Sunday, April 28, 2024
Trang chủBiển nóngXu hướng chính sách Biển Đông của tân Thủ tướng Malaysia Mahathir...

Xu hướng chính sách Biển Đông của tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad

Từ sau khi tân Thủ tướng malaysia Mahathir Mohamad lên cầm quyền, Malaysia đã có một số sự điều chỉnh chiến lược liên quan vấn đề Biển Đông theo cách cứng rắn và linh hoạt hơn so với chính quyền tiền nhiệm, nhằm đảm bảo duy trì lợi ích của Malaysia tại Biển Đông.

Tân Thủ tướng malaysia Mahathir Mohamad

Chính sách Biển Đông của chính quyền cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak

Malaysia có truyền thống áp dụng cách tiếp cận “giữ an toàn” ở Biển Đông vừa để bảo vệ yêu sách của nước này vừa để duy trì mối quan hệ song phương quan trọng với Trung Quốc. Trong giai đoạn cầm quyền, chính quyền của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak duy trì chính sách “không đối đầu, không gây chuyện”, cố gắng tránh xung đột bên ngoài, đặc biệt là xung đột quân sự; ưu tiên việc sử dụng biện pháp chính trị để đảm bảo duy trì lợi ích ở Biển Đông; chủ trương của Malaysia có phần ủng hộ, ngả theo Trung Quốc, song Malaysia cũng tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực và Mỹ.

Malaysia cũng đã lựa chọn biện pháp an ninh và chính trị mang tính phòng bị đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Chủ yếu bao gồm 3 phương diện: (1) Tăng cường bố trí quân sự, đẩy nhanh nâng cao sức mạnh hải quân; (2) Tăng cường hợp tác an ninh quân sự với thế lực ngoài khu vực chủ yếu là Mỹ, lợi dụng tối đa sự hoài nghi chiến lược lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ, để Mỹ cân bằng sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng khu vực không ngừng tăng lên của Trung Quốc, đạt được mục đích duy trì thế cân bằng ở khu vực Biển Đông; (3) Nỗ lực thúc đẩy ký kết “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), đẩy mạnh hợp tác và liên kết với Philippines, Việt Nam, thúc đẩy đoàn kết nội bộ ASEAN, làm suy yếu ưu thế của lực lượng biển Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. 

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak được giới quan sát và cộng đồng quốc tế đánh giá là đã ngả về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ông Najib Razak đã từng kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông cùng nhau hợp tác khai thác tài nguyên để tránh xung đột và ngăn chặn sự can dự của “những quốc gia ngoài khu vực” và rằng một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cho các hoạt động tại vùng biển sẽ là “khởi đầu tốt đẹp” cho việc ngăn chặn căng thẳng leo thang; nhấn mạnh với các quốc gia châu Á, chúng ta phải tự giải quyết vấn đề. Nếu chúng ta đi xa khỏi con đường đối thoại và hợp tác, chúng ta có thể mở đường cho những bên khác tiến hành những hành động khắc phục để bảo vệ tự do hàng hải và an toàn lưu thông. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2016, Thủ tướng Najib đã có cuộc hội đàm kín 35 phút với Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau khi hội đàm kết thúc, Thủ tướng Najib bày tỏ với truyền thông Malaysia rằng hai nước Trung Quốc-Malaysia đạt được nhận thức chung: “Vấn đề Biển Đông là tranh chấp giữa hai nước hữu nghị có sự tin tưởng lẫn nhau, tranh chấp Biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ mật thiết giữa hai nước Trung Quốc-Malaysia”.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6 (2016), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein đã khẳng định “quan điểm của Malaysia trong vấn đề Biển Đông là các tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua các nền tảng, cơ chế đa phương”; cho biết Malaysia tin rằng COC là phương cách tốt nhất để quản lý, kiểm soát các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông; đồng thời kêu gọi tăng cường tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc để sớm thống nhất COC và đảm bảo sự tuân thủ COC đầy đủ, hiểu quả. Trước đó, phát biểu bên lề Hội nghị ADMM diễn ra tại Brunei hồi tháng 8/2013, ông Hishammuddin còn tỏ ý muốn cùng Trung Quốc khai thác Biển Đông và không cho rằng các cuộc tuần tra bất hợp pháp của Bắc Kinh trong vùng lãnh thổ tranh chấp không phải “mối đe dọa đáng chú ý”.

Giới quan sát nhận định, chính sách Biển Đông của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak bị chi phối, ảnh hưởng bởi một số yếu tố: (1) Môi trường chính trị ở Malaysia được cho là “tương đối” bất ổn nên chính quyền của ông Najib Razak tìm cách thực hiện chủ trương “dĩ hòa vi quý” trong vấn đề Biển Đông. (2) Chính quyền của ông Najib Razak tránh né đề cập hoặc đẩy căng thẳng ở Biển Đông lên cao nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người dân trong nước. (3) Việc duy trì một mối quan hệ tốt với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền cựu Tổng thống Najib Razak bởi bất kỳ xung đột nào phát sinh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Kuala Lumpur trong khu vực, nhất là ảnh hưởng đến các hoạt đồng đầu tư kinh tế giữa Trung Quốc và Malaysia. Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 31/10 – 6/11/2016, Thủ tướng Najib đã ký kết với Trung Quốc 14 bản ghi nhớ trị giá 230 tỷ Nhân dân tệ giữa các doanh nghiệp và 16 bản ghi nhớ giữa 2 chính phủ. Các thỏa thuận hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, vận tải hàng không, tài chính, kiến trúc, nông nghiệp, giáo dục, kiểm tra chất lượng, thuế, hải quan, phòng vệ, xây dựng cảng, xây dựng đường ống dẫn khí…

Xu hướng chính sách Biển Đông của tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad được cho là người theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột; Không phải đe dọa quân sự mà tham vấn ngoại giao mới là chìa khóa để xử lý và giải quyết bất cứ tranh chấp liên quốc gia nào ở Đông Á cũng như những nơi khác; Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều được hoan nghênh đóng vai trò xây dựng trong một cộng đồng Đông Á rộng mở thông qua sự hội nhập và tạo thành thị trường lớn hơn, nhưng lợi ích của các nước yếu hơn phải được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thiện.

Xu hướng chính sách của Malaysia xoay quanh một số vấn đề: (1) Bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Malaysia ở Biển Đông; (2) Thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông. (3) Tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc. (4) Tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển. (5) Tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Từ khi lên cầm quyền đến nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có nhiều tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Malaysia ở Biển Đông và phản đối các hành động phi pháp, đe dọa sử dụng vũ lực hay quân sự hóa trong khu vực, cụ thể: (1) Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (14/8) tuyên bố Malaysia “ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó”; lên tiếng cảnh báo việc quân sự hóa trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ gây nên chạy đua vũ trang không lành mạnh. Ông Mahathir cũng tố cáo Mỹ can thiệp vào các tranh chấp thuần túy của châu Á với việc thường xuyên cho tàu chiến, máy bay triển khai hoạt động cũng như việc Trung Quốc cho tàu tuần tra trong vùng. Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng ông Mahathir sẽ cứng rắn với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hơn so với người tiền nhiệm, vốn bị coi là nhượng bộ Bắc Kinh và Malaysia sẽ quyết tâm cao để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước này trên Biển Đông. (2) Ông Mahathir Mohamad tuyên bố, Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu bè tất cả các nước và Trung Quốc chớ nên gây căng thẳng không cần thiết ở vùng biển này. (3) Ngoài ra, ông Mahathir Mohamad cũng đang tìm cách giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Malaysia bằng cách tăng cường hợp tác với các nước (ASEAN, Mỹ và Nhật Bản) và xem xét, hủy một dự án do các công ty Trung Quốc tài trợ. Hành động này của Malaysia có thể sẽ góp phần thúc đẩy nước này có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày (17-21/8), Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc và hai đường ống dẫn năng lượng trị giá 22 tỷ USD với Trung Quốc.Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ riêng việc phá vỡ hợp đồng dự án Đường sắt bờ biển phía Đông (ECRL), phía Malaysia sẽ phải bồi thường cho các công ty Trung Quốc khoảng 5,5 tỷ USD.

Một số quan chức cấp cao của Malaysia cũng đưa ra những tuyên bố liên quan vấn đề Biển Đông: (1) Ngoại trưởng Malaysia Abdullah Saifuddin (7/2018) cho biết Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu hải cảnh lớn không khác gì tàu chiến tới những khu vực giàu tài nguyên và gây bất an cho các nước láng giềng, đồng thời chỉ trích chính phủ tiền nhiệm “hiếm khi” chỉ trích Trung Quốc, dù tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến gần lãnh hải nước này và Bắc Kinh liên tục bồi đắp phép các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trang bị các hệ thống radar và bệ phóng tên trên Biển Đông. Ngoại trưởng Malaysia cũng cho biết chính quyền mới của Thủ tướng Mahathir sẽ quyết liệt hơn với các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông; nhấn mạnh Thủ tướng Mahathir sẽ có lập trường cứng rắn hơn, nghiêm túc hơn trong việc giải quyết những tranh chấp hàng hải tại Biển Đông. (2) Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu đã nhấn mạnh rằng tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ không nên “lượn lờ” trong vùng biển của Malaysia.

Nhìn chung, dưới thời chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad, Malaysia sẽ có sự điều chỉnh chính sách mang tính cứng rắn, cương quyết hơn trong vấn đề Biển Đông. Một mặt, Malaysia sẽ tăng cường hợp tác với các nước nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông. Mặt khác, Malaysia sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và từng bước ngăn chặn, lên án những hành động phi pháp của Bắc Kinh trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới