Thủ tướng Malaysia khéo léo muốn hủy hai dự án đường sắt và đường ống dẫn dầu của Trung Quốc đang khiến Malaysia rơi vào nợ nần.
Ngày 20/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đón Thủ tướng Maylaysia Mahathir đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài từ ngày 17 – 21/8.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Mahathir kể từ khi được bầu làm Thủ tướng Malaysia trong cuộc tổng tuyển cử ngày 9/5 vừa qua.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng, quan hệ hai nước Malaysia – Trung Quốc luôn duy trì phát triển kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Chính phủ mới của Malaysia sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hữu nghị với Trung Quốc.
Ông Mahathir cũng cho biết, chuyến thăm Trung Quốc lần này là nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước, tìm kiếm những cơ hội hợp tác để hai bên cùng có lợi.
“Chúng tôi hy vọng có thể khiến Trung Quốc hiểu được các vấn đề mà Malaysia hiện phải đối mặt… Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ có cái nhìn thông cảm với những vấn đề mà chúng tôi phải giải quyết và có lẽ sẽ giúp đỡ chúng tôi giải quyết một số vấn đề về tài chính nội bộ” – Reuters dẫn lời Thủ tướng Mahathir Mohamad nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Tuyên bố của Thủ tướng Malaysia được đưa ra trong bối cảnh ông đang tìm cách tái thương lượng, hoặc có thể là hủy bỏ các dự án do Trung Quốc đầu tư trị giá hơn 20 tỷ USD.
Ông Mahathir khẳng định Malaysia không muốn đối đầu với bất kỳ quốc gia nào, đồng thời nhấn mạnh vào những lợi ích mà Malaysia có được khi tăng cường tiếp xúc về thương mại, công nghệ và kinh doanh với Trung Quốc.
Thủ tướng Malaysia không đề cập tới những dự án gây tranh cãi của Trung Quốc nhưng trước khi lên đường tới Bắc Kinh, Thủ tướng Mahathir nhiều lần tuyên bố sẽ thảo luận cái mà ông gọi là những thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng “thiếu công bằng” với Bắc Kinh, được phê chuẩn dưới thời người tiền nhiệm Najib Razak.
Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc cho hay ông hy vọng việc mở rộng quan hệ thương mại với Malaysia sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại song phương, đồng thời Trung Quốc sẵn sàng “tăng mạnh” nhập khẩu dầu cọ cùng các sản phẩm nông nghiệp khác từ Malaysia nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ ba của Malaysia, xếp sau Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU).
Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, sự đồng thuận đạt được sau các cuộc đàm phán cùng một loạt biên bản ghi nhớ mà hai bên thống nhất đã truyền đi thông điệp rằng Trung Quốc và Malaysia sẽ “duy trì tình bạn trong dài hạn”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia chỉ tỏ thái độ ủng hộ một phần khi Thủ tướng Trung Quốc đặt câu hỏi liệu ông có tin hai bên đã đạt được đồng thuận về thương mại tự do không.
“Tôi đồng ý với ngài rằng chúng ta cần theo đuổi thương mại tự do nhưng chắc chắn thương mại tự do phải đảm bảo công bằng”, ông Mahathir nói. “Chúng tôi không muốn rơi vào tình thế mà ở đó tồn tại một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân, bởi các nước nghèo không thể đối chọi lại những nước giàu”.
Theo nguồn tin của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Thủ tướng Malaysia đã đổ lỗi cho người tiền nhiệm diễn ra ở Câu lạc bộ doanh nhân Trung Quốc hôm 19/8.
Tại đây, Thủ tướng Mahathir nói: “Đấy không phải lỗi của người Trung Quốc, mà của chính phủ Malaysia”, ám chỉ chính phủ Najib, người đàn em cũ đã thua ông trong cuộc bầu cử hồi tháng 5.
Khi được hỏi về tương lai của các dự án Trung Quốc ở Malaysia, ông nói: “Họ đã vay những khoản tiền lớn, và nay chúng tôi gặp rắc rối trong việc trả lại số tiền nợ. Đấy không phải là đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI)”.
“Chúng tôi không chống các công ty Trung Quốc, nhưng chúng tôi chống vay tiền từ bên ngoài và có các dự án không cần thiết và quá tốn kém” – vị Thủ tướng nói.
Đây là một cách khéo léo mà ông sẽ sử dụng khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh nếu muốn hủy bỏ hoặc tái đàm phán các dự án Trung Quốc.
Cùng ngày 19/8, ông Mahathir đã tới Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang để thăm các công ty công nghệ, doanh nghiệp sản xuất ô tô trước khi đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ngoài chuyện tái đàm phán các dự án cơ sở hạ tầng, cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc- Malaysia còn bàn vấn đề thương mại, quan hệ chiến lược và tranh chấp Biển Đông.
Các nhà quan sát cho rằng, khi Thủ tướng Malaysia đang xem trọng vấn đề kinh tế, thì vụ tranh chấp Biển Đông sẽ được trao đổi qua loa.
Nhà phân tích Shahriman Lockman ở Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (tại Kuala Lumpur, Malaysia) nói: “Trong 45 phút và 60 phút hội đàm với Thủ tướng và Chủ tịch Trung Quốc, ông Mahathir không thể đi vào chi tiết, ngoài việc kêu gọi giữ yên cho Biển Đông và eo biển Malacca”.