Tuesday, January 7, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKinh tế Việt Nam còn lại gì nếu tách FDI?

Kinh tế Việt Nam còn lại gì nếu tách FDI?

Chính sách thu hút FDI của Việt Nam chưa tạo ra sân chơi bình đẳng cho khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Tại buổi công bố báo cáo Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam diễn ra vào ngày 11/9, ông Hồ Đình Bảo, chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, khu vực FDI có biểu hiện tốt, khiến nền kinh tế tăng trưởng cao. Thực tế, số liệu thống kê cho thấy rằng có một số ngành Việt Nam xuất siêu, nhưng trong đó hầu như đóng góp là từ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

“Đáng nói, nếu tách khu vực FDI ra thì kinh tế trong nước thuần túy chỉ là nhập siêu. Chính sách của chúng ta thu hút FDI bằng mọi giá cho nên chưa tạo ra sân chơi thực sự bình đẳng cho khu vực doanh nghiệp trong nước đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân”, báo Dân trí dẫn lời ông Bảo nhận định.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế trong nước chưa thực sự tương xứng với những gì Chính phủ ưu đãi cho khu vực này như ưu đãi thuế và khả năng tiếp cận đất đai.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên dừng thu hút FDI bằng thuế và chuyển sang thu hút bằng những điều kiện căn bản về hạ tầng, dịch vụ, cung ứng, nguồn lao động.

“Đầu tư vì những yếu tố này mới chính là đầu tư căn bản cho đất nước chứ không phải đua nhau ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, cần chấm dứt ngay việc các tỉnh cạnh tranh thu hút FDI bằng ưu đãi thuế. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam rơi xuống đáy”, ông Hồ Đình Bảo nhấn mạnh.

Báo cáo của UNDP cũng cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra khi các khoản vay nợ công của Việt Nam tăng lên nhanh chóng.

Theo đó, nguồn vay của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2010-2015 đã tăng lên nhanh chóng, đặt biệt nguồn vay trong nước. Việc vay vốn tài trợ cho thâm hụt ngân sách, ngăn chặn tình trạng giảm sút đầu tư công đã khiến mức tồn dư nợ công trong nước năm 2015 tăng gần 2,5 lần so với năm 2011.

“Tình trạng tăng lên nhanh chóng của các khoản vay nợ công trong nước chứa đựng nhiều rủi ro. Tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do ngân hàng thương mại nắm giữ lên đến 55,4% cuối năm 2016 làm suy giảm tính bền vững của các ngân hàng thương mại.

Khi có bất kỳ một sự sụt giảm đột ngột nào về giá trị trái phiếu Chính phủ cũng có thể gây ra hậu quả tiêu cực tức thời với ngành ngân hàng và gia tăng khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn”, chuyên gia của UNDP cảnh báo.

Theo phân tích của UNDP, hầu hết trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong các năm 2010-2013 đều có kỳ hạn ngắn (hơn 74% có thời hạn 3 năm hoặc ngắn hơn), chi phí huy động cao (với lãi suất bình quân hơn 10% cho trái phiếu thời hạn 5 năm) khiến nghĩa vụ thanh toán của nhà nước rất nặng nề.

Các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương có bảo lãnh của Chính phủ trung ương, cũng là một nguồn rủi ro với tính bền vững của các khoản nợ công. Các khoản nợ xấu, sức ép liên quan lên tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng cho thấy Chính phủ Việt Nam cần khẩn cấp tái cấu trúc nợ trong nước và rà soát lại chiến lược vay nợ trong nước, chuyên gia của UNDP cảnh báo.

Bên cạnh đó, dù tiếp nhận nguồn vốn ODA nhiều nhất trong các nước ASEAN (với 37% tổng vốn ODA vào khu vực ASEAN năm 2015) nhưng dòng ODA chảy vào Việt Nam đã giảm đáng kể và ít ưu đãi hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới