Monday, January 13, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNga-Đức xích lại gần nhau: Vì ai và vì điều gì?

Nga-Đức xích lại gần nhau: Vì ai và vì điều gì?

Không ồn ào như cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phần Lan hồi tháng 7, Tổng thống Nga Putin đến Meseberg, phía Bắc Berlin, vào phòng họp hơn 3 tiếng đồng hồ với Thủ tướng Đức Merkel. Kết thúc cuộc họp hai bên không có tuyên bố chung nào trước báo chí. Chủ đề được bàn thảo, được hai người tiết lộ trước khi bước vào phòng họp kín, là tình hình Ukraine, vấn đề khí đốt, xung đột Syria, chương trình hạt nhân Iran và quan hệ song phương.

Bỏ qua lịch sử thù ghét giữa Nga và Đức, quan hệ giữa hai quốc gia này trở nên căng thẳng vì cuộc khủng hoảng Ukraine từ năm 2014 đến nay. Mặc dù không có bất cứ thông tin nào về kết quả cuộc gặp lần thứ hai trong chưa đầy 6 tháng qua giữa ông Putin và bà Merkel, nhưng chỉ nhìn vào chương trình nghị sự, giới phân tích đã “đọc vị” được vì sao và vì ai mà nguyên thủ Đức, Nga lại xích lại gần nhau vào thời điểm này.

Trong số các chủ đề trên thì vấn đề Ukraine bị “đóng băng”, để nhường chỗ cho những vấn đề còn lại mang tính thời sự hơn. Báo chí phương Tây cứ thích nói là Nga cần Đức hơn. Theo nhật báo Le Monde của Pháp, một trong những động cơ của sự xích lại này là kinh tế và cho rằng nước Nga của ông Putin đang chịu sức ép do các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Dấu hiệu rõ nét nhất là hôm 17-8, giá đồng rúp so với đôla Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm gần đây. Le Monde còn dẫn chứng thêm, chính quyền Washington đang đe dọa tiếp tục gia tăng các đòn trừng phạt, và dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream II), tăng gấp đôi khả năng cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức, có nguy cơ trở thành nạn nhân mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại thượng đỉnh NATO diễn ra hồi tháng 7-2018 đã công kích dữ dội dự án này, khi cho rằng Berlin đã quá lệ thuộc vào nguồn cung ứng năng lượng của Moskva.

Cuối cùng, nhật báo lớn nhất nước Pháp cho rằng để trấn an “bạn hàng Đức”, Tổng thống Nga hôm 18-8 đã nhấn mạnh đến các ưu điểm của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước: an toàn và đáng tin cậy trong việc cung cấp khí đốt, đánh giá cao các hoạt động đầu tư của nhiều cơ sở khai thác khí đốt của Đức tại Nga… Bỏ qua vỏ bọc của ngôn từ của báo chí phương Tây, Tổng thống Putin đến Đức vì những lợi ích của dân tộc Nga, cả về kinh tế lẫn địa chính trị.

Vậy Đức được gì? Về chủ đề khí đốt. Trong cuộc họp báo sau Thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Helsinki hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Trump nói: “Tôi không chắc là việc mở rộng đường ống Dòng chảy phương Bắc từ Nga sang châu Âu có vì lợi ích tốt nhất của Đức hay không. Đó là quyết định mà họ phải đưa ra. Chúng tôi sẽ cạnh tranh với Nga trong việc cung cấp khí đốt”.

Nhưng những cảnh báo đó thật khó “lọt tai” người Đức vốn cho rằng Tổng thống Trump đang “ép” họ mua khí đốt từ Mỹ mà thôi. Nên biết rằng giá khí đốt hiện nay của Mỹ bán sang châu Âu đắt hơn gấp đôi khí đốt của Nga. Người châu Âu đâu có “dư tiền” mà đưa cho một đồng minh suốt ngày “nạt nộ” họ hết về chuyện thuế má đến đóng góp cho NATO. Ông Trump càng muốn hạ Dòng chảy phương Bắc 2 bao nhiêu thì ông Putin và bà Merkel lại càng muốn chứng minh dự án này vẫn còn dẻo dai bấy nhiêu.

Nước Đức nhập khẩu khoảng 40% khí tự nhiên từ Nga, theo thống kê của chính phủ. Con số này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong EU, nhưng ít hơn mức 60% đến 70% mà Tổng thống Trump viện dẫn khi ông cáo buộc Đức là “con tin” của Nga tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tháng trước. “Nhận xét đó rõ ràng phản ánh một định kiến ở Washington rằng vì quan hệ kinh tế, Đức hành động “yếu ớt hơn” trong vấn đề Nga”, Derek Chollet – cố vấn về chính sách an ninh và quốc phòng cho Quỹ Marshall của Đức ở Washington, cho biết.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại khu vườn của lâu đài Meseberg, Đức, ngày 18-8.

Theo giới quan sát, dường như hồ sơ khí đốt Nga – Đức không chịu sức ép từ lệnh trừng phạt của Mỹ mà chính từ vấn đề Ukraine. Nga muốn Dòng chảy phương Bắc bỏ qua vai trò trung chuyển của Ukraine nhưng Đức thì coi đó là một điều kiện để chấp thuận cho dự án đường ống dẫn khí này. Có vẻ như Nga đã có sự nhượng bộ nhẹ trước yêu cầu này của Đức. Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tăng gấp đôi năng suất chuyển khí từ Nga sang Đức, cho phép Nga biến Đức trở thành trạm trung chuyển cho cả châu Âu. Có lẽ vì thế, Đức đã ủng hộ dự án này bất chấp chỉ trích rằng nó có thể được dùng như một đòn bẩy để các nước phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu phải thỏa hiệp về mặt chính trị.

Chuyển sang vấn đề Iran. Thủ tướng Merkel nói rằng, Đức ủng hộ duy trì Thỏa thuận hạt nhân bất chấp việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5. Tổng thống Nga Putin thì nhấn mạnh sự cần thiết duy trì Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân Iran. Quan trọng là cần duy trì thỏa thuận đa phương đã được Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc chấp thuận nhằm tăng cường an ninh và cơ chế không phổ biến hạt nhân.

Một vấn đề nữa, lần đầu tiên nguyên thủ Nga lên tiếng đề nghị châu Âu hỗ trợ tái thiết Syria. Trong chiến tranh Syria, Nga là nước tốn nhiều tiền của và sinh mạng binh lính. Giờ hòa bình lập lại là lúc chia chiến lợi phẩm. Đức gần như đứng ngoài cuộc nhưng nay lại được Nga mời vào chia phần. Chỉ hành động này thôi đủ thấy Nga nhượng bộ Đức thế nào. Thực vậy, việc hồi hương người tị nạn Syria là một chủ đề ưu tiên đối với Thủ tướng Đức vốn đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì chính sách di dân của bà.

Với những phân tích kể trên hẳn chúng ta đã rõ Nga hay Đức được hưởng lợi hơn khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên nồng ấm trở lại. Chuyên gia Stefan Meister cho rằng cuộc gặp tại Meseberg đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ Đức – Nga nhưng cũng lưu ý rằng “cuộc đối thoại mới này được đánh dấu bằng cái nhìn thực tiễn không có nghĩa là một đối tác chiến lược mới giữa Đức và Nga sẽ trỗi dậy. Nhưng cả hai lãnh đạo muốn gửi đi một thông điệp đến Washington để chứng tỏ rằng sẽ không chấp nhận một cuộc mặc cả nào từ phía Tổng thống Donald Trump”.

RELATED ARTICLES

Tin mới