Monday, September 16, 2024
Trang chủBiển nóngDoanh nghiệp Nhà nước TQ tăng cường hiện diện ở Biển Đông:...

Doanh nghiệp Nhà nước TQ tăng cường hiện diện ở Biển Đông: Nước cờ mới của Trung Quốc nhằm khẳng định “chủ quyền” trên biển

Từ sau Phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc đã triển khai nhiều thủ đoạn mới vừa nhằm lách luật, tránh bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích, vừa nhằm tìm cách khẳng định “chủ quyền” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việc sử dụng các doanh nghiệp tăng cường hiện diện trên Biển Đông có thể nói là một chiêu trò mới của Trung Quốc nhằm khẳng định “Trung Quốc hiện diện lâu dài và quản lý, khai thác, sử dụng Biển Đông liên tục, trong hòa bình” và “Biển Đông là của Bắc Kinh”. Tuy nhiên, hành động này của Trung Quốc không góp phần biện minh được Trung Quốc có “chủ quyền” ở Biển Đông, vốn đã được luật pháp quốc tế đưa ra phán quyết.

Giàn khoan ở Vi Châu hoạt động trên Biển Đông

Trung Quốc đang dùng các tập đoàn Nhà nước làm công cụ lấn chiếm và áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã hậu thuẫn các doanh nghiệp Nhà nước tăng cường hiện diện, khai thác kinh tế ở Biển Đông, bao gồm một số lĩnh vực như phát triển hạ tầng cơ sở, du lịch, dầu khí, viễn thông… Hầu hết những tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động (phi pháp) ở Biển Đông đều có chung một số đặc điểm sau: (1) Các tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong một môi trường phức tạp và thường không rõ ràng, phục vụ cho lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong lúc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. (2) Đa phần các khu vực mà tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động chủ yếu nằm trong vùng biển của các nước khác, nói cách khác, đa phần các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đều là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác.

Trong tháng 7/2018, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cũng đã ra thông báo chính thức cho phép người dân sử dụng các “đảo” không người ở trên Biển Đông để thực hiện các hoạt động du lịch và xây dựng trong 50 năm, song kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào Hoàng Sa. Cụ thể, Bộ Đại dương và Nghề cá tỉnh Hải Nam tuyên bố, bất cứ thực thể hay cá nhân nào muốn phát triển các đảo không người ở cần đăng ký và trình kế hoạch phát triển tới các cơ quan chức năng của tỉnh. Khung thời gian để sử dụng các “đảo” này là 15 năm cho các hoạt động nông nghiệp, 25 năm cho hoạt động du lịch và giải trí, 30 năm sử dụng cho công nghiệp muối và khoáng sản, 40 năm phục vụ các dự án phúc lợi xã hội và 50 năm sử dụng cho hoạt động cảng và xây dựng xưởng đóng tàu. Các cá nhân sẽ phải trả phí sử dụng cho Chính phủ Trung Quốc. Giới chuyên gia Trung Quốc ngang ngược cho rằng động thái này sẽ “củng cố toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và duy trì sự ổn định trên Biển Đông”, đồng thời đạt được mục tiêu xây dựng một khu vực thương mại tự do và đẩy mạnh được việc sử dụng tài nguyên đất. Ông Trần Tương Miểu, Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc ngang ngược cho rằng “chiến lược phát triển đảo hoang sẽ mang đến sự ổn định và đập tan nỗ lực của các nước khác nhằm xâm lược và chiếm đóng lãnh hải của chúng ta”.

Doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu hoạt động trong một số lĩnh vực: (1) Du lịch, cơ sở hậu cần, xây dựng: Theo giới chuyên gia, cách thức Tâp Đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc CCCC (China Communications Construction Corporation) và các công ty con, tận dụng chính sách mà ông Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2012 để phát triển năng lực hoạt động trên biển nhờ các hợp đồng ở Biển Đông, trong đó có việc đóng tàu nạo vét thuộc loại lớn nhất thế giới. Tập đoàn CCCC đã lập ra những đơn vị kinh doanh mới tập trung khai thác phi pháp khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bao gồm một số lĩnh vực như du lịch, cơ sở hậu cần, đánh cá, xây dựng. CCCC cũng hợp tác với những tập đoàn Nhà nước khác, trong đó có tập đoàn du lịch China Travel Service Group (CTSG), để phát triển tuyến du lich phi pháp đến Hoàng Sa bằng tàu thủy. Theo số liệu của Cơ Quan An Toàn Hàng Hải Hải Nam, từ tháng 4/2013 đến nay, đã có hơn 70.000 người dân Trung Quốc đi du lịch phi pháp tới các đảo, đá ở Biển Đông Hoàng Sa. Không chỉ vậy, các công ty du lịch Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh tại quần đảo Hoàng Sa, và được chính quyền hỗ trợ đáng kể. Các hoạt động kiểu này được cho là có liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, nhất là khi các tour du lịch bao gồm cả lễ chào cờ và tuyên thệ. Người ta tin rằng việc thúc đẩy nguồn tài nguyên du lịch là cách để Trung Quốc tăng cường chủ quyền và quyền lợi mà họ tuyên bố ở Biển Đông.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng đang tìm cách liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch ở Biển Đông. Tháng 4/2016, Tập đoàn Vận tải Hàng hải COSCO đã khai trương một công ty du lịch hợp tác với hai doanh nghiệp nhà nước khác, cụ thể là China Travel Service Group, và China Communications and Constructions Corp. COSCO tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động từ Hoàng Sa đến Đài Loan và các đảo khác ở các nước láng giềng, một phần của chương trình du lịch văn hóa trong khuôn khổ tham vọng “Con đường Tơ lụa trên Biển” của Trung Quốc.

(2) Thăm dò, khai thác dầu khí: Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã chi 32 tỷ USD cho việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Trong 10 năm qua, CNOOC đã có nhiều hoạt động tham dò, khai thác phi pháp ở Biển Đông như: CNOOC (5/2011) đã kêu gọi các công ty nước ngoài tham gia liên doanh để khai thác dầu khí tại 19 khu vực ngoài khơi Trung Quốc, kể cả tại vùng có tranh chấp với Việt Nam (65/24); CNOOC (6/2012) đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu trái phép 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN); CNOOC (8/2012) lại mời thầu thăm dò, khai thác 22 lô dầu khí ở Biển Đông; CNOOC (25/2/2016) thông cáo mời thầu 18 lô dầu khí với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông…

(3) Năng lượng: Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc nghiên cứu, chế tạo trạm điện hạt nhân nổi trên biển từ những năm đầu của Thế kỷ 21. Được biết, Công ty Điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (8/2017) thông báo góp vốn cùng Tập đoàn Quốc Thịnh Thượng Hải, Tập đoàn Đóng tàu Giang Nam, Công ty Điện khí Thượng Hải và Công ty Điện Triết năng Triết Giang thành lập “Công ty TNHH phát triển năng lượng hạt nhân trên biển”. Công ty trên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh và quản lý trang bị năng lượng hạt nhân biển. Đây có thể là bước đệm để các công ty Trung Quốc thúc đẩy chế tạo các nhà máy điện hạt nhân nổi và đưa ra hoạt động ở khu vực Biển Đông. Trong một diễn biến liên quan, các doanh nghiệp Trung Quốc đã hoàn thành quy hoạch điện gió tại nhiều địa phương như Triết Giang, Thượng Hải, Giang Tô, Quảng Đông, Hồ Bắc, Bột Hải… Theo các cơ quan năng lượng Trung Quốc, tổng công suất tua bin điện gió mà Trung Quốc đã lắp đặt trên biển đạt trên 1.000 MW. Không những vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc còn đang nghiên cứu, chế tạo nhà máy sản xuất điện từ sóng biển nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo xa bờ.

(4) Viễn thông: Tập đoàn China Telecom, China Mobile Communications của Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 8 trạm phát sóng 4G phi pháp trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mỗi trạm như vậy có tốc độ download dữ liệu đạt 1 Mb/giây. Những Tập đoàn trên cũng hoàn thành phủ sóng phi pháp 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây, đảo Bắc, đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa.

(5) Nghề cá: Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Năm 1980, khi châu Á chiếm 43% sản lượng cá thế giới, Trung Quốc mới chỉ chiếm 7%. Đến năm 2013, châu Á chiếm 68% thì Trung Quốc đã chiếm 32%, mang lại cho nền kinh tế nước này 289 tỷ USD. Trước đây, Trung Quốc xác định vùng đánh bắt cá của ngư dân chủ yếu là bốn biển Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải (biển Hoa Đông) và Nam Hải (Biển Đông). Tuy nhiên, gần đây do biển Bột Hải và Hoàng Hải đã cạn kiệt cá, cần giảm việc đánh bắt để tái tạo nguồn cá, Trung Quốc đã đẩy mạnh đánh bắt cá tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

Giới chuyên gia nhận định hành động của Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn

Một số chuyên gia và các nhà ngoại giao khu vực cho rằng Trung Quốc hậu thuẫn các doanh nghiệp tăng cường hiện diện thương mại ở Biển Đông có thể làm phức tạp thêm bất kỳ giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông. Chuyên gia Ian Storey, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định Bắc Kinh đang khuyến khích các doanh nghiệp trở thành những tác nhân quan trọng ở Biển Đông; đây là điều mà các quốc gia khác tranh chấp không thể làm được, ít ra là ở quy mô như Trung Quốc. Trong bối tranh chấp Biển Đông đang ngày càng có nhiều diễn biến phực tạp và chưa có giải pháp giải quyết tranh chấp thì hành động của Trung Quốc là rất đáng quan ngại.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng việc mở rộng những lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước ở Biển Đông đang đẩy Trung Quốc vào thế khó xử. Ngoài những tác động tiêu cực đến mối quan hệ của Trung Quốc với một số nước trong khu vực và ảnh hưởng chiến lược khu vực của Bắc Kinh, các tranh chấp ở Biển Đông đang phủ bóng đen trên một số kế hoạch hội nhập kinh tế khu vực tham vọng hơn của Bắc Kinh như sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, đòi hỏi sự tham gia và hợp tác của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, việc củng cố các lợi ích cho doanh nghiệp quốc doanh tại Biển Đông khiến Trung Quốc “đâm lao phải theo lao”, khó có thể rút lại các yêu sách ở Biển Đông hay khó có thể trở nên mềm dẻo hơn trước sức ép của quốc tế.

Hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các tuyên bố của nước này về vấn đề Biển Đông

Đầu tiên, Trung Quốc là một bên tham gia ký kết Tuyên bố của các bên liên quan về ứng xử ở Biển Đông (DOC), vì vậy nước này có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ nghiêm DOC. Tuy nhiên, hành động trên của Bắc Kinh đã vi phạm các quy định của DOC khi cố tình làm phức tạp hóa tình hình Biển Đông.

Thứ hai, quan chức, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố, cam kết khẳng định nước này sẽ không quân sự hóa, không tìm cách thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Tuy nhiên, hành động này đã đi ngược lại những gì mà Trung Quốc tuyên bố.

Thứ ba, các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Biển Đông sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, bất ổn, có thể dẫn đến va chạm và xung đột quân sự. Hành động này cho thấy Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết của nước này trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Thứ tư, Trung Quốc không có chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, vì vậy tất cả các hoạt động của nước này tại Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của nước khác.

Ngoài ra, hành động này cũng cho thấy Trung Quốc không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc không làm phức tạp hóa tranh chấp ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.

Hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông

Lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp các đảo, đá, bãi cạn của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế và cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không được luật pháp cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Vì vậy, Trung Quốc cần chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS cũng như DOC, không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới