Đảo Manus có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực bành trướng về phía Đông, vào Tây Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Vị trí “đắc địa” của đảo Manus
Trong bài viết đăng tải ngày 28/8, tờ The Australian đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ lôi kéo Papua New Guinea để thiết lập một cảng chiến lược – có khả năng sử dụng 2 mục đích – trên đảo Manus, đảo lớn nhất thuộc Quần đảo Admiralty, nằm ở Tây Thái Bình Dương.
“Kế hoạch với đảo Manus, nằm ở bờ biển phía Bắc của Papua New Guinea, là xây dựng một hệ thống cảng đa dụng lớn mà sau cùng có thể xử lý được lưu lượng hàng hải quốc tế”, The Australian nhấn mạnh. Hệ thống cảng trên đảo Manus sẽ là 1 trong 3 dự án tân trang cảng trên khắp đất nước.
Thông tin về lợi ích mà Trung Quốc có được với một hệ thống cảng trên đảo Manus không mới và quy mô tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc cũng chưa rõ ràng. Tuy nhiên, The Australian cho hay, Canberra ngày càng lo ngại về viễn cảnh tiền đồn Trung Quốc xuất hiện trên đảo Manus.
Trước đó đã xuất hiện thông tin rằng Trung Quốc đang khảo sát một cơ sở tương tự ở Vanuatu dù chính phủ Vanuatu không công nhận.
The Diplomat nhận định, việc Trung Quốc tìm kiếm một cơ sở tại đảo Manus là điều hợp lý.
Nơi này từng là căn cứ cho Hải quân Mỹ trong Thế chiến II, chủ yếu là do vị trí đặc biệt nổi trội.
Manus nằm cách đảo Guam (lãnh thổ Mỹ) 1.700km về phía Nam và là nút thắt hậu cần lý tưởng với Hải quân Trung Quốc trong khi lực lượng này tìm cách duy trì các hoạt động thường xuyên ở Tây Thái Bình Dương.
Như đã thể hiện trong Thế chiến II, Manus có vị trí chiến lược, chi phối khu vực Tây Thái Bình Dương. Nó nằm ở vị trí trọng yếu, kiểm soát việc tiếp cận Australia thông qua chuỗi đảo về phía Bắc và Đông Bắc.
Các lực lượng hải quân Australia và Mỹ đã sử dụng tàu HMAS Tarangua tại Manus để làm điểm dừng tiếp nhiên liệu cho các tàu quá cảnh giữa Đông Á, Australia và các nơi khác ở Nam Thái Bình Dương.
Một báo cáo mới công bố gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ về xu hướng hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nhấn mạnh rằng, lực lượng Hải quân Trung Quốc sẽ “tiếp tục mở rộng các hoạt động của mình ra bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên, thể hiện khả năng tấn công Mỹ cùng đồng minh và các căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương, gồm cả Guam”.
Đảo Manus có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực bành trướng về phía Đông vào Tây Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Dấu hiệu “thắt chặt tình thân”
Mức độ tiếp cận Papua New Guinea của Trung Quốc đang gia tăng trong những năm gần đây.
Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill đã tới thăm Trung Quốc. Ông O’Neill tỏ ra quan tâm tới Sáng kiến Vành đai – Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Dự án bày ra tiềm năng lớn cho Papua New Guinea, có nghĩa là nó sẽ giúp chúng tôi đưa nền kinh tế của mình hội nhập với thế giới”, ông O’Neill nói trong chuyến công du Trung Quốc.
Chính phủ Papua New Guinea đang tìm cách thu hút đầu tư của Bắc Kinh cho các dự án hạ tầng lớn, làm tăng khả năng quân đội Trung Quốc hiện diện dài hạn hơn trên đảo.
Đây là điều đáng lo ngại bởi một cảng đa dụng ở Manus sẽ có thể có quy mô lớn nhưng lại không đủ “người dùng” và các lãnh đạo Papua New Guinea sẽ phải đối mặt với khoản nợ không thể chi trả nổi.
Tháng 7/2018, tàu bệnh viện Peace Ark của Trung Quốc đã chọn cảng Moresby làm chặng dừng chân đầu tiên trong hành trình đa quốc gia tới các quốc đảo Thái Bình Dương và Nam Mỹ. Trong chuyến thăm của Peace Ark, binh lính thuộc Hải quân Trung Quốc đã tham gia tập trận cứu hộ khẩn cấp cùng binh lính và dân thường Papua New Guinea.
Tháng 12/2017, Papua New Guinea cử các quan sát viên tới các cuộc diễn tập viện trợ nhân đạo và xử lý thảm họa Cooperation Spirit 2017 do Trung Quốc chủ trì ở Nam Kinh. Tháng 10/2016, Tướng Phòng Phong Huy, Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc khi ấy, còn tới thăm Papua New Guinea.
Với chuyến thăm mới đây của ông O’Neill, điều đáng chú ý là thông tin về các dự án cảng mà Trung Quốc hậu thuẫn ở Papua New Guinea.
Hiện tại không có dấu hiệu tức thì cho thấy Papua New Guinea sắp đề xuất một hợp đồng quan trọng với Bắc Kinh, nhưng vị trí chiến lược của đảo Manus và mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa hai nước đã để ngỏ khả năng này.