Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 3-9 thông báo gói viện trợ, đầu tư và cho vay trị giá 60 tỉ USD cho châu Phi, giữa lúc lo ngại gia tăng về gánh nợ quá sức của lục địa này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi 2018. Ảnh: Reuters
Phát biểu trước các lãnh đạo châu Phi quy tụ tại Bắc Kinh trong Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi, ông Tập nói rằng gói tài chính mới nhất nêu trên bao gồm 15 tỉ viện trợ, các khoản vay không lãi suất và vay ưu đãi, 20 tỉ USD tín dụng, 10 tỉ USD cho quỹ phát triển Trung Quốc – châu Phi và 5 tỉ USD cho quỹ nhập khẩu từ châu Phi.
Thêm vào đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định các công ty nước này được khuyến khích đầu tư 10 tỉ USD vào “lục địa đen” trong vòng 3 năm tới.
Theo Telegraph, Mỹ và các nước phương Tây từ lâu đã dè chừng sự tiếp cận của Trung Quốc với châu Phi qua các dự án thương mại, đầu tư và gắn kết quan hệ chính trị.
Những dự án này mang lại cơ hội béo bở cho doanh nghiệp Trung Quốc trong khi các quốc gia châu Phi thường rộng cửa đón các đầu tư của Trung Quốc vốn không gắn kèm với những yêu cầu về chống tham nhũng hay bảo vệ môi trường.
Bắc Kinh bác bỏ các chỉ trích về ngoại giao “bẫy nợ” khi cho các nước vay tiền nhưng không có khả năng thanh toán.
Trước thông báo về gói 60 tỉ USD nói trên cho châu Phi, tại diễn đàn gần đây nhất được tổ chức vào năm 2015, ông Tập cũng từng đưa ra cam kết viện trợ và cho các nước này vay 60 tỉ USD. Tại diễn đàn năm nay, ông Tập còn lên tiếng nhấn mạnh rằng khoản tiền này không đi kèm với các ràng buộc chính trị.
“Đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi không đi kèm ràng buộc về chính trị. Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của châu Phi và không áp đặt ý muốn của mình lên châu Phi. Những gì chúng tôi coi trọng là việc chia sẻ các kinh nghiệm phát triển cũng như sự hỗ trợ mà chúng tôi có thể cung cấp cho sự phát triển của châu Phi”- ông Tập Cận Bình nói trước 53 lãnh đạo châu Phi tham dự diễn đàn.
Châu Phi đã vay nợ khoảng 130 tỉ USD từ Trung Quốc kể từ năm 2000. Các khoản vay chủ yếu dùng vào các dự án hạ tầng.
Hồi đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các nước châu Phi đang đối mặt với khủng hoảng nợ, trong đó 40% các nước thu nhập thấp đang có nguy cơ vỡ nợ rất cao.
Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của nhiều quốc gia châu Phi, trong đó phải kể tới Djibouti khi Bắc Kinh nắm tới 77% tổng nợ của nước này tính đến cuối năm 2016 hay Zambia vay mượn ít nhất 6,4 tỉ USD từ Trung Quốc.
Dù đang lún sâu vào nợ nần nhưng nhiều quốc gia châu Phi có vẻ khó cưỡng lại “món quà” Trung Quốc. Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi hôm 3-9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thậm chí còn lên tiếng phản đối những chỉ trích nhằm vào đầu tư của Trung Quốc cho châu Phi.
Trong khi đó, Tổng thống Rwanda Paul Kagame, chủ tịch Hiệp hội châu Phi, phủ nhận mọi quan ngại về nguy cơ “bẫy nợ” từ Trung Quốc đồng thời khẳng định đây là hành động phá hoại mối quan hệ giữa Bắc Kinh và châu lục này!