Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐiểm tinKì hạn trả vốn cận kề, "con nợ còm cõi" hốt hoảng...

Kì hạn trả vốn cận kề, “con nợ còm cõi” hốt hoảng xin TQ xóa khoản vay khổng lồ

Không chỉ riêng Tonga, mà nhiều quốc đảo nhỏ khác tại Thái Bình Dương cũng đang chật vật xoay xở để trả nợ Trung Quốc.

Ảnh: Gold Telegraph.

Theo Channel News Asia, Thủ tướng Tonga Akalisi Pohiva gần đây đã kêu gọi Trung Quốc xóa nợ cho nước này cùng các quốc gia láng giềng trong khu vực, với lí do các khoản nợ khổng lồ tới hạn đang là gánh nặng rất lớn đối với các quốc gia nghèo tại khu vực Thái Bình Dương.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường “viện trợ” cho khu vực Thái Bình Dương, chủ yếu thông qua các khoản vay ưu đãi do ngân hàng nhà nước Exim Bank của nước này cung cấp.

Theo viện nghiên cứu Lowy Institute của Australia, ước tính tổng số nợ Trung Quốc của Tonga hiện nay đã lên đến hơn 100 triệu USD. Thủ tướng Pohiva cho biết việc hoàn trả khoản nợ này cho Bắc Kinh sẽ là điều rất khó khăn đối với nền kinh tế của Tonga.

Không chỉ riêng Tonga, mà nhiều quốc đảo nhỏ khác tại Thái Bình Dương cũng đang ‘mang nợ’ Trung Quốc. Tất cả đều đang chật vật xoay xở để trả nợ và đối mặt nguy cơ sập bẫy nợ.

Tonga đã vay vốn ưu đãi của Trung Quốc để tái thiết đất nước sau khi các cuộc nổi loạn năm 2006 tàn phá trung tâm thủ đô Nuku’alofa của nước này.

Năm 2013, chính phủ Tonga từng đề nghị Bắc Kinh xóa nợ cho mình và chuyển khoản nợ đó thành hình thức viện trợ, tuy nhiên Trung Quốc từ chối và gia hạn trả nợ cho Tonga trong vòng 5 năm.

Ông Pohiva cho biết hiện nay Trung Quốc đang muốn đòi lại khoản vay này từ Tonga.

“Theo kế hoạch, đến tháng 9 năm nay, Tonga sẽ phải trả cho Trung Quốc 14 triệu USD. Khoản nợ chiếm một phần lớn trong tổng ngân sách của chúng tôi”, ông Pohiva nói.

Quả thật, với tổng ngân sách chỉ vỏn vẹn 135 triệu USD, Tonga hiện nay đang chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc khi kì hạn trả nợ đang cận kề.

Trong khi chính phủ Tonga còn đang đau đầu tìm cách trả nợ, thì hồi tháng 2 vừa qua, một trận bão cấp 5 đã đổ bộ vào Nuku’alofa khiến nước này lại phải chi một khoản tiền lớn trong ngân sách để sửa chữa và tái thiết thành phố.

Theo ông Pohiva, các quốc gia Thái Bình Dương cần thảo luận về vấn đề này và cùng kí đơn đề nghị Trung Quốc xóa nợ.

“Nếu chúng tôi không trả được nợ, thì chính phủ Bắc Kinh có thể lấy đi tài sản của chúng tôi, ví dụ như các tòa nhà do Trung Quốc cấp vốn xây dựng”, ông Pohiva nói. “Do đó [Tonga và các nước Thái Bình Dương] chỉ còn lựa chọn duy nhất là đề nghị chính phủ Trung Quốc xóa nợ”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang áp dụng chính sách ‘ngoại giao bẫy nợ’ để thâu tóm các vị trí chiến lược thuộc dự án Vành đai và Con đường. Một con nợ lớn khác của Trung Quốc – Sri Lanka – đã phải đánh đổi bằng một cảng chiến lược của mình để học được bài học xương máu khi vay vốn của Bắc Kinh. 

Phát biểu của Thủ tướng Tonga được đưa ra sau khi Australia liên tục cảnh báo trong những tháng gần đây rằng các quốc gia Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ sập bẫy nợ của Trung Quốc và bị bắc Kinh chi phối.

Australia và New Zealand cũng đang tăng cường viện trợ cho các nước Thái Bình Dương nhằm ngăn cản Trung Quốc tăng cường hiện diện và ảnh hưởng tại khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới