Tàu tấn công đổ bộ có trọng tải 22.000 tấn HMS Albion mang theo một đội Thủy quân lục chiến của Hoàng gia Anh hồi tuần trước đã tiến vào gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Động thái này khiến Trung Quốc nổi giận phản ứng, bởi Bắc Kinh đang tham lam đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Chiến hạm của Anh đã đi qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khi trên đường đến thăm thành phố Hồ Chí Minh trước khi tiến đến triển khai ở Nhật Bản vào đầu tuần này.
Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng phản ứng, miêu tả hành động của Anh là “khiêu khích” và đã gửi văn bản phản đối đến giới chức Anh. Bắc Kinh còn phái một tàu khu trục và hai trực thăng đi đối đầu với Anh. Tuy nhiên, cả hai đã giữ được sự kiềm chế.
Anh lập tức có câu trả lời. London khẳng định chiến hạm của họ đang thực thi “quyền tự do hàng hải” khi đi qua quần đảo Hoàng Sa để đến thành phố Hồ Chí Minh trước khi được triển khai đến Nhật Bản.
Chiến hạm Albion của Anh không đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà chỉ đi vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý so với quần đảo này.
Động thái của Anh chứng tỏ một điều nước Anh không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền tham lam và thái quá của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng Sáu, Hải quân Mỹ cũng từng phái hai chiếc chiến hạm đi vào khu vực nằm trong phạm vi 12 hải lý so với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng hơn một tàu chiến để thực hiện chiến dịch tự do hàng hải – một chiến dịch nhằm khẳng định quyền được đi lại tự do ở các vùng lãnh hải quốc tế.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc mới đây đã cho triển khai các tên lửa đất đối không, đất đối hạm và hệ thống làm nhiễu điện tử đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc ngay lập tức bị phản ứng.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông – một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.