Sunday, May 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐồng USD bị hạ bệ: Tương lai không xa?

Đồng USD bị hạ bệ: Tương lai không xa?

Vị thế đồng USD có thể bị hao mòn dần, không còn là đồng tiền chung mạnh nhất trong giao thương quốc tế.

Từ hao mòn đến mất vị thế

Trước việc nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… hạn chế thanh toán bằng đồng USD, tiến tới hạ bệ đồng bạc xanh khi Mỹ tiến hành xung đột thương mại cùng lúc với các nước này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, tương lai đồng USD bị hao mòn vị thế, thậm chí có thể không còn là đồng tiền chung trong giao thương quốc tế có thể không còn xa.

Lý giải cho nhận định của mình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, nếu Mỹ cứ tiếp tục chiến tranh thương mại với cách thức mà quốc gia này đang tiến hành và vẫn nghĩ rằng nước Mỹ cũng như đồng USD là mạnh nhất thì trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, cùng lắm là 2 năm thì nước Mỹ sẽ có nhiều vấn đề.

Trong đó, đầu là đồng USD sẽ xuống giá, thứ hai là thương mại của Mỹ sẽ gặp nhiều trắc trở và người dân Mỹ phải mua hàng hóa đắt hơn nhiều so với giá mà trước đây. Chính họ sẽ là những người phản ứng mạnh nhất với cuộc chiến thương mại mà Mỹ khởi xướng.

“USD là đồng tiền mạnh trong thanh toán quốc tế, hầu hết các giao thương quốc tế đều sử dụng đồng USD. Vì thế khi Mỹ tuyên bố chiến tranh thương mại với quốc gia nào đó, thông thường đồng tiền của quốc gia đó sẽ bị mất giá mạnh và nhanh do nhà đầu tư rút vốn, tháo chạy khỏi quốc gia có chiến tranh thương mại với Mỹ

Thế nhưng, về lâu dài, sau chừng 6 tháng đến 1 năm, nếu quốc gia có chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn đứng vững thì đồng tiền của quốc gia đó sẽ phục hồi dần giá trị, đồng USD khi ấy không còn nhiều đất để phô diễn nữa nên sẽ bị giảm giá.

Mặt khác, khi các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi thị trường bị Mỹ gây chiến tranh thương mại, hay cấm vận là họ lo sợ cho sự an toàn của đồng vốn đầu tư, lo sợ ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đến hoạt động thương mại cũng như giao thương của các quốc gia.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, nhà đầu tư vẫn rất mong muốn tìm kiếm được lợi nhuận cao hơn khi đầu  tư ra nước ngoài và các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran… vẫn là mảnh đất màu mỡ cho nhà đầu tư nước ngoài khai thác.

Khi những quốc gia này bị Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại, cấm vận, nhà đầu tư chỉ dừng lại quan sát một thời gian, nếu thấy nước đó vẫn ổn, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội không có vấn đề gì lớn, lập tức nhà đầu tư sẽ quay trở lại đầu tư.

Lúc đó, dòng vốn đầu tư vào các quốc gia trên rất lớn và nhu cầu tiền  tệ của các quốc gia tự nhiên tăng lên, làm giá trị đồng nội tệ các quốc gia đó cũng tăng, đồng USD sẽ phải xuống giá.

Như vậy, nếu như các quốc gia bị Mỹ gây chiến tranh thương mại hay cấm vận kinh tế tồn tại được 6 tháng đến 1 năm thì có thể xu hướng của thị trường tài chính – tiền tệ thế giới sẽ khác. 

Đó là chưa nói đến việc hiện nay có nhiều quốc gia đang có chủ đích và mong muốn hợp tác với nhau, dùng những đồng tiền khác hoặc sẽ phát kiến ra đồng tiền khác thay đồng USD trong giao thương quốc  thế.

Đó có thể là đồng tiền kỹ thuật số nào đó hoặc là đồng tiền của một quốc gia nào đó được các nước dùng để trao đổi, thanh toán với nhau”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Trước mắt, theo vị chuyên gia, rất nhiều quốc gia có giao thương với nhau và giao thương lớn đã tính toán đến bài toán thanh toán bù trừ bằng chính đồng nội tệ của họ và đối tác, như Nga-Trung Quốc, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ… nhằm thay thế đồng USD trong giao dịch quốc tế.

“Nếu việc làm trên trở thành một trào lưu lớn, các quốc gia như Canada, Venezuela, Brazil, EU, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc… liên minh lại, trước mắt áp dụng các giao dịch bằng đồng nội tệ của nhau và tìm ra những phương thức hoặc sinh ra đồng tiền khác để thanh toán được với nhau một cách giản tiện thì lúc đó vị thế của đồng USD còn xuống thấp nữa.

Ngay một lúc một chốc mà nói rằng đồng USD mất vị thế thì khó, nhưng đồng bạc xanh có thể bị hao mòn vị thế và dẫn đến tình trạng nó có thể không còn là đồng tiền chung trong giao thương quốc tế như thời gian qua trong tương lai không xa.

Đặc biệt, khi các quốc gia liên kết với nhau, dùng các phương thức thanh toán bằng đồng nội tệ của nhau hoặc sinh ra đồng tiền chung mới như đã nói ở trên thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Để minh chứng rõ hơn cho nhận định của mình, ông tiếp tục phân tích: Đồng bảng Anh hay USD có sức mạnh kinh tế toàn cầu cũng chỉ bởi quy định chung thống nhất của các quốc gia trên thế giới.

Trước đây, đồng bảng Anh được coi là đồng tiền chung từ khi có quy định về đồng bảng quy đổi ra vàng và đồng bảng ấy được coi như vàng. Năm 1944, các quốc gia trên thế giới thống nhất lấy USD làm đồng tiền chung trong thanh toán, giao thương và dự trữ quốc tế, được quy đổi ra vàng.

Từ năm 1944 đến nay là khoảng thời gian rất dài mà USD được thế giới sử dụng. Dù từ năm 1971-1972 đồng tiền này không được quy đổi ra vàng nữa và không dùng vàng để tham chiếu USD nữa nhưng sử dụng USD trong giao thương quốc tế đã trở thành một thói quen và đến giờ để bỏ thói quen ấy không thể một sớm một chiều.

“Nói như vậy nhưng các nước vẫn có thể từ bỏ được đồng USD bằng một phương thức khác – dùng đồng tiền khác hoặc sản sinh ra đồng tiền mới được thế giới chấp nhận, giống như đồng USD được thế giới công nhận trước đây.

Và rõ ràng, với cách hành xử như của chính quyền Mỹ hiện nay, rất nhiều quốc gia đã không còn tin vào đồng USD. Việc thống trị thế giới của USD, việc đem lợi ích, tài sản của thế giới về nước Mỹ bằng USD phát hành thêm mà không ai biết được cũng như các cách thức khác về quản lý USD, dùng USD để bóp nghẹt các quốc gia không tuân theo mong muốn của nước Mỹ, đi ngược lại ý đồ của Mỹ là điều này không được nhiều quốc gia chấp nhận.

Điều này giống như con giun xéo lắm cũng quằn. Tại sao Mỹ cấm vận được các nước? Vì Mỹ có đồng USD và tất cả những giao dịch bằng USD phải qua ngân hàng Mỹ, nếu Ngân hàng Mỹ không xuất USD, không cho quốc gia đó được sử dụng USD trong thanh toán thì quốc gia đó rơi vào tình thế nguy hiểm.

Chẳng hạn như Iran, tại sao Mỹ cấm vận, không cho Iran sử dụng USD nữa thì Iran và nước khác lo? Vì đó là đồng tiền chung của thế giới và dù Nga, EU hay Trung Quốc vẫn rất muốn cứu thỏa thuận hạt nhân với Iran, vẫn muốn tiếp tục làm ăn, hợp tác với Iran thì các tập đoàn lớn của các quốc gia ấy vẫn rút khỏi thị trường Iran.

Đó là vì Ngân hàng Mỹ đã không cho sử dụng USD với Iran mà giờ các tập đoàn vẫn tiếp tục hợp tác, tiếp tục sử dụng thì sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ, thế nên họ buộc lòng phải rút lui.  

Chính cách Mỹ thông qua đồng USD, hệ thống tài chính tiền tệ của nước này để khống chế hệ thống tài chính tiền tệ thế giới, gây sức ép về kinh tế, chính trị, xã hội đối với các quốc gia là điều nhiều quốc gia không chấp nhận và đến lúc họ phải thay thế đồng USD”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Đồng tiền nào có khả năng thay thế USD?

Trả lời cho câu hỏi này, vị chuyên gia kinh tế cho biết, xu thế hiện nay không còn là xu thế độc tôn nữa. Chính xu thế độc tôn của USD mới tạo ra sức mạnh cho nước Mỹ và nước Mỹ đang ép cả thế giới phải đi theo họ. 

Ở thời điểm năm 1944, khi USD được đề xuất là đồng tiền chung của thế giới và quy đổi được ra vàng thì kinh tế Mỹ chiếm đến gần 50% GDP của thế giới. Vì lẽ đó, vị thế của USD dễ dàng được công nhận.

Nhưng qua mấy chục năm phát triển, thế giới đã thay đổi nhiều, các quốc gia đã mạnh lên, giàu lên và cách thức tiếp cận mang tính dân chủ hơn, khoa học hơn, đòi hỏi tính bình đẳng, công bằng đầy đủ và cao hơn theo đúng tinh thần của một xã hội dân sự.

“Vì lẽ đó, hẳn nhiên các nước không mong muốn một đồng tiền nào đó lại thay thế cho đồng USD. Nếu có một đồng tiền nào đó thay thế USD thì đó phải là đồng tiền không của ai cả, thậm chí không phải của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Hiện IMF có SDRs được coi là đồng tiền chung nhưng định chế tài chính ấy thực ra vẫn bị một số thế lực khống chế, trong đó chủ yếu là Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà đồng bitcoin được tạo ra, dù nó có nhiều điểm yếu và không thể coi nó là tiền, nhưng công nghệ đằng sau bitcoin, công nghệ blockchain, lại cho thế giới hướng đi cực kỳ thông minh và hiện đại.

Với công nghệ blockchain, tất cả giao dịch của những người tham gia vào hệ thống đó đều biết ai có giao dịch gì, giao dịch thế nào, bao nhiêu…  một cách tương đối rõ ràng, công khai, minh bạch.

Thế giới hoàn toàn có thể tạo ra một đồng tiền dựa trên công nghệ blockchain, từ đó có thể thay thế cho đồng tiền của các quốc gia hay tạo ra đồng tiền của từng quốc gia theo công nghệ blockchain và được chủ thể của ngân hàng quốc gia đứng ra bảo đảm đồng tiền đó, làm cho nó có giá trị thật và giao thương được trên trường quốc tế.

Đây là điều phải suy nghĩ và phải tiến tới trong tương lai”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới