứng lại Hoa Kỳ.

Những động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump ký đạo luật Du lịch Đài Loan ngày 16/3, cho phép quan chức Mỹ – Đài thăm viếng lẫn nhau “ở mọi cấp độ”.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, đang được hối thúc bán cho Đài Loan. Ảnh: newsweek.com.

Ngày 27/3, hai Thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn trong đảng Cộng hòa, John Cornyn và James Inhofe đã gửi thư cho Tổng thống Donald Trump yêu cầu ông ủng hộ bán chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Đài Loan.

Đồng thời Nhà Trắng cũng chính thức khởi động kế hoạch đánh thuế các mặt hàng Trung Quốc mà Mỹ tin là có “ăn cắp công nghệ” của Hoa Kỳ, trị giá gói thuế này lên tới 60 tỉ USD.

Trên Biển Đông, ngoài hoạt động tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý bãi Vành Khăn của tàu USS Mustin, thì hoạt động của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson trên Biển Đông cũng có thể là lý do Trung Quốc “gai mắt” và muốn giễu võ dương oai như phân tích của 2 học giả nước này.

Đó là chưa kể đến việc, theo kế hoạch trong tháng này 1 chiến hạm của Hải quân Anh sẽ thực hiện một hoạt động bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.

Ngoài ra có thông tin, chiến hạm Pháp cũng sẽ có hành động tương tự.

Bởi thế, cuộc tập trận rầm rộ của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ nhắm tới Mỹ, mà còn các đồng minh đối tác của Hoa Kỳ.

Rung cây dọa khỉ với các nước ven Biển Đông

Một trong các mục tiêu quan trọng của cuộc tập trận này theo cá nhân người viết, là còn mang thông điệp răn đe, thúc ép các nước ven Biển Đông với 3 mục tiêu chính:

Thứ nhất, không được liên minh liên kết với Hoa Kỳ, không được tham gia cùng “bộ tứ” Mỹ – Nhật – Ấn – Úc hay chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở cửa;

Thứ hai, bên cạnh củ cà rốt kinh tế thông qua chiến lược Vành đai và Con đường để dụ dỗ, lôi kéo các nước ven Biển Đông vào trong quỹ đạo kinh tế – an ninh mà Bắc Kinh đang thiết lập, cậy gậy quân sự đang được Trung Quốc sử dụng;

Họ muốn tạo sức ép với quốc gia nào không chịu chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong phạm vi đường lưỡi bò ở Biển Đông, để hợp thức hóa yêu sách phi lý này, vốn đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ.

Xu hướng lựa chọn của Philippines hiện nay là một bằng chứng cho thấy chiến lược cây gậy và củ cà rốt mà Trung Quốc áp dụng đang phát huy hiệu quả nhất định.

Bằng việc diễu võ giương oai trên Biển Đông, Trung Quốc dường như muốn cảnh báo các nước còn lại:

Nếu không “gác tranh chấp, cùng khai thác” với họ trong đường lưỡi bò, thì các hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của các nước ven Biển Đông sẽ có thể bị quấy rối, đe dọa.

Thứ ba, việc lên gân cơ bắp ở Biển Đông còn nhằm tạo áp lực tâm lý đối với các nước ASEAN chấp nhận việc ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) theo phương án có lợi cho Trung Quốc.

(Khó khăn lớn nhất của COC chính là phạm vi áp dụng và tính ràng buộc pháp lý.

Trung Quốc đòi áp dụng trên toàn bộ Biển Đông, tức biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp, hợp thức hóa lưỡi bò, nhưng lại hạn chế tính ràng buộc pháp lý của nó).

Chúng tôi cho rằng, sau những diễn biến hạ nhiệt nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên vừa qua, điểm nóng ở châu Á – Thái Bình Dương lại đang tăng lên trên Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Đây sẽ là 2 địa bàn chính mà Trung Quốc và Hoa Kỳ tranh giành ảnh hưởng, đọ sức trong thời gian tới.

Với các quốc gia ven Biển Đông, chúng tôi cho rằng tránh những va chạm và các tình huống để Trung Quốc khiêu khích là cần thiết;

Nhưng các nước này cần phải kiên quyết bác bỏ nhưng yêu cầu vô lý, vi phạm luật pháp quốc tế và xâm hại chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông;

Kiên quyết không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào trái Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 về áp dụng, giải thích Công ước trên Biển Đông mà Trung Quốc đề xuất để hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Đấu tranh hòa bình, khôn khéo nhưng quyết liệt. Đừng vì những màn khoe cơ bắp của họ trên Biển Đông mà chấp nhận điều kiện phi lý họ đặt ra.

Tiếp tục vận động các quốc gia trong khu vực và quốc tế ủng hộ, chung tay duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới