Theo Reuters, ngày 13/9 tàu ngầm Kuroshio của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) đã tham gia cuộc tập trận hải quân cùng với các tàu chiến khác, bao gồm tàu sân bay trực thăng Kaga. Chuyến đi của Kuroshio sẽ kéo dài 2 thángtạikhu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 17/9 xác nhận thông tin này và cho biết đây cũng là lần đầu một tàu ngầm Nhật Bản tiến hành các cuộc tập trận ở đó.Nội dung tập trận bao gồm tránh để tàu ngầm bị phát hiện khi hoạt động trong vùng địch. Cuộc tập trận diễn ra bên ngoài phạm vi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép ở biển Đông.
Nói là “bên ngoài” nhưng Bắc Kinh vẫn rất tức giận vì tàu ngầm được xem là mối đe dọa tiềm tàng hơn so với tàu nổi.Trong một thông báo riêng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu Kuroshio chở 80 thành viên thủy thủ đoàn sẽ thực hiện chuyến thăm cảng 5 ngày tại căn cứ hải quân của Việt Nam ở vịnh Cam Ranh, bắt đầu từ ngày 17/9.
Cuối tháng 8 vừa qua, tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoàng gia Anh, HMS Albion, cũng tiến sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông. Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội và chuẩn bị lực lượng máy bay, tàu chiến sẵn sàng chiến đấu với tàu Anh.
Cho đến nay đã có các nước Anh, Nhật Bản, Mỹ tiến hành tập trận ở biển Đông. Washington cho biết họ muốn chứng kiến nhiều quốc gia thách thức Bắc Kinh ở biển Đông hơn. Bởi đến hiện tại, máy bay và tàu thuyền nước ngoài liên tục bị các tàu hải quân Trung Quốc gây rối, tấn công, ngăn chặn ngư dân đánh bắt cá trên biển.
Dường như đã tính đến câu chuyện bị hải quân các nước “bắt nạt”, từ lâu Trung Quốc đã dốc sức hiện đại hóa hải quân, nhát là tăng cường sức mạnh các tàu quân sự. Họ không chỉ đơn giản là đang tập trung xây dựng lực lượng hải quân đồ sộ, mà còn đang hiện thực hóa một chương trình hiện đại hóa hải quân có quy mô lớn nhất trên thế giới.
Tham vọng của nhà cầm quyền Bắc Kinh là Trung Quốc phải dẫn đầu trong cuộc chạy đua vũ khí biển trong tương lai gần. Thế nhưng, trong các đối sách ngoại giao, họ thường mềm như lạt. Họ cố tỏ ra thân thiện, nhưng luôn chuẩn bị các phương án đè bẹp đối phương.
Mỹ, Anh, Nhật liên tục đưa tàu ngầm hiện đại vào vùng Biển Đông, những khu vực đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước khác, là một mối đe dọa lớn. Ít nhất cũng là đòn cảnh tỉnh: Biển Đông không dễ trở thành ao nhà của nhà cầm quyền Trung Nam Hải.