Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngCách tiếp cận và sự tham gia của Hàn Quốc trong vấn...

Cách tiếp cận và sự tham gia của Hàn Quốc trong vấn đề Biển Đông

Xét về mặt địa lý, mặc dù Hàn Quốc là nước cách xa Biển Đông và cũng không có bất cứ tuyên bố chủ quyền hay vùng biển chồng lấn nào trong khu vực này; tuy nhiên, Biển Đông lại đóng vai trò quan trọng của cấu trúc an ninh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Hàn Quốc.

Lãnh đạo các nước ASEAN – Hàn Quốc tham dự Đối thoại lần thứ 22 tại Hàn Quốc, từ ngày 20-21/6/2018. Nguồn: http://asean.org

Hàn Quốc có lợi ích trong việc duy trì và đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Hàn Quốc là nước cách xa khu vực Biển Đông và cũng không có bất cứ tuyên bố chủ quyền hay vùng biển chồng lấn nào trong khu vực này, song do Biển Đông đóng vai trò quan trọng của cấu trúc an ninh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Hàn Quốc. Vì vậy, chúng ta có thể khái quát những lợi ích của Hàn Quốc ở thể hiện như sau:

Thứ nhất, Biển Đông là nơi có các tuyến đường biển, đường hàng không quan trọng bậc nhất đối với khu vực và thế giới, nhất là với Hàn Quốc. Nằm trong số các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đường biển và đường hàng không, Hàn Quốc coi, sống còn để vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên giữa Hàn Quốc với thế giới bên ngoài. Qua eo biển Malacca, Biển Đông là tuyến đường ngắn nhất để vận chuyển dầu và hàng hóa từ Châu Phi đến Trung Đông, Australia đến các nước Châu Á, trong khi Hàn Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 5 trên thế giới và 2/3 nguồn nhập khẩu năng lượng của Hàn Quốc là đi qua Biển Đông. Ngoài ra, các nước như Malaysia, Indonesia, Qatar khi xuất khẩu dầu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan cùng một số quốc gia Châu Á khác cũng qua Biển Đông. Ngoài ra, các hoạt động thương mại giữa Hàn Quốc với các nước Trung Cận Đông và Đông Nam Á cũng đều đi qua khu vực này. Giới phân tích nhận định Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động giao thương trực tiếp của Hàn Quốc. Nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Biển Đông hoặc xung đột diễn ra trong khu vực này thì lợi ích thương mại của các nước, bao gồm Hàn Quốc sẽ bị đe doạ trực tiếp.

Thứ hai, sự phát triển ổn định của khu vực Đông Nam Á và Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Hàn Quốc. Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc, trong đó việc tăng cường đầu tư vào các quốc gia ASEAN sẽ thúc đẩy được sự hợp tác kinh tế giữa hai bên, đồng thời sẽ tăng cường được tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc đối với các quốc gia khu vực ASEAN. Đây cũng là một phần trong “Chính sách phương Nam mới” của Hàn Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra khu vực và trên thế giới vốn được Hàn Quốc theo đuổi từ cuối những năm 1980. Hợp tác kinh tế ASEAN – Hàn Quốc đã đạt được nhiều tiến triển trong 10 năm qua theo khuôn khổ Khu vực thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) với thương mại song phương tăng 92,3% lên 118,84 tỷ USD năm 2016 và tăng đầu tư từ Hàn Quốc 5,4 lần kể từ khi AKFTA có hiệu lực. Với những kết quả đó, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai và là địa điểm đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc. Trong số các đối tác đối thoại của ASEAN, Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN và là nguồn đầu tư FDI lớn thứ 5 của ASEAN. Các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN – Hàn Quốc từ tháng 12/2014 đã đặt mục tiêu mới cho kim ngạch thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD vào năm 2020. Trước tình hình tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông đang trong trạng thái ngày càng căng thẳng hơn, các động thái rõ ràng hơn của Hàn Quốc góp phần giữ vững nền hoà bình và đồng thời bảo vệ các lợi ích về kinh tế cũng như củng cố vị trí chiến lược của mình.

Thứ ba, nhìn trên bối cảnh chuyển đổi quyền lực khu vực đang diễn ra, Biển Đông là một phần quan trọng trong cấu trúc an ninh tại Châu Á – Thái Bình Dương. Hàn Quốc sẽ có được lợi ích về phía mình khi cấu trúc đó không bị phá vỡ và không có chiến tranh xảy ra. Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đóng vai trò là một đồng minh hiệp ước quan trọng của Mỹ trong cấu trúc an ninh khu vực thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc sau Chiến tranh Lạnh là kết quả của mối quan hệ thân thiết của Hàn Quốc với Mỹ. Ngoài việc Mỹ và Hàn Quốc là đối tác về chính trị, quân sự, hai nước còn là đối tác kinh tế quan trọng trong giai đoạn 1962 – 1979. Tổng giá trị thương mại hàng hoá giữa Mỹ và Hàn Quốc đạt 145,2 tỉ USD năm 2014. Trong bối cảnh trên, chính sách hay cách tiếp cận của Seoul tại Biển Đông cần được xem xét dựa trên mối quan hệ giữa Hàn Quốc và hai cường quốc. Một mặt, Hàn Quốc vừa muốn phát triển mối quan hệ với đồng minh hiệp ước là Mỹ. Mặt khác, quốc gia này vẫn muốn duy trì quan hệ tốt với láng giềng của mình là Trung Quốc. Nếu Mỹ được coi là người bảo trợ về quân sự thì Trung Quốc đóng vai trò là một bạn hàng lớn của Hàn Quốc về thương mại, đầu tư và các hoạt động trao đổi dịch vụ. Không dừng ở khía cạnh kinh tế, Trung Quốc là mắt xích quan trọng trong vòng đàm phán sáu bên với phía Bắc Triều Tiên. Cả hai quốc gia Mỹ – Trung Quốc đều đem đến những lợi ích rõ ràng cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, những ý đồ an ninh không rõ ràng của Trung Quốc đối với khu vực trong thời gian gần đây khiến cho Hàn Quốc phân vân. Đối với Hàn Quốc, quốc gia này chưa xác định rõ được Trung Quốc hiện là một cường quốc nguyên trạng hay là một cường quốc xét lại, với mong muốn thay đổi trật tự và luật lệ hiện có của khu vực.

Thứ tư, Trung Quốc hiện là nước đã đưa ra những tuyên bố chủ quyền ngang ngược đối với gần như toàn bộ Biển Đông, đồng thời Trung Quốc cũng đưa ra các đòi hỏi chủ quyền đối với vùng biển của Hàn Quốc, Nhật Bản, trở thành nhân tố đe dọa đến hòa bình, ổn định của khu vực. Vì vậy, việc tham gia của Hàn Quốc vào vấn đề Biển Đông sẽ góp phần hạn chế ảnh hưởng và tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở khu vực. Vấn đề Biển Đông cũng đã trở thành chủ đề quan trọng nhất tại các diễn đàn khu vực ASEAN và là mối quan tâm của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… Với vai trò là một trong những đối tác lớn của ASEAN, việc thể hiện rõ lập trường và tham gia tích cực trong giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ giúp Hàn Quốc khẳng định và nâng cao vai trò vị thế của mình. Ngoài ra, việc tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông cũng góp phần thực hiện nghiêm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), giúp củng cố và bảo vệ chủ quyền của Hàn Quốc trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Cách tiếp cận và vai trò của Hàn Quốc đối với vấn đề Biển Đông

Với những lợi ích, cơ hội và nghĩa vụ trong việc gìn giữ sự ổn định của khu vực, Hàn Quốc đã đóng vai trò nhất định trong vấn đề Biển Đông, thông qua việc góp tiếng nói trong các nỗ lực chung của quốc tế để giải quyết các tranh chấp và giảm bớt căng thẳng. Giới chuyên gia cho rằng trong chiến lược phát triển chung của mình, Hàn Quốc tin rằng cách tốt nhất để duy trì hoà bình, hợp tác ở khu vực là tìm thấy quyền lợi chung, tham gia vào các cuộc đối thoại và tin tưởng xây dựng mối quan hệ với các quốc gia hơn là việc chia rẽ. Đồng thời nhu cầu giảm thiểu sự nghi ngờ và phê phán lẫn nhau từ cả hai bên là rất lớn. Trên cơ sở đó, Hàn Quốc đã đưa ra những chính sách và quan điểm của mình tại Biển Đông.

Thứ nhất, quan điểm của lãnh đạo Hàn Quốc về Biển Đông cũng tương đồng với quan điểm của các quốc gia khác là Nhật Bản, Mỹ, Australia. Đó là cần đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, không chấp nhận bất kỳ hành vi độc chiếm Biển Đông của bất kỳ quốc gia nào. Điều này được Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, ông Cho Tae-Yong nhắc đến trong cuộc hội đàm với Mỹ và Nhật Bản vào ngày 16/4/2015 tại Mỹ. Quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang Il trong một phát biểu của mình đã nhấn mạnh hoà bình và ổn định trong khu vực có ý nghĩa với Hàn Quốc. Hàn Quốc đồng thời kêu gọi áp dụng các khuôn khổ pháp lý hiện hành cho phép “bảo đảm quyền tự do hàng hải và ổn định” trong khu vực. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ủng hộ gần như mọi sáng kiến hoà bình của các quốc gia trong khu vực, nhất là của ASEAN và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông. Có nhiều cách lý do được đưa ra để lý giải cách tiếp cận này. Trước hết là vì lợi ích về kinh tế. Chỉ cần không xảy ra xung đột, sẽ không có bất cứ gián đoạn nào trên con đường giao thương chính trên biển của Hàn Quốc mà Biển Đông là một huyết mạch quan trọng. Ngoài ra, Hàn Quốc nhận thấy rằng cần nhiều sự ủng hộ hơn nữa trong vấn đề Bắc Triều Tiên trong khi các lựa chọn “siêu cường”, tuy vẫn nằm trong danh sách ưu tiên nhưng luôn có những rủi ro khó đoán. Liên minh Mỹ-Nhật đang chuyển biến và có những động thái thay đổi mang tính cấu trúc, sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu tiên đoán trước được. Vì thế đầu tư vào mạng lưới an ninh khu vực như một giải pháp song hành. Đầu tư này đồng nghĩa với việc cần tạo thêm sự ủng hộ và cam kết. Sẽ không có thêm quốc gia nào đứng về phía Hàn Quốc khi không nhận thấy sự hiện diện của nước này hay bản thân họ không nhận được lợi ích nào từ Hàn Quốc.

Thứ hai, Hàn Quốc vẫn đang thận trọng, cả về mặt ngôn từ, lẫn hành động, trong đó thường xuyên tham gia vào các cuộc họp đa phương trong các khuôn khổ kiến trúc khu vực của ASEAN. Trong các tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng ủng hộ thực thi Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mặc dù sự thể hiện ủng hộ này còn mang tính chung chung, nếu không nói là khá “kiệm lời” so với phát biểu nhiều phê bình và chỉ trích của các quốc gia khác về các tác nhân đang làm thay đổi thực trạng hiện có của khu vực. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã công khai ủng hộ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và cả việc cần xúc tiến đàm phán và kết thúc COC. Dựa trên sự ủng hội này, những hành động thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay đơn phương khiêu khích làm phức tạp hơn tình hình tranh chấp cần được Hàn Quốc phản đối – cả đa phương, lẫn song phương, cả công khai, lẫn trong các trao đổi nội bộ với các nước liên quan. Chính sách của Hàn Quốc tại Biển Đông phụ thuộc nhiều vào góc nhìn lợi ích của quốc gia này trong bức tranh chung đại chiến lược đang thay đổi. Vì thế cũng dễ hiểu khi Hàn Quốc tỏ ra thận trọng với từng bước đi của mình tại Biển Đông để vừa duy trì lợi ích của mình trong mối quan hệ với Mỹ, Trung. Nhưng các bước quá thận trọng như hiện nay rõ ràng đang chậm hơn những gì diễn ra hằng ngày trên thực địa tại Biển Đông và trong chuyển động an ninh chiến lược của các cường quốc.

Thứ ba, về hành động, một số chuyển biến có thể ghi nhận trong thời gian vừa qua. Đó là việc Hàn Quốc tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines trong giai đoạn Manila với Băc Kinh đang kéo dài các căng thẳng tại Biển Đông. Đây có thể xem như một động thái ngầm ủng hộ Philippines tại Biển Đông. Mặc dù phía Trung Quốc phản đối, chính phủ Seoul vẫn quyết định cung ứng các thiết bị quân sự và vũ khí cho Manila. Vào tháng 6/2014, Hàn Quốc đã quyết định tặng tàu chiến lớp Pohang cho Philippines. Trước đó, Manila cũng đã nhận được 1 tàu đổ bộ cùng 16 xuồng cao su từ phía Hàn Quốc. Hàn Quốc nhìn chung đã đưa ra những tín hiệu thể hiện sự ủng hộ của mình trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, mặc dầu chưa được mạnh mẽ như người láng giềng Nhật Bản.

Hàn Quốc phản đối quân sự hóa ở Biển Đông, ủng hộ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam gần đây nhất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phu nhân từ ngày 22 đến ngày 24/3/2018, Tổng thống Moon Jae-in đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến về phương hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên đã ra Tuyên bố chung trong đó Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, cùng nhận thức phải giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC.

Trước đó, tại Đối thoại thường niên ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 21 tổ chức tại Campuchia từ ngày 22 đến ngày 23/6/2017, Hàn Quốc bày tỏ ủng hộ lập trường chung của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không quân sự hóa và sớm hoàn tất COC.

Tại Đối thoại thường niên ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 22 tổ chức tại Seoul từ ngày 20 đến 21/6/2018, Hàn Quốc đã khẳng định quan điểm nhất quán ủng hộ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hoà bình các tranh chấp; kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; đề cao các chuẩn mực của khu vực trong hành vi ứng xử.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (24/4/2018), Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.

Giới chuyên gia, học giả Hàn Quốc cũng tích cực tham gia vào nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông

Ngày 17/11/2017, tại Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Dongwon (Hàn Quốc), Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam VESAMO đã phối hợp với trường Đại học Youngsan (Trung tâm nghiên cứu luật biển, Trung tâm quốc tế học, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam) và Viện khoa học kỹ thuật hải dương Hàn Quốc đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học năm 2017 với chủ đề: “Các khía cạnh pháp lý và giải pháp duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông”. Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu là các giáo sư đại học, chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu về hải dương học, các sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam và những người Hàn Quốc quan tâm. Các ý kiến đều cho rằng, tình hình Biển Đông gần đây mặc dù có vẻ lắng dịu hơn, tuy nhiên thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do Trung Quốc cố tình không tuân thủ luật pháp quốc tế, tiếp tục triển khai các hoạt động gây căng thẳng và quân sự hóa ở Biển Đông; rằng việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở Biển Đông là bổn phận và trách nhiệm của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế. Đảm bảo an ninh, hoà bình ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, do đó Hội thảo kêu gọi các bên liên quan xuất phát từ tinh thần và trách nhiệm quốc tế chấm dứt các hành động căng thẳng, đơn phương phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, thiện chí hợp tác gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển và sự đa dạng sinh học ở Biển Đông.

Trước đó, ngày 29/11/2016, Hội nghiên cứu Việt Nam học Hàn Quốc và Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế thuộc trường Đại học Chosun đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Tình hình và triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines” tại TP Gwangju, Hàn Quốc. Tham dự có gần 100 đại biểu là các quan chức TP Gwangju, các chuyên gia nghiên cứu, học giả Hàn Quốc, giảng viên, sinh viên trường Đại học Chosun cùng đông đảo người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Giới chuyên gia tại Hội thảo cho rằng việc Tòa trọng tài quốc tế ngày 12/7/2016 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc là một sự kiện quan trọng trong tiến trình giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua luật quốc tế. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các bên cần nêu cao trách nhiệm và bổn phận đối với việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.

RELATED ARTICLES

Tin mới