Monday, May 13, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMời doanh nghiệp TQ mua gạo Việt: Tốt nhưng chưa đủ

Mời doanh nghiệp TQ mua gạo Việt: Tốt nhưng chưa đủ

Nông nghiệp vẫn vừa đi vừa dò đường nên mọi giải pháp còn manh mún, đứt quãng, chưa đem lại hiệu quả

Chưa đủ

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã tổ chức mời 15 đoàn doanh nghiệp nhập khẩu lương thực Trung Quốc vào Việt Nam giao dịch, kết nối mua hàng.

Đánh giá về thông tin trên, GS Võ Tòng Xuân (ĐH Cần Thơ) cho biết, đó là động thái tốt, giúp ngành gạo Việt Nam từng bước đi vào các hoạt động giao thương chính thức, hạn chế các giao dịch mua bán tiểu ngạch qua biên giới.

Vị GS nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường lớn, cùng với việc mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới, việc nuôi dưỡng, phát triển  thị trường tiềm năng là yếu tố rất quan trọng.

Tuy nhiên, thời gian qua giao thương giữa hai nước chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, mua bán không qua hợp đồng, dẫn tới tình trạng thương lái thao túng, người nông dân chịu thiệt. Vì thế, việc tổ chức mời các doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc trực tiếp với doanh nghiệp trong nước là cách thức giúp hai bên có cơ hội tìm hiểu, xúc tiến các hợp đồng mua bán có lợi, thông qua việc thực hiện ký kết các hợp đồng cụ thể.

“Với các nước khác, doanh nghiệp Việt đã có đầu mối, mọi giao dịch thương mại đều thông qua đơn đặt hàng nên không cần phải tổ chức xúc tiến gặp gỡ giữa các doanh nghiệp. Riêng Trung Quốc, đây là việc làm cần thiết nhằm từng bước xóa bỏ các hoạt động mua bán tiểu ngạch, tiến tới giao thương theo con đường chính thức, giảm bớt những rủi ro cho doanh nghiệp và người dân”, GS Võ Tòng Xuân nói.

Điều quan trọng hơn theo GS Võ Tòng Xuân là phải dạy người dân và doanh nghiệp cách thức kinh doanh hiệu quả, tránh bị thiệt.

Trên thực tế, thị trường mua bán nông sản Việt bị nhiễu loạn là do cách làm ăn thiếu quy củ, vô tổ chức, mệnh ai nấy lo, vì thế thương lái Trung Quốc đã lợi dụng kẽ hở trên xúi giục thương lái trong nước thu mua sản phẩm đại trà, kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, chất lượng của sản phẩm trong nước.

Vì thế, việc hình thành các HTX kiểu mới sẽ là đầu mối đưa ra các thông tin để người dân thực hiện sản xuất theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, khối lượng của từng đơn vị đặt hàng.

Nếu không giải quyết được chắc chắn đầu ra cho sản phẩm trước thì việc xúc tiến mời doanh nghiệp Trung Quốc sang giao dịch cũng chỉ là bước giải nguy, thụ động. Trong trường hợp, các điều khoản hợp đồng thực hiện không chặt chẽ, cuối cùng vẫn chỉ là bán rẻ, người nông dân thiệt.

“Các doanh nghiệp kinh doanh trong nước khi làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc cần phải có những đơn vị tư vấn pháp luật trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng giữa các bên để tránh bị động, bị thiệt.

Doanh nghiệp chúng ta lâu nay cứ gạt tới gạt lui cuối cùng lại bị chính người ta gạt”, GS Xuân nói.

Muốn làm cũng khó

Để làm được như vậy, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, Việt Nam nên từng bước đi theo cách làm nông nghiệp của Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, ngay từ khi có chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp, việc đầu tiên Nhật Bản làm là xây dựng, hình thành lên các HTX.

Trong giai đoạn đầu, chính phủ Nhật Bản hỗ trợ hoàn toàn từ đầu tới cuối để HTX có thể đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Từ việc hướng dẫn người nông dân tổ chức sản xuất, san bằng đồng ruộng, làm thủy lợi, làm giao thông nông thôn… cho tới xây dựng các hệ thống siêu thị để tiêu thụ các sản phẩm của HTX ngay tại thị trường trong nước. 

Sau đó, chính phủ Nhật bỏ kinh phí mua toàn bộ lúa, gạo của HTX với giá cao rồi đưa vào siêu thị bán ra với giá thấp hơn. Đây là cách thức, chính phủ dụ người nông dân tham gia vào HTX. Những hộ nông dân nào không vào HTX, không được bán gạo trong siêu thị.

Sau khi HTX đã có được chỗ đứng, có khả năng tự kinh doanh độc lập bằng cách tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của người nông dân sang các nước, nguồn hỗ trợ sẽ được giảm dần.

Về phía người nông dân, để tham gia được vào HTX, bắt buộc phải làm theo các quy trình hướng dẫn khuyến nông của địa phương dựa trên những đơn đặt hàng của HTX, những sản phẩm đạt yêu cầu mới được đưa vào siêu thị.

Với cách thức làm như vậy, người nông dân Nhật chỉ muốn bán hàng cho HTX, không muốn bán ra ngoài, cũng nhờ thế mà thu nhập của người dân rất ổn định, họ giàu rất nhanh, rất sớm.

Nhật làm được vì Nhật có nền kinh tế phát triển, nguồn thu từ ngành công nghiệp ô tô của nước rất lớn, vì thế, Nhật có nguồn thu từ thuế công nghiệp để nuôi dưỡng phát triển ngành nông nghiệp.

Ở Việt Nam, mô hình HTX thực tế đã có song kinh phí eo hẹp, hoạt động không hiệu quả, mô hình này dần bị phá sản. Thời gian gần đây, yêu cầu hình thành các HTX kiểu mới lại được đặt ra, đây là chủ trương đúng nhưng để các HTX hoạt động hiệu quả, đúng nghĩa thì phụ thuộc rất lớn vào khâu tổ chức thực hiện.

“HTX ngoài việc phải hoạt động tốt thì khâu phân phối, tiêu thụ là rất quan trọng. Hiện nay, thu nhập quốc dân còn thấp, ngân sách ít, thu không đủ tiêu thì làm sao bao cấp được cho nông dân.

Còn về thị trường bán lẻ hầu hết hiện nay các chuỗi siêu thị đã rơi vào tay người nước ngoài, sản phẩm làm ra không vào được siêu thị, không có chỗ đứng ngay tại thị trường trong nước, trong khi chất lượng sản phẩm không cao, không đảm bảo kỹ thuật… như vậy có làm ra rồi cũng không bán được cho ai. Vì thế, ngành nông nghiệp có muốn bứt phá cũng khó.

Hiện nay, chúng ta vẫn vừa đi vừa dò đường nên mọi giải pháp còn manh mún, đứt quãng, chưa đem lại hiệu quả”, GS Võ Tòng Xuân nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới