Thursday, December 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThái Lan thay đổi chiến lược đặc khu kinh tế

Thái Lan thay đổi chiến lược đặc khu kinh tế

Chính phủ Thái Lan thay đổi chiến lược về đặc khu kinh tế, tăng cường phát triển hạ tầng kết nối với các quốc gia Đông Nam Á láng giềng

Kể từ năm 2014, Thái Lan lên kế hoạch thực hiện các dự án đặc khu kinh tế (SEZ) ở vùng biên giới nước này với mục tiêu thu hút vốn đầu tư từ các nền kinh tế lớn trong khu vực như Trung Quốc và Nhật Bản. Theo Bloomberg, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thuế trong 8 năm và chính phủ hỗ trợ chi phí điện, nước. Thái Lan kỳ vọng các SEZ biên giới sẽ thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống người dân.

Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải nhiều chỉ trích do ngại về an ninh, tình trạng đầu cơ bất động sản và kinh phí tăng vọt. Mặt khác, hàng hóa sản xuất tại các nước nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và VN) xuất khẩu sang EU được miễn giảm thuế còn hàng Thái lại bị đánh thuế tới 30%. Đó là một trong những lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quay lưng với các dự án SEZ ở Thái Lan.

“Chúng tôi đang cân nhắc lại những dự án SEZ ở vùng biên giới. Thật sự chúng tôi phải học hỏi từ các nước láng giềng và nên hợp tác hơn là cạnh tranh”, tờ Nikkei Asian Review dẫn lời Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak tuyên bố. Ông cho biết thêm chính phủ sẽ tiến hành nhiều cuộc hội đàm cấp cao với các nước CLMV về hợp tác xây dựng SEZ tại khu vực biên giới. Bên cạnh đó, Bangkok đang soạn thảo kế hoạch đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần tại biên giới để tăng cường kết nối với các quốc gia láng giềng ASEAN.

Trả lời phỏng vấn Nikkei Asian Review, Chủ nhiệm văn phòng Thủ tướng, ông Korbsak Pootrakool, nêu ví dụ về kế hoạch phát triển khu vực biên giới ở tỉnh Mukdahan (gần SEZ Savan Seno của Lào) nên tập trung vào cơ sở hạ tầng liên quan đến kho vận hơn là xây dựng một khu công nghiệp mới. Chính phủ Thái Lan cũng lên kế hoạch đầu tư vào cơ sở thương mại và kho vận ở khu vực biên giới phía tây và bắc nước này, giáp với Dawei và Myawaddy của Myanmar, trong vài năm tới. Hai thành phố này đều có SEZ và Thái Lan tuyên bố mục tiêu đến năm 2026 thương mại xuyên biên giới với Myanmar dự kiến tăng gấp đôi lên 12 tỉ USD (279.000 tỉ đồng).

Những kế hoạch nói trên là một phần trong chiến lược Hành lang kinh tế phía đông (EEC) của Thái Lan. Luật về đầu tư và thương mại đối với EEC bắt đầu có hiệu lực vào tháng 5.2018 và mục tiêu của chính phủ là phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như hóa sinh, rô bốt, xe hơi điện và hàng không. Hệ thống các sân bay lớn, cảng biển và tuyến đường sắt được nâng cấp hoặc xây mới để tăng cường kết nối khu vực.

Về vốn đầu tư, hiện Trung Quốc và Nhật Bản tỏ ra vẫn rất quan tâm đến EEC, theo Nikkei Asian Review. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Uttama Savanayana khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh đầu tư nước ngoài nhưng sẽ phải thận trọng vì không muốn bị rơi vào bẫy nợ”. Ông Uttama cho biết thêm các dự án trong khuôn khổ EEC sẽ tập trung vào hình thức đối tác công – tư (PPP) để tránh tạo thêm nợ công chồng chất.

RELATED ARTICLES

Tin mới