Thursday, May 9, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 20/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 20/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 20/08/2018.

Đại sứ Úc tại Philippines: Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông không nên làm ảnh hưởng tới bên thứ ba

Trang The Philippine Star đưa tin, phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức ở thành phố Taguig ngày 17/8, Đại sứ Úc tại Philippines Amanda Gorely đã hối thúc tất cả các bên liên quan đến việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần đảm bảo rằng COC sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bên cạnh đó, bà Gorely cũng chỉ rõ ràng những diễn biến ở Biển Đông có ảnh hưởng đến Úc bởi nước này là một thành viên trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bà nhấn mạnh, tình hình hiện nay ở Biển Đông đang cho thấy “những thách thức nghiêm trọng đối với một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực”, khẳng định “hợp tác biển có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực, bao gồm quản lý các tranh chấp ở Biển Đông, nơi có những thách thức đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Bà cho hay Úc tin tưởng rằng COC có thể giúp quản lý các tranh chấp và hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực, thông qua “tăng cường cấu trúc khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN hiện nay”, “tăng cường cam kết của các bên nhằm chấm dứt các hành động làm phức tạp hay làm leo thang các tranh chấp, nhất là hành động quân sự hóa”. Bên cạnh đó, Đại sứ Úc tại Philippines cũng ghi nhận rằng việc thúc đẩy COC “sẽ không dễ dàng”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo sự toàn vẹn của trật tự quốc tế trên nền tảng của các quốc gia có chủ quyền”.

Trung Quốc phản đối báo cáo của Mỹ về các hoạt động quân sự của nước này ở Biển Đông

Ngày 19/8, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 17/8, ông Ngô Khiêm, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc “kiên quyết phản đối báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về các hoạt động quân sự và an ninh của Trung Quốc”, “cho rằng báo cáo này đã giải thích sai lệch về mục tiêu chiến lược của Trung Quốc và thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa quân sự Trung Quốc”. Ngoài ra, ông Ngô Khiêm cũng khẳng định, Trung Quốc, “với tư cách là một nhân tố thúc đẩy hòa bình thế giới, đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và duy trì trật tự quốc tế, kiên trì theo đuổi con đường phát triển hòa bình và chính sách quốc phòng mang bản chất phòng vệ”. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng “những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự là nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, cũng như bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, “quân đội Trung Quốc sẽ luôn luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Ông tái khẳng định: “lập trường của Trung Quốc về các vấn đề biển là nhất quán và rõ ràng, Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua đàm phán trực tiếp với các bên liên quan”; “các hoạt động xây dựng hòa bình của Trung Quốc trên các đảo, đá ở Biển Đông là nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đáp ứng yêu cầu của người dân, hoàn thành tốt hơn những nghĩa vụ quốc tế của mình”. Mặt khác, ông chỉ trích Mỹ “là mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và ổn định khu vực” khi “thường xuyên đưa các tàu chiến và máy bay tới Biển Đông dưới danh nghĩa “tự do hàng hải” và “gây căng thẳng””.

Đài Loan sắp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đầu tư ở khu vực Biển Đông

Ngày 19/8, trang Taiwan News đưa tin, ngày 17/8, Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) Đài Loan thông báo, nhằm triển khai “Chương trình hợp tác Ngăn chặn thảm họa thiên nhiên và nghiên cứu hợp tác quốc tế về Khoa học Trái đất ở Đông Nam Á”, Đài Loan sẽ tăng cường hợp tác các dự án nghiên cứu với các quốc gia khác ở Biển Đông, đồng thời nâng cấp các cơ sở khoa học và đầu tư quanh khu vực quần đảo Đông Sa và “đảo” Ba Bình. Taiwan News cho hay, dự án đã khởi động vào tháng 7 và sẽ triển khai đến năm 2022. Dự án này là nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phòng chống thiên tai, nghiên cứu về khí hậu, khí quyển và biển, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực nghiên cứu hợp tác với các nước Đông Nam Á. Cũng theo thông báo này, đã có nhiều dự án được lên kế hoạch nhằm đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong các dự án khu vực. Theo Taiwan News, sáng kiến Chương trình nói trên là phù hợp với sáng kiến “Bốn Nguyên tắc, Năm Hành động” ở Biển Đông được đưa ra bởi chính quyền Tổng thống Thái Anh Văn năm 2016.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan Chen Liang-gee đã có cuộc gặp với các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ và Nhật Bản, đồng thời dẫn đầu đoàn đại biểu các quan chức Đài Loan tới thăm các cơ sở đặt trên quần đảo Đông Sa.

Ngoại trưởng Philippines khẳng định cam kết của nước này đối với trật tự khu vực dựa trên luật lệ

Trang The Philippine Style trích Thông cáo báo chí ngày 18/8 cho biết, tại cuộc gặp với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Châu Á – Thái Bình Dương Mark Field ngày 16/8, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã khẳng định cam kết của Philippines đối với việc duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Về vấn đề Biển Đông, ông Field kêu gọi tất cả các quốc gia cần tôn trọng quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, trong đó có Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc; khẳng định: “điều quan trọng đối với ổn định khu vực và sự toàn vẹn của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, là các tranh chấp trong khu vực cần được giải quyết, không phải bằng vũ lực, sức mạnh quân sự hoặc áp đặt, mà phải thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Cựu Ngoại trưởng Philippines: thỏa thuận thăm dò chung trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc cần áp dụng theo mô hình Malampaya

Ngày 19/8, trang Business Mirror của Philippines cho biết, mới đây cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã có phát biểu rằng một thỏa thuận thương mại liên quan đến hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc ở Biển Đông cần áp dụng theo “mô hình Malampaya” đồng thời phải tuân thủ theo Hiến pháp Philippines. Business Mirror cho biết Chính phủ Philippines và tập đoàn Malampaya đã thỏa thuận chia sẻ tỷ lệ lợi nhuận là 60-40 đối với các mỏ khí ngoài khơi đảo Palawan của Philippines. Tuy nhiên trước đó, Ngoại trưởng đương nhiệm Alan Peter Cayetano cho rằng chính phủ Philippines sẽ không nhất trí thỏa thuận về thăm dò chung với Trung Quốc trừ khi thỏa thuận này là tương đương hoặc lớn hơn mô hình Malampaya. Ngoài ra, khi được phóng viên hỏi rằng liệu chính quyền hiện tại có tham vấn ông hay bất cứ ai từ chính quyền trước đây tham gia vào nhóm công tác kỹ thuật hay không, ông Rosario cho biết chính quyền hiện tại đang có ý định trao đổi với Paul Reichler, luật sư của nhóm chuyên gia pháp lý của Philippines đã góp phần đem lại chiến thắng lịch sử của nước này trong vụ kiện Trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Ông cũng khẳng định rằng sẽ không phản đối hoạt động phát triển chung miễn là nó tuân thủ Hiến pháp, và không từ bỏ các quyền chủ quyền theo như Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế đã ghi nhận.

Phát biểu khai mạc tại một diễn đàn của Trung tâm Nghiên cứu Stratbase ADRi, Philippines ngày 17/8, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario đã nhắc lại rằng Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016 không phải là một “chiến thắng vô giá trị”, và cho rằng “bất kỳ ai có suy nghĩ như vậy chính là đang thể hiện quan điểm của Trung Quốc”. Bên cạnh đó, ông cũng hoan nghênh phát biểu mới đây của Tổng thống Rodrigo Duterte về việc kêu gọi Trung Quốc thực hiện kiềm chế trong hành vi của mình ở Biển Đông. Mặt khác, ông del Rosario cho rằng Philippines cần khẳng định thượng tôn pháp luật, đồng thời không nên để bị cản trở bởi những quan điểm đối lập làm suy yếu quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới