Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngNhìn lại những hoạt động phi pháp của TQ ở quần đảo...

Nhìn lại những hoạt động phi pháp của TQ ở quần đảo Trường Sa từ đầu năm 2018 đến nay

Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Quốc tạm thời dừng lại các hoạt động cải tạo đảo, đá phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song lại đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa tại khu vực này. Hành động phi pháp của Trung Quốc không chỉ đi ngược lại các tuyên bố, cam kết của mình mà còn bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích.

Máy bay quân sự của Trung Quốc hạ cánh phi pháp tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trung Quốc liên tục triển khai phi pháp vũ khí tấn công và phương tiện quân sự tới quần đảo Trường Sa

Tờ Minh Báo của Hong Kong (4/9) dựa vào các hình ảnh vệ tinh chụp được cho biết Trung Quốc đã điều tàu hộ vệ trang bị tên lửa hành trình Type 054 ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Type 054 có chiều dài 134,1 m; chiều rộng 16 m; lượng giãn nước đầy tải 4.053 tấn; tàu sử dụng động cơ diesel, tốc độ tối đa 27 hải lý/h, tầm hoạt động ước đạt 14.862 km; trang bị 6 ngư lôi hạng nhẹ cỡ 324 mm Yu-7, tên lửa Yu-8, 32 ống phóng thẳng đứng của đạn HHQ-16 và pháo H/PJ-26 cỡ 76,2 mm.

Tân Hoa Xã (28/7) đưa tin, Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu tìm kiếm cứu nạn “Nam Hải cứu 115”, có bãi đáp cho trực thăng cứu hộ cỡ trung tới neo đậu thường trú tại Đá Xu Bi, một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.

Đài truyền hình CNBC của Mỹ (2/5) vừa công bố Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B trên 3 thực thể địa lý đã bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo gồm đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập. Theo CNBC, tên lửa YJ-12B đặt trên đất liền cho phép Trung Quốc tấn công các tàu nổi trên mặt biển trong phạm vi 295 hải lý (545km), trong khi tên lửa HQ-9B có khả năng nhằm vào máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình với tầm bắn được cho là khoảng 160 hải lý (300km).

Nhật báo Quân giải phóng Trung Quốc cho biết, Trung Quốc (23/4) đã khánh thành “Đài tưởng niệm” xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập nhằm thể hiện quyết tâm quyết tâm của Bắc Kinh” trong việc bảo vệ cái mà họ gọi là “lãnh thổ và quyền hàng hải” ở Biển Đông.

Đài truyền hình CNBC của Mỹ (5/7) cho biết Trung Quốc đã âm thầm kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập. Trước đó, Wall Street Journal (9/4) dẫn nguồn tin từ quân đội Mỹ cho biết Trung Quốc đã lắp đặt các thiết bị gây nhiễu thông tin và radar trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập. Không những vậy, dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng Trung Quốc cũng đã lắp đặt các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến tại góc phía Đông Bắc đá Chữ Thập.

Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích ảnh chụp vệ tinh (24/8) cho biết có khả năng Trung Quốc lần đầu tiên đã điều máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 tới đá Xu Bi. Trước đó, tờ Daily Inquirer cho biết Trung Quốc cũng đã điều hai máy bay vận tải quân sự Y-7 tới đá Vành Khăn.

Trung Quốc tìm mọi các biện minh cho những hoạt động phi pháp, quân sự hóa ở Trường Sa:

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cương quyết nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Vương Trịnh Lương ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh”; khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các máy bay trực thăng và chế tạo các tàu cứu hộ lớn tới khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định “việc triển khai này không nhằm vào ai”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.

Các nước trên thế giới đều phản đối hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc:

Người phát ngôn Nhà Trắng Mỹ Sarah Sanders cho biết, Mỹ “đã trực tiếp bày tỏ lo ngại với phía Trung Quốc, đồng thời cho biết trong ngắn hạn và lâu dài (Trung Quốc) đều sẽ chịu hậu quả tương ứng”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (5/2018) cho biết bất chấp việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết rằng họ sẽ không quân sự hóa Biển Đông, Bắc Kinh vẫn đưa vũ khí tới khu vực này. Đô đốc Philip Davidson, người được chỉ định làm Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho rằng Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh hoạt động trên Biển Đông và sẽ tạo ra mối đe dọa cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop (4/5) chính thức cảnh cáo Trung Quốc về việc triển khai tên lửa ở Trường Sa, cho rằng “Chính phủ Australia sẽ rất quan ngại, vì điều này trái với cam kết của Trung Quốc là sẽ không quân sự hóa các thực thể đó”; đồng thời nhấn mạnh mọi hành động quân sự hóa các thực thể địa lý ở Biển Đông đều đi ngược lại vai trò của Trung Quốc với tư cách một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thượng viện Canada (24/4) đã thông qua bản “Kiến nghị của nhiều nghị sĩ Quốc hội chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó kêu gọi toàn bộ các bên liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Ngoài ra, kiến nghị này còn kêu gọi chấm dứt các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa trong khu vực, yêu cầu các nước tìm giải pháp hòa bình và tôn trọng những phán quyết của cơ quan phân xử quốc tế.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Hary Roque (2/5) đã công khai bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở Trường Sa. Tuy nhiên, ông Roque đã cố ý giảm nhẹ tuyên bố của mình khi cho rằng những tên lửa đó “không nhắm vào Philippines”.

Giới chuyên gia, học giả quốc tế quan ngại trước âm mưu, ý đồ của Trung Quốc

Theo chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS, Singapore), nếu Trung Quốc can thiệp vào các tình huống trên biển dưới danh nghĩa cung cấp dịch vụ tìm kiếm và cứu hộ thì vấn đề trong vùng biển tranh chấp sẽ càng thêm khó lường. Việc Trung Quốc cho tàu Nam Hải Cứu 115 neo đậu lâu dài một cách phi pháp tại Xu Bi nhằm nâng cao sự hiện diện ở Biển Đông và sử dụng các cơ sở phi pháp để cung cấp dịch vụ công cho tàu bè các nước, qua đó đánh lạc hướng và xoa dịu quan ngại về quá trình quân sự hóa của nước này trong khu vực. Ngoài ra, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc có thể là dọn đường cho những đợt triển khai khí tài khác trong tương lai. Cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu Richard A Bitzinger cũng thuộc RSIS nhận định, chắc chắn nếu tàu dân sự lẫn quân sự của Trung Quốc gặp vấn đề trên Biển Đông thì tàu Nam Hải Cứu 115 sẽ đến hỗ trợ. Như vậy có nghĩa là tàu hải quân và bán quân sự nước này có thêm hậu thuẫn trong các hành động “thực thi chủ quyền”. Thậm chí, dù là tàu cứu hộ nhưng Nam Hải Cứu 115 hoàn toàn có thể hoạt động như tàu tuần tra. “Đây là công cụ mới phục vụ ý đồ của Trung Quốc biến Trường Sa thành lãnh thổ của mình”. Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines, cho rằng thông qua tiến hành hoạt động SAR ở Biển Đông, Trung Quốc muốn chứng minh nước này “đang quản lý Trường Sa một cách hiệu quả và bình thường” và rằng “Trung Quốc sẽ dựa vào đó để lập luận họ đang thực thi chủ quyền và một số quyền khác trên Biển Đông. Tất cả điều này nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền và gia tăng sự hiện diện ở Trường Sa”.

Liên quan việc Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa, Collin Koh, học giả nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng đá Chữ Thập là căn cứ cho các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa. Căn cứ này cho phép Trung Quốc vươn xa hết mức có thể đến những thực thể trên biển, bao gồm cả những thực thể không có sự hiện diện của Trung Quốc. Trong khi đó, Richard Javad Heydarian, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Philippines nhận định, những hành động trên của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh phản bội trắng trợn lời cam kết không quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông mà nước này từng đưa ra. GS. Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, Washington, nhận định: “Có thể xem là Trung Quốc đang vượt qua một ngưỡng quan trọng. Các dàn tên lửa đó rõ ràng là một mối đe dọa tấn công đối với các bên tranh chấp khác, đồng thời đưa Trung Quốc gần thêm đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng biển và vùng trời ở Biển Đông”. Chuyên gia Poling nhấn mạnh, giờ đây bất kỳ tàu bè hay máy bay hoạt động gần khu vực Trường Sa đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.

Âm mưu của Trung Quốc khi tìm cách quân sự hóa ở Trường Sa

Hoạt động triển khai tên lửa, đưa tàu chiến, tàu cứu hộ, triển khai radar… của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt nam nêu trên là một bước trong chiến lược vô hiệu hóa phán quyết và chiếm dần Biển Đông theo chiến thuật “tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc, nhằm tạo tiền để để Bắc Kinh tiến tới thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, một tính toán cực kỳ nguy hiểm cho tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho Mỹ, một quốc gia đang thực hiện các hoạt động tự do hàng hải nhằm duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông đã làm gia tăng những tranh chấp quân sự giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc và đẩy khu vực tới nguy cơ chiến tranh.

Việc Trung Quốc triển khai các hoạt động quân sự hóa ở Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng các quy định luật pháp quốc tế

Trung Quốc bố trí trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết bởi Trung Quốc và các nước ASEAN. DOC cũng nêu rõ các bên ký kết sẽ tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định; tăng cường những nỗ lực xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau. Như vậy, hành động trang bị tên lửa chống hạm và phòng không của Trung Quốc đã đe dọa tự do hàng hải, hàng không, gây phức tạp và leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định tại Biển Đông, làm suy giảm lòng tin giữa các thành viên DOC.

Không những vậy, theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, chỉ có Đá Chữ Thập là đảo đá và có lãnh hải 12 hải lý, còn Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn là các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền; và do vậy các cấu trúc xây trên chúng là đảo nhân tạo, chỉ có vùng an toàn hàng hải có chiều rộng 500 m xung quanh nó. Ngoài ra, Đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam và ngay cả Việt Nam nếu muốn phòng vệ ở đây thì chỉ có thể phòng vệ trong phạm vi 12 hải lý. Vùng biển nằm ngoài phạm vi nêu trên là vùng biển quốc tế và tàu, thuyền, máy bay của các nước có quyền tự do hàng hải, hàng không. Như vậy, hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc triển khai tên lửa ở 3 thực thể nêu trên.

Ngoài ra, hoạt động triển khai tên lửa trên 3 cấu trúc nhân tạo nêu trên thuộc chủ quyền Việt Nam cũng vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó yêu cầu hiệp thương hữu nghị để giải quyết các vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực; tuân thủ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC.

Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cũng như bằng chứng lịch sử cho thấy chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tuyên bố mọi hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, bao gồm cả việc bố trí tên lửa phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nói trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có hoạt động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới