Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước tiêu thụ dầu dầu lớn nhất thế giới vào năm 2024, CNBC dẫn kết quả được công ty nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie công bố hôm 27.8.
Nhu cầu dầu của quốc gia Nam Á có khả năng sẽ tăng 3,5 tỉ thùng/ngày trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2035, chiếm khoảng một phần ba nhu cầu dầu toàn cầu. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Ấn Độ, cũng như nhu cầu di chuyển cao sẽ là yếu tố quan trọng cho đà tăng trưởng này.
Ngược lại, Trung Quốc, quốc gia hiện có lượng tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thể sẽ cần ít dầu hơn trong tương lai. Quốc gia Đông Á này đã vượt Mỹ để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới hồi năm 2017, nhưng ước đoán nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ giảm trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm 2035, ông Sushant Gupta, giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie, cho biết.
Có hai xu hướng dẫn đến thay đổi trên từ phía Trung Quốc. Thứ nhất, các nguồn năng lượng như điện và khí tự nhiên đang thay thế nhu cầu xăng và dầu diesel. Thứ hai, hệ thống vận chuyển hàng hóa và đội xe vận tải hiệu quả hơn cũng sẽ làm giảm nhu cầu diesel.
Theo cảnh báo từ Wood Mackenzie, vì nhu cầu tăng nên tình trạng thiếu nhiên liệu đã xảy ra ở Ấn Độ. Dự kiến nước này chỉ có khả năng tăng công suất lọc dầu thêm 400.000 thùng/ngày vào năm 2023, ít hơn so với nhu cầu tăng trưởng.
“Chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ cần công suất lọc dầu ở mức từ 3,2 triệu đến 4,7 triệu thùng/ngày vào năm 2035 để duy trì khả năng tự cung nhiên liệu vận tải. Tức là công suất của tương lai phải cao gấp từ 1,7 lần đến gấp đôi hiện nay. Rõ ràng là một nhiệm vụ khó khăn, trừ khi các nhà máy lọc dầutrong nước có thể cam kết bổ sung năng lực dự kiến của họ”, ông Gupta nói.
Với tình hình các nhà máy lọc dầu trong nước vẫn nghiêng về phía sản phẩm diesel, Ấn Độ cần bắt đầu tập trung vào tăng sản xuất xăng. Tuy nhiên, vì lượng thặng dư xăng toàn cầu dự kiến vẫn tiếp tục trong dài hạn, Wood Mackenzie đề xuất Ấn Độ có thể xem xét nhập khẩu loại nhiên liệu này.
Giảm phụ thuộc vào dầu