Theo Hoàn Cầu, tình trạng hòa bình và ổn định ở Tân Cương phần nào chính nhờ thực thi các quy định nghiêm khắc, giúp khu tự trị này thoát khỏi số phận giống Syria hay Libya.
Các nhân viên an ninh người Duy Ngô Nhĩ tuần tra gần một nhà thờ Hồi giáo ở Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh: AP)
Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo thuộc quản lý của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo – ngày 12/8 phản ứng gay gắt trước thông tin đưa ra hồi cuối tuần qua về việc Liên hợp quốc (LHQ) nhận được nhiều báo cáo nói rằng có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại bí mật ở Trung Quốc.
Hãng Reuters ngày 10/8 dẫn lời bà Gay McDougall, thành viên Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong phiên họp ở Geneve:
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước nhiều báo cáo đáng tin cậy rằng dưới danh nghĩa chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và gìn giữ ổn định xã hội, [Trung Quốc] đã biến khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ thành một thứ gì đó giống như một trại giam khổng lồ và bí mật.”
Bà McDougall trích các báo cáo, ước tính có đến 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và Hồi giáo thiểu số bị buộc phải vào “các trại giáo dưỡng chính trị” ở miền tây Tân Cương.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu gọi thông tin từ các chính khách và truyền thông phương Tây – bao gồm những thông tin mới từ bà McDougall – là hành vi gây bất ổn ở Tân Cương và hủy hoại môi trường ổn định mất nhiều công sức mới có được.
Theo tờ này, trong những năm qua Tân Cương đã chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố bạo lực, những người trẻ tuổi bị “tẩy não” bằng tư tưởng cực đoan và bị các nhóm khủng bố thao túng. Các vụ tấn công cũng xảy ra ở bên ngoài Tân Cương, như ở quảng trường Thiên An Môn giữa thủ đô Bắc Kinh hay ga tàu hỏa ở Côn Minh. Nhưng tình hình đã thay đổi gần đây và các mối đe dọa bị tiêu diệt.
Hoàn Cầu viết, “Cuộc sống hòa bình và ổn định đã hiện hữu trở lại ở khắp Tân Cương. Thảnh quả này đi kèm cái giá phải trả mà nhân dân tất cả các dân tộc ở Tân Cương đã cùng gánh vác.
Dưới sự lãnh đạo vững chắc của đảng Cộng sản Trung Quốc, sức mạnh toàn thể của đất nước và sự cống hiến của giới chức địa phương, Tân Cương đã được giải cứu khỏi bờ vực hỗn loạn. Nơi này đã tránh được số phận trở thành ‘Syria ở Trung Quốc’ hay ‘Libya ở Trung Quốc’.”
Hoàn Cầu khẳng định hòa bình và ổn định ở Tân Cương có được “một phần nhờ những quy định nghiêm khắc”. Cảnh sát và các chốt an ninh xuất hiện khắp nơi, nhưng đó là giai đoạn mà khu vực này phải trải qua “trong quá trình tái thiết hòa bình thịnh vượng, và sẽ chuyển đổi thành một chính quyền thông thường”.
“Sự xoay chuyển tình hình an ninh ở Tân Cương đã giúp tránh được những thảm kịch to lớn và cứu vô số sinh mạng, nhờ vào sự mạnh mẽ của luật pháp Trung Quốc và vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản,” tờ báo Trung Quốc viết, đồng thời tố chính sách tuyên truyền của phương Tây đã hủy hoại nhiều quốc gia và khu vực.
Tân Cương đang trong giai đoạn phát triển đặc biệt và “không có chỗ cho những luồng ý kiến phá hoại của phương Tây” – Hoàn Cầu cảnh báo. “Hòa bình và ổn định phải đặt lên trên hết. Tất cả biện pháp sẽ được thực hiện theo mục tiêu đó. Chúng ta phải giữ vững niềm tin rằng gìn giữ Tân Cương khỏi hỗn loạn mới là nhân quyền lớn nhất.”
Bộ ngoại giao Trung Quốc hiện chưa lên tiếng về báo cáo ở LHQ.
Đoàn đại biểu 50 quan chức Trung Quốc dự phiên họp ngày 10/8 không bình luận về báo cáo do bà Gay McDougall công bố.
Trước đó, đại sứ Trung Quốc tại LHQ ở Geneve Yu Jianhua khẳng định chính phủ nước này đang hành động hướng tới bình đẳng và đoàn kết giữa tất cả các dân tộc trong nước.