Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngTàu hàng "dở khóc dở cười" của Mỹ cập cảng TQ

Tàu hàng “dở khóc dở cười” của Mỹ cập cảng TQ

Sau hơn một tháng bị neo ngoài khơi Trung Quốc kể từ đòn thuế quan trút xuống, con tàu chở đậu nành “nổi tiếng bất đắc dĩ” từ Mỹ đã tiến vào cảng Đại Liên vào ngày 12-8.

Tàu chở hàng Peak Pegasus. Ảnh: Vessel Finder

Trước đó, con tàu Peak Pegasus chở theo 70.000 tấn đậu nành đã đến vùng biển Trung Quốc từ ngày 6-7, chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% lên số hàng hóa có giá trị 34 tỉ USD từ Mỹ, trong đó có cả đậu nành.

Đây là động thái đáp trả đối với hành động tương tự của Mỹ và là một phần của tranh chấp thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo các dữ liệu mới nhất mà hãng tin Reuters thu được, con tàu cập cảng Đại Liên vào khoảng 0 giờ ngày 12-8. Việc di chuyển vào bến tàu cho thấy Peak Pegasus có thể sắp được dỡ hàng và trở thành chuyến hàng đậu nành đầu tiên của Mỹ chịu mức thuế mới khi tranh chấp thương mại ngày càng gay gắt.

Theo một nguồn tin thân cận với sự việc, cơ quan quản lý dự trữ ngũ cốc quốc gia Sinograin của Trung Quốc là bên mua lô hàng trên.

Một con tàu khác chở đậu nành từ Mỹ, Star Jennifer, cũng đang neo đậu ngoài khơi cảng Đại Liên từ ngày 24-7. Các giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình kéo dài 1 tháng đến Đại Liên của Peak Pegasus đã thu hút sự chú ý ở Trung Quốc vì nhiều người thắc mắc liệu con tàu có đến kịp trước khi mức thuế được áp dụng hay không.

Sau khi huyến hàng giàu protein này không kịp tới nơi để né thuế trả đũa 25% của Trung Quốc, nó đi vòng vèo vô định ngoài khơi biển Hoàng Hải suốt hơn 1 tháng qua trong khi chủ lô hàng – được cho là công ty giao dịch hàng nông sản Louis Dreyfus không đưa ra quyết định sẽ làm gì.

Công ty có trụ sở ở Amsterdam – Hà Lan này được cho là đã phải trả khoảng 12.500 USD/ngày để tiếp tục thuê con tàu đi lòng vòng ngoài khơi bờ biển Hoàng Hải trước khi đáp cảng Đại Liên vào ngày 12-8. Chi phí phát sinh trong vòng hơn 1 tháng qua đã lên tới 400.000 USD.

Đậu nành, nguyên liệu để sản xuất dầu ăn và thức ăn cho động vật, là hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc với giá trị thương mại lên đến 12,7 tỉ USD vào năm 2017.

Vào tuần trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố họ sẽ bắt đầu thu thuế quan với hàng nhập khẩu trị giá 16 tỉ USD của Trung Quốc từ ngày 23-8. Đây là động thái gây áp lực để buộc Trung Quốc đàm phán các nhượng bộ thương mại. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố nước này sẽ trả đũa tương xứng.

RELATED ARTICLES

Tin mới