Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChiến tranh thương mại: Nga có nhiều vũ khí có thể khiến...

Chiến tranh thương mại: Nga có nhiều vũ khí có thể khiến Mỹ “tả tơi”, và cạnh Nga còn có TQ

Hôm thứ 6 (10/8) vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh cáo đanh thép rằng Nga sẽ đáp trả Mỹ cả về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga có thể làm những gì?

Sau khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cáo buộc Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại bằng đòn trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga, các chuyên gia đã tính toán mức độ thiệt hại mà 2 bên có thể gây ra cho nhau, đồng thời đề ra những cách có thể giúp Moskva tránh được những đòn giáng này.

Đòn trừng phạt được cho là vô cùng “hà khắc” được Washington chia thành 2 vòng. Đòn giáng đầu tiên sẽ có hiệu lực vào ngày 22/8, áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu và mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm.

Sau 90 ngày kể từ ngày vòng trừng phạt đầu tiên có hiệu lực, nếu như Nga không thể đảm bảo với Mỹ về việc ngừng sử dụng các loại vũ khí hóa học (Moskva luôn bác bỏ điều này), thì Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt vòng trừng phạt tiếp theo và hà khắc hơn, bao gồm việc đình chỉ các máy bay chuyển hàng tới Mỹ, và có thể là lệnh cấm nhập khẩu gần như hoàn toàn.

Hôm thứ 6 (10/8) vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đáp trả đanh thép rằng Nga sẽ đáp trả Mỹ cả về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga có thể làm những gì?

Liệu Nga sẽ đáp trả tương xứng, hay sẽ ‘đánh’ vào một lĩnh vực khác?

Ông Gilbert Doctorow, một nhà phân tích về các vấn đề Nga tại Bỉ, cho biết kế hoạch trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga cho thấy Washington dự định tấn công trực diện và hung hãn hơn nhiều so với động thái trước đó khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Như vậy, ít nhất Nga phải đưa ra đòn đáp trả tương xứng với chiêu tấn công của Mỹ.

“[Nga] sở hữu nhiều ‘vũ khí’ có thể khiến Mỹ ‘tơi tả’ trong trận chiến này. Một trong số đó là việc ngừng xuất khẩu động cơ tên lửa cho NASA và Lầu Năm Góc”, ông Doctorow trả lời phóng viên RT.

“Bên cạnh đó là việc cấm xuất khẩu sang Mỹ các kim loại hiếm và chiến lược cần thiết cho tất cả các ngành công nghiệp, gia tăng chi phí sử dụng không phận Nga, hoặc đơn giản hơn là cấm máy bay Mỹ vào vùng không phận của Nga”, ông này cho biết.

Tuy nhiên, ông Doctorow và ông Vladimir Vasiliev, một chuyên gia từ Viện nghiên cứu Mỹ và Canada tại Moskva, Nga, đều đồng tình rằng Nga có thể chưa quyết định tung đòn đáp trả ngay, mà sẽ dùng cách tiếp cận chờ đợi để thăm dò thái độ của đối phương.

“Phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào mức độ của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Washington vốn chưa hề cân nhắc kĩ về các lệnh trừng phạt mới này. Như đã được thông báo, chính trị áp đảo kinh tế trong lĩnh vực này, tuy nhiên hiện nay Bộ Thương mại Mỹ vẫn đang chật vật xoay sở để thiết lập một gói trừng phạt để kịp đưa ra vào ngày 22/8”, ông Vasiliev nói.

Theo chuyên gia này, các lệnh trừng phạt của Mỹ có nguy cơ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế của cả hai bên, do đó Nga có thể sẽ chọn cách tránh làm tình trạng trầm trọng thêm.

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn tin rằng Nga vẫn nên có các biện pháp đáp trả thiết thực – dù có thể không phải tương xứng – đối với lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thay vì nhắm vào lĩnh vực tài chính của Mỹ – quốc gia từng xuất khẩu 7 tỉ USD hàng hóa sang Nga năm ngoái – Moskva có thể trả đũa bằng chính trị, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Washington đang phải phụ thuộc nhiều vào thiện chí của Moskva. Ví dụ, Nga có thể dùng Syria làm quân bài mặc cả, nơi Nga được cho là đang ở ‘cửa trên’ so với Mỹ.

“Có nhiều biện pháp đáp trả trực tiếp các lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua các quốc gia khác như Iran và Triều Tiên. Nga có thể ngừng hợp tác với Mỹ và đổi phe, một động thái được dự đoán là sẽ làm tổn hại khá nghiêm trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ”, chuyên gia Doctorow cho biết.

Nga nên hướng Đông hay hướng Tây?

Ngoài ra, Moskva còn có thể ‘lách’ các đòn trừng phạt của Mỹ bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia khác.

Theo chuyên gia Vasiliev, Moskva nên tăng cường quan hệ với châu Âu, bởi các quốc gia châu Âu hiện nay đang phụ thuộc một phần vào Nga trong lĩnh vực xuất khẩu năng lượng. Hơn nữa, vị trí địa lý và vị thế kinh tế hiện nay của các quốc gia châu Âu có thể đem lại “nhiều cơ hội lớn hơn” cho Nga.

Trong khi đó, ông David Kotz, giáo sư kinh tế học tại trường đại học Massachusetts, Amherst, lại cho rằng Nga nên áp dụng chính sách hướng Đông và tăng cường quan hệ với ông lớn Trung Quốc.

“Nước Mỹ đã chọc giận rất nhiều quốc gia trên thế giới về thương mại, nhờ đó Moskva sẽ có thể dễ dàng tìm kiếm nhiều đồng minh trên mặt trận kinh tế. Trước tiên là Trung Quốc. Hiện nay hai nước Nga-Trung còn có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực hơn trước”, ông Kotz cho biết.

Không chỉ gần gũi về vị trí địa lý hay thế mạnh kinh tế, mà gần đây mối quan hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nồng ấm hơn so với những người tiền nhiệm của họ. Điều này có thể tạo tiền đề để hai nước thiết lập một liên minh chặt chẽ hơn về kinh tế.

Cuộc chơi không phân định kẻ thắng cuộc

Dù vậy, chuyên gia Kotz nhận định, Kremlin vẫn sẽ không tránh khỏi bị tổn thương trong cuộc chiến thương mại với Mỹ dù có dùng đến biện pháp đáp trả nào.

“Nga có thể tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia khác, nhưng thật không may là Mỹ có rất nhiều quyền lực để lôi kéo các nước nhỏ hơn theo phe mình”.

Theo một số chuyên gia, nếu chỉ xét riêng về tài chính thì Nga – nền kinh tế nhỏ hơn, tăng trưởng chậm hơn, và phụ thuộc nhiều hơn vào các hoạt động xuất khẩu – sẽ đối mặt với nhiều rủi ro và chịu thiệt nhiều hơn trong bất kỳ xung đột kinh tế khốc liệt và kéo dài nào với Mỹ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Paul Goncharoff, không chỉ riêng Nga phải chịu thiệt, mà Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn. “Không ai giành chiến thắng trong cuộc chơi này cả”, ông Goncharoff nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới