Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ, TQ đại chiến thương mại: Ai là ngư ông đắc lợi?

Mỹ, TQ đại chiến thương mại: Ai là ngư ông đắc lợi?

Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đang tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, đặc biệt là những điều chỉnh mới trong quan hệ thương mại giữa các nước, Mỹ có thể tăng nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Singapore ngày 3/8/2018. Ảnh: Qianlong.

Tờ Đa Chiều tiếng Hoa tại Mỹ ngày 12/8 cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ mở ra cuộc chiến thuế quan thương mại trị giá 16 tỷ USD vòng 2 vào ngày 23/8. Đối đầu thương mại hơn 3 tháng qua của hai nước đã làm gia tăng leo thang cuộc chiến thương mại này, tư thế cứng rắn của hai bên gây bất an cho dư luận.

Trong bối cảnh này, một số khu vực lại thu được không ít lợi ích từ đó. Trong đó, xu hướng thương mại giữa Trung Quốc và khu vực Trung Đông và châu Phi được cải thiện rõ rệt.

Mỹ là nước lớn năng lượng, có lượng xuất khẩu luôn đứng đầu thế giới. Trung Quốc là nước lớn nhập khẩu năng lượng của thế giới, 50% nhập khẩu dầu thô đến từ khu vực Trung Đông, 30% đến từ châu Phi, còn lại đến từ các khu vực như Nga, Trung Á; nhập khẩu dầu thô từ Mỹ chỉ chiếm 3,5%.

Trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu khí đốt chủ yếu từ các khu vực như Nga. Trước đó, trong đàm phán thương mại Trung – Mỹ hồi tháng 5/2018, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc mở rộng nhập khẩu năng lượng của Mỹ.

Mặc dù lần này Trung Quốc đã loại bỏ dầu thô và khí đốt ra khỏi danh sách thuế quan hai bên, nhưng đối đầu thuế quan Trung – Mỹ tiếp tục leo thang đã tạo ra sự không chắc chắn tương đối lớn cho quan hệ thương mại năng lượng hai nước.

Được biết, công ty kinh doanh dầu mỏ quốc doanh UNIPEC thuộc Tập đoàn Sinopec Trung Quốc (công ty lọc dầu lớn nhất châu Á), khách hàng Trung Quốc lớn nhất của dầu thô Mỹ) đã tạm dừng mua dầu thô từ Mỹ, đã chuyển sang gia tăng nhập khẩu dầu thô từ khu vực Trung Đông và châu Phi.

Đầu tháng 6/2018, hai doanh nghiệp Trung Quốc đã ký kết hợp đồng với Iraq thăm dò, khai thác 3 mỏ khí đốt; trong tháng 7/2018, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và nước sản xuất dầu mỏ châu Phi Nigeria cũng đã ký kết hợp tác dự án dầu khí.

Ngoài ra, từ ngày 19 – 28/7/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành chuyến thăm 5 nước Trung Đông và châu Phi (UAE, Senegal, Nam Phi, Rwanda, Mauritius). Khi đó, Trung Quốc và các nước này đã ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác, bao gồm một loạt dự án khai thác tài nguyên năng lượng.

Do đó có thể thấy, trong bất ổn của cuộc chiến thương mại, để bảo đảm nhập khẩu năng lượng, Trung Quốc không ngừng tăng cường quan hệ năng lượng và thương mại với Trung Đông và châu Phi, đã mở rộng nhập khẩu thương mại đối với Trung Đông và châu Phi. Do đó, các nước Trung Đông và châu Phi đã được lợi.

Từ tháng 1 – 7/2018, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đối với các nước BRICS đạt 638,87 tỷ USD, tăng 15%.

Ngoài khu vực Trung Đông và châu Phi, còn có khu vực Mỹ Latinh. Trung Quốc quyết định chính sách tăng thuế quan 25% đối với đậu tương Mỹ, mặc dù đã gây ảnh hưởng to lớn cho nông nghiệp Mỹ, nhưng làm cho các nước khu vực Mỹ Latinh được lợi không ít.

Từ năm 2016 – 2017, lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc là 93,49 triệu tấn, trong đó nhập khẩu từ Brazil 45,34 triệu tấn, chiếm 48,5%; từ Mỹ 36,84 triệu tấn, chiếm 39,4%.

Từ sau khi Trung Quốc tuyên bố tăng thuế quan lên đậu tương Mỹ, Bắc Kinh chuyển sang chủ yếu nhập khẩu đậu tương từ Brazil, Argentina và Uruguay.

Kinh tế khu vực Mỹ Latinh hiện nay đối mặt với rất nhiều bất lợi, cùng với việc đồng USD tiếp tục mạnh lên, xung đột thương mại leo thang, các thị trường mới nổi bị tác động to lớn, đồng tiền của nhiều nước như Argentina, Brazil xuất hiện sụt giá ở các mức độ khác nhau.

Nhu cầu nhập khẩu tăng lên của Trung Quốc đã hỗ trợ đúng lúc cho các nước Mỹ Latinh vượt qua khó khăn này, nhập khẩu đậu tương từ Nam Mỹ đến nay đã chiếm trên 60% lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc, đồng thời có xu hướng tăng lên ổn định.

Chu kỳ hàng hóa vật tư sản xuất được thúc đẩy bởi nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm protein, đậu tương, làm cho rất nhiều quốc gia Mỹ Latinh “chuyển nguy thành an”.

Trong khi đó, các nước đại lục Âu – Á cũng được không ít lợi ích ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn, thuế quan đậu tương cũng đã đem lại lợi ích thực tế cho EU. Sản lượng đậu tương của bản thân EU không thể đáp ứng nhu cầu tự thân, hàng năm đều cần nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn đậu tương.

Do đậu tương Mỹ không bán được cho Trung Quốc, dẫn đến giá cả đậu tương của Brazil tăng vọt, giá đậu tương Mỹ giảm đột ngột. Lúc này EU bắt đầu tăng nhập khẩu đậu tương giá thấp của Mỹ.

Ngoài đậu tương, EU, Australia cũng thu được nhiều lợi ích trong các lĩnh vực thương mại như các sản phẩm chăn nuôi, khí đốt, rượu vang đỏ, đã ký kết rất nhiều thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc, và cũng đã mở rộng xâm nhập thị trường Trung Quốc.

Đương nhiên, các nước xung quanh Trung Quốc như khu vực Đông Á, Nam Á cũng đã có không ít cơ hội thương mại trong cuộc đối đầu thương mại Trung – Mỹ.

Nhìn vào quan hệ thương mại, Mỹ, EU và ASEAN là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Lần này, Trung Quốc và Mỹ tiến hành chiến tranh thuế quan thương mại, làm cho không ít hàng hóa nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa cấp thấp như quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi. Sau khi Mỹ tăng thuế quan lên Trung Quốc, đương nhiên sẽ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng sẽ tìm kiếm đối tác thay thế thích hợp.

Trong khi đó, ASEAN đương nhiên là sự lựa chọn tốt nhất của Mỹ. Những năm gần đây, ngành chế tạo cấp thấp đã chuyển hướng sang ASEAN, Mỹ cũng đang từng bước mở rộng nhập khẩu thương mại từ các nước ASEAN.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 41,6 tỷ USD, Mỹ cũng đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Sau khi chiến tranh thương mại bùng nổ, kim ngạch thương mại song phương cũng liên tục tăng lên. Tính đến ngày 15/7/2018, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đối với Mỹ đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ cũng đã thúc đẩy thành công Ấn Độ trở thành khách hàng mới của năng lượng Mỹ. Ấn Độ thiếu thốn tài nguyên, có nhu cầu nhập khẩu năng lượng rất lớn. Cuộc chiến thương mại nổ ra cũng đã thúc đẩy mua bán dầu mỏ giữa Mỹ và Ấn Độ.

Một CEO của Công ty dầu mỏ Ấn Độ (IOC) cho biết công ty này đã mua 6 triệu thùng dầu của Mỹ, thời gian giao hàng sẽ từ tháng 11/2018 – 1/2019. Ấn Độ cũng hứa hẹn nhập khẩu dầu thô có quy mô kỷ lục mới vào trong tháng 8/2018.

Hơn nữa, các nước Đông Nam Á cũng là đối tác thương mại rất quan trọng của Trung Quốc. Đối với ASEAN, Trung Quốc đã liên tục 9 năm liền trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, ASEAN 7 năm liền trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc.

Từ tháng 1 – 5/2018, kim ngạch thương mại Trung Quốc – ASEAN tăng trưởng 18,9% so với cùng kỳ, đạt 232,64 tỷ USD. Trong tình hình bất ổn thương mại, củng cố quan hệ đối tác thương mại là biện pháp cần thiết của Trung Quốc.

Vì vậy, tại cuộc họp báo Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 15 diễn ra vào ngày 17/7/2018, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Yên cho biết Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu thương mại, sẵn sàng nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ các nước ASEAN. Cam kết này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực và to lớn đối với lượng nhập khẩu từ ASEAN và tăng trưởng kinh tế của ASEAN.

Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ vốn là một hành động gây thiệt hại cho cả hai bên, chỉ cần có chút sơ suất là sẽ gây họa cho toàn cầu, gây ra không ít “tai họa ngầm” cho kinh tế toàn cầu. Để tự bảo vệ, giảm tổn thất, các nước tích cực tăng cường hợp tác thương mại, thực ra cũng là một phương thức để ứng phó với những tổn thất từ chiến tranh thương mại.

RELATED ARTICLES

Tin mới