Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tế60 năm trận pháo chiến dài nhất lịch sử TQ

60 năm trận pháo chiến dài nhất lịch sử TQ

18 giờ 30 phút ngày 23/8/1958, mấy trăm khẩu trọng pháo của Giải phóng quân Trung Quốc (GPQTQ) do Mao Trạch Đông lãnh đạo bố trí trên chiều dài bờ biển 30 km ở Hạ Môn bất ngờ bắn những loạt đạn đầu tiên lên đảo Kim Môn do quân đội Quốc Dân Đảng (QDĐ) của Tưởng Giới Thạch chiếm giữ, mở đầu trận pháo kích lớn nhất lịch sử Trung Quốc. Trong 2 giờ liền, hơn 50 nghìn quả đạn dội xuống đối phương.

Nghe tin ấy, Tưởng Giới Thạch hôm trước vừa thị sát Kim Môn trở về Đài Bắc, chẳng hiểu Mao định làm gì. Tưởng điện ngay cho Tổng thống Mỹ Eisenhower đề nghị viện trợ, và bảo con trai là Tưởng Kinh Quốc đến ngay Kim Môn để động viên binh sĩ. Mỹ, Liên Xô và toàn thế giới sửng sốt, không biết Trung Quốc muốn gì? Giải phóng Đài Loan ư?

Quần đảo Kim Môn cách đại lục Trung Quốc chỗ gần nhất chừng 2 km; đảo chính Kim Môn rộng 132 km2, cách đảo Đài Loan 210 km nhưng cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc chỉ khoảng 10 km. Trên đảo hồi ấy có 50 nghìn dân và 100 nghìn lính QDĐ. Đòn đánh bất ngờ làm phía QDĐ thương vong hơn 600 lính, 3 viên Trung tướng chết, chưa kể dân thường. Ngoài ra còn 2 cố vấn Mỹ thiệt mạng.

Trận chiến này kéo dài 21 năm, lúc đánh lúc ngừng, hoàn toàn theo chủ ý cá nhân của Mao Trạch Đông, người Trung Quốc gọi là “Kim Môn pháo chiến”, người Đài Loan gọi là “8.23 pháo chiến”. Đầu năm 1979, trận chiến kết thúc do Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Từ đó Đài Loan bước vào thời kỳ cất cánh kinh tế, đến thập niên 1990 trở thành một trong bốn “Con rồng châu Á”. Trận pháo chiến khởi đầu ngày 23 tháng 8 trở thành cột mốc lịch sử đối với Đài Loan.

Tháng 8/2018 các đoàn thể xã hội Đài Loan đã tổ chức nhiều hoạt động ôn lại 60 năm sự kiện nói trên, mặc cho Đảng Dân Tiến cầm quyền cố ý phớt lờ dịp kỷ niệm này, chỉ vì cuộc pháo chiến đó là thắng lợi của Quốc Dân Đảng, hiện là đảng đối lập với Dân Tiến.

Thời báo Trung Quốc (China Times, của Đài Loan) đưa tin: ngày 18, hơn 20 đoàn thể dân chúng tổ chức “Đại hội kỷ niệm 60 năm thắng lợi chiến dịch 23 tháng Tám” có hơn 1.000 người dự tại Đại học Đài Bắc. Nguyên Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, Chủ tịch QDĐ Ngô Quách Nghĩa, nguyên Chủ tịch QDĐ Hồng Tú Trụ, ứng viên thị trưởng TP Đài Bắc Đinh Thủ Trung và một số cựu binh tham gia chiến dịch 23/8 đã tới dự. Cựu binh, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, tướng Ngũ Thế Văn đọc diễn văn khai mạc, nói trận pháo chiến trên tới nay đã tròn một Giáp Tí (60 năm), là trận chiến thảm khốc; do quân QDĐ mạnh mẽ phản kích nên Cộng sản Trung Quốc phải bỏ ý định chiếm Kim Môn, từ đó Đài Loan có dịp phát triển kinh tế. Ngô Quách Nghĩa phát biểu nên cảm ơn các chiến sĩ dự chiến dịch 23/8 và phê bình đảng cầm quyền lãng quên trận chiến này. Đinh Thủ Trung nói không có QDĐ thì không thể có Đài Loan ngày nay.

Phóng viên Thời báo Hoàn cầu (của Bắc Kinh) từ Đài Bắc đưa tin: ngày 21 “Hiệp hội Chiến lược Trung Hoa” đã long trọng tổ chức cuộc họp “Kỷ niệm 60 năm chiến thắng của chiến dịch Đài Hải 23 tháng Tám”. Mã Anh Cửu, Ngô Quách Nghĩa, Hồng Tú Trụ, ứng viên Thị trưởng TP Tân Bắc Hầu Hữu Nghi… đều tới dự. Mã Anh Cửu đọc diễn văn nhấn mạnh từ năm 2008 sau khi mở đường giao thông nối hai bờ eo biển Đài Loan với nhau, đã có rất nhiều khách đại lục Trung Quốc tới thăm đảo Kim Môn, ai nấy khi về đều mua vật kỷ niệm là con dao phay làm bằng vỏ đạn pháo của GPQTQ năm xưa bắn sang đảo này. Mới đây hai bên lại khánh thành đường ống dẫn nước ngọt từ Phúc Kiến cấp nước cho Kim Môn, đạt nguyện vọng hai bờ “uống chung nước một dòng sông” [sông Tấn Giang ở Phúc Kiến]. Ông Mã nói: Hai bờ eo biển Đài Loan chỉ có thể dùng phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp, có vậy mới cùng tồn tại cùng phồn vinh – đây là ý nghĩa của việc kỷ niệm trận pháo chiến Kim Môn.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng tổ chức “Triển lãm đặc biệt kỷ niệm 60 năm chiến dịch 23 tháng Tám”. Trong lễ khai mạc, Bộ trưởng Nghiêm Đức đọc diễn văn tỏ ý mong muốn dân chúng hiểu biết và ghi nhớ về lịch sử trận pháo chiến Kim Môn. Tới dự có các tướng lĩnh cấp cao, các cựu binh tham gia chiến dịch này.

Khi trả lời phỏng vấn, Mã Anh Cửu nói trận pháo chiến 23 tháng Tám có ý nghĩa lịch sử lớn, vừa ngăn chặn ý đồ của Trung Cộng muốn dùng chiến tranh dọa dẫm Đài Loan, mặt khác dẫn đến sự chuyển biến quan điểm của Tưởng Giới Thạch: Không dùng vũ lực để thu hồi đại lục mà dùng chủ nghĩa Tam Dân. Quan điểm này xuất hiện sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Dulles thăm Đài Loan, ra “Tuyên bố chung Tưởng-Dulles” [10/1958].

***

Thực ra trước đó Kim Môn đã mấy lần bị GPQTQ tấn công.

Cuối năm 1949, sau khi giải phóng Hạ Môn, đêm 24/10, nhân lúc nước triều cao nhất, GPQTQ cho tàu thuyền chở quân đổ bộ lên Kim Môn. Đợt đầu đổ bộ lên đảo được 3 trung đoàn (hơn 9000 quân), nhưng sáng ra khi tàu thuyền quay về chở quân đợt hai thì thủy triều rút mạnh làm nhiều tàu thuyền bị mắc cạn, không thể chở thêm 11.000 lính của đợt 2 và 3. Số binh lính đã lên đảo bị quân QDĐ bao vây, phải chiến đấu trong tình trạng không có tiếp viện, hầu hết bị tiêu diệt hoặc bắt sống, một số tản ra đánh du kích, cuối cùng do hết đạn, hết lương thực, họ đành buông súng. Đến sáng 27/10, toàn bộ 9.086 binh sĩ GPQTQ bị tiêu diệt, trong đó hơn 7.000 quân đầu hàng. Trận đổ bộ Kim Môn kết thúc.

Đây là thất bại lớn chưa từng có của GPQTQ, chủ yếu do chủ quan khinh địch, nóng vội, không có tập luyện đổ bộ, và do không nắm vững tình hình thủy triều.

Rút kinh nghiệm thất bại trận đó, tháng 3/1950, GPQTQ tiến hành chiến dịch đổ bộ đảo Hải Nam theo chiến thuật đổ bộ lén từng đợt nhỏ kết hợp tổng tấn công, dùng hơn 40 nghìn quân đổ bộ thành công chiếm được đảo Hải Nam.

Việc Tưởng Giới Thạch thất bại liên tiếp, để mất đại lục rồi mất Hải Nam đã làm Tổng thống Truman có ý định bỏ rơi Tưởng. Ngày 5/1/1950 Truman tuyên bố “Không can thiệp tranh chấp ở eo biển Đài Loan” tuy vẫn viện trợ kinh tế cho Tưởng. Trong tình trạng không được Mỹ viện trợ quân sự, Tưởng sợ Mao Trạch Đông thừa thắng xông lên tấn công Đài Loan. Tưởng cử mật sứ sang Thượng Hải liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), để lộ ý định Tưởng muốn QDĐ hợp tác với ĐCSTQ, thuyết phục Bắc Kinh tạm thời để Đài Loan được yên bình. Bắc Kinh đồng ý với đề nghị này, nhưng sau đó hy vọng “Quốc-Cộng hợp tác” bị chặn đứng vì bất ngờ Kim Nhật Thành làm nổ ra Chiến tranh Triều Tiên (25/6/1950).

Thấy rõ vai trò quan trọng của Đài Loan trong cuộc chiến này, Truman chuyển từ chính sách “Bỏ Tưởng” sang “Bảo vệ Tưởng”, phục hồi viện trợ quân sự cho Tưởng. Ngày 27/6, Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan. Để tập trung lực lượng vào chiến trường Triều Tiên, Mỹ không cho Tưởng gây sự với Bắc Kinh. Mao Trạch Đông cũng quyết định hoãn nhiệm vụ giải phóng Kim Môn và Đài Loan mà tập trung Kháng Mỹ viện Triều. Nhờ thế tình hình eo biển Đài Loan được yên tĩnh trong vài năm.

Năm 1952 Đài Loan trả về Trung Quốc hơn 3.000 tù binh GPQTQ. Họ đều bị tước đảng tịch và quân tịch, đuổi về quê làm ruộng, một số bị ra tòa. Các tù binh còn lại đều xin ở lại Đài Loan.

Tháng 7/1953, Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Trung Quốc lập tức đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đưa không quân vào tỉnh Phúc Kiến, chuẩn bị tấn công Đài Loan.

Ngày 3/9/1954, GPQTQ bất ngờ pháo kích Kim Môn liên tục cho tới 22/9. Ngày 18/11/1954, lại dùng lục quân, hải quân, không quân với binh lực áp đảo tấn công đảo Nhất Giang Sơn, một đảo nhỏ ở gần cửa sông Tiêu Giang tỉnh Chiết Giang, do QDĐ chiếm giữ; ngày 18/1/1955 chiếm được đảo này. Trong tình hình đó, tháng 2/1955, chính quyền QDĐ rút quân ra khỏi đảo Đại Trần, một đảo nhỏ rộng 13,6 km2, cách đảo Nhất Giang Sơn 11 km. Sau đó GPQTQ chiếm Đại Trần.

Cho là Bắc Kinh muốn dùng vũ lực giải phóng Đài Loan, tháng 12/1954, Mỹ và chính quyền Tưởng Giới Thạch ký “Hiệp ước Phòng ngự chung Mỹ-Trung [Đài Loan]”. Sau đó hạm đội 7 được điều đến eo biển Đài Loan. Một số nghị sĩ Mỹ hô hào dùng bom nguyên tử ngăn cản Trung Quốc đánh Đài Loan. Tổng thống Eisenhower chủ trương dùng luật pháp để trung lập hóa Đài Loan, như để Đài Loan do quốc tế quản trị hoặc Liên Hợp Quốc ủy quyền cho một quốc gia nào đó quản trị (chế độ ủy trị). Viện lý do trong Hiệp ước Phòng ngự chung Mỹ-Đài Loan, phần định nghĩa về lãnh thổ của chính quyền QDĐ không nói đến hai đảo Kim Môn, Mã Tổ, Eisenhower khuyên Tưởng Giới Thạch bỏ hết các đảo nhỏ gần đại lục TQ, chỉ giữ hai quần đảo lớn là Đài Loan và Bành Hồ để tiện quản lý.

Nhưng Tưởng phản đối chủ trương đó. Mặc cho Mỹ dọa cắt giảm viện trợ, Tưởng chỉ chịu bỏ hai đảo nhỏ (Nhất Giang Sơn và Đại Trần) mà vẫn tăng quân đóng ở hai đảo Kim Môn, Mã Tổ. Mâu thuẫn Mỹ-Tưởng căng thẳng tới mức dân Đài Bắc biểu tình đập phá Sứ quán Mỹ. Về sau Eisenhower phải nghe theo Tưởng, tăng cường viện trợ Đài Loan.

Hiểu rằng việc dùng luật pháp quốc tế giải quyết vấn đề Đài Loan sẽ có thể mãi mãi tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, Mao Trạch Đông bèn đưa ra chủ trương hòa bình giải phóng Đài Loan. Đầu năm 1956, Trung ương ĐCSTQ gửi thư cho Tưởng Giới Thạch, đề nghị tiến hành Quốc-Cộng hợp tác lần thứ ba. Sau đó Tưởng cử Tống Nghi Sơn đến Bắc Kinh gặp Chu Ân Lai đàm phán. Chu nói đồng ý để Đài Loan được độc lập ở mức cao, Tưởng Giới Thạch vẫn lãnh đạo hệ thống chính quyền và quân đội như cũ, chỉ yêu cầu Mỹ rút quân đội, hạm đội ra khỏi eo biển Đài Loan. Sau một tháng ở Bắc Kinh, Tống báo cáo Tưởng, tỏ ý tán thành chủ trương của Chu. Nhưng Tưởng kiên quyết phản đối. Mưu toan Quốc-Cộng hợp tác của Mao nhằm chia rẽ Tưởng với Mỹ thế là thất bại. Không những từ chối đàm phán thống nhất đất nước, Tưởng còn cho máy bay rải truyền đơn ở nhiều nơi trên đại lục, tuyên truyền chống cộng sản. Mỹ cũng hủy cuộc hội đàm cấp Đại sứ với Trung Quốc và lập Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở Đài Loan (5/1958). Trước tình hình đó, Mao họp Bộ Chính trị, quyết định pháo kích Kim Môn.

Đồng thời tình hình Trung Đông cũng có những biến đổi lớn. Tháng 7/1958, quân đội Iraq làm cách mạng lật đổ chế độ phong kiến, lập nước Cộng hòa Iraq. Để ngăn ngừa phong trào giải phóng dân tộc ở vùng Trung Đông, lập tức Mỹ đưa quân vào Li-băng, Anh đưa quân vào Jordan. Mao Trạch Đông cho rằng cần pháo kích Kim Môn vừa để trả đũa sự quấy phá của Tưởng Giới Thạch, vừa để nắn gân Mỹ và Liên Xô, lại có tác dụng giữ chân binh lực Mỹ tại Viễn Đông, ngăn Mỹ tập trung quân vào Trung Đông.

Năm 1958, trong không khí cả nước Trung Quốc phấn khởi tiến hành xây dựng CNXH theo “Đường lối chung”, phong trào Công xã nhân dân, Đại Nhảy vọt… báo đài Trung Quốc ra sức tuyên truyền chủ trương “Đánh chiếm Kim Môn, Mã Tổ, dùng vũ lực giải phóng Đài Loan”. Ngày 23/8 Mao Trạch Đông nói: Ta yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Đài Loan, Tưởng rút quân khỏi Kim Môn, Mã Tổ. Mi không rút, ta sẽ đánh; ta pháo kích thì Mỹ mới đồng ý quay lại dự cuộc hội đàm Trung Quốc-Mỹ cấp Đại sứ.

Chập tối hôm đó, pháo binh GPQTQ tập trung bắn phá các mục tiêu quân sự ở Kim Môn, phong tỏa vùng biển quanh đảo nhằm cắt đường tiếp tế. Ngoài ra tàu chiến và máy bay hai bên cũng nhiều lần chạm trán nhau. Thời gian đầu, quân QDĐ bị động, phản kích muộn. Sau khi được Mỹ cho tàu chiến tới hộ tống các tàu tiếp tế, và viện trợ 6 khẩu pháo tự hành tầm xa M55 (203 mm), 6 lựu pháo M2, quân QDĐ Kim Môn đã gây thiệt hại nặng cho đối phương, làm tê liệt hoạt động của ga xe lửa Hạ Môn.

Có thể vì việc pháo kích ngày càng kém hiệu quả nên ngày 6/10/1958, Bắc Kinh công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, tuyên bố ngừng bắn 7 ngày, bãi bỏ phong tỏa hai đảo Kim Môn, Mã Tổ. Hết thời hạn, pháo kích lại tiếp tục nhưng từ 25/10, Bắc Kinh thực thi chiến thuật “Bắn ngày lẻ, ngừng bắn ngày chẵn”, giảm dần sức tấn công. Tình hình đó kéo dài cho tới ngày 1/1/1979.

Kết quả của 21 năm đấu pháo ở vùng Kim Môn Mã Tổ như thế nào? Số liệu mỗi bên công bố khác nhau khá nhiều.

Phía QDĐ cho biết: Tổng cộng Trung Cộng đã bắn khoảng 470 nghìn đạn pháo, phí tổn 47 triệu USD (1 viên trọng pháo giá khoảng 100 USD), tự làm hỏng 50 khẩu pháo (mỗi khẩu pháo chỉ bắn được 10.000 lần là hỏng), phí tổn 5 triệu USD. Phía QDĐ còn bắn rơi 30 máy bay MIG, bắn chìm 16 tàu phóng lôi, phá hủy 280 khẩu pháo, 23 kho đạn, 2 kho xăng dầu của đối phương. Tóm lại tổng phí tổn hơn 200 triệu USD, chưa kể thiệt hại về người và hạ tầng cơ sở…, nhưng GPQTQ chưa chiếm được hai đảo này.

***

Cho tới nay vẫn chưa rõ tại sao Mao Trạch Đông quyết định pháo kích Kim Môn và Mao có ý định chiếm đảo này hay không. Mới đầu, phía Trung Quốc giải thích đó là hành động Trung Quốc “ủng hộ cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Trung Đông”. Thượng tướng GPQTQ Diệp Phi (từng chỉ huy trận đổ bộ Kim Môn 10/1949) sau này cũng nói pháo kích Kim Môn không nhằm chiếm đảo này mà là trận đánh về chính trị. Có thể đây là cách Bắc Kinh giải thích “tự an ủi” dân Trung Quốc lý do không chiếm được mấy đảo gần nhất.

Có rất nhiều tin tức xung quanh vấn đề này nhưng chỉ có thể tham khảo. Như có tin là Mao Trạch Đông từ đầu đã nói với cán bộ giúp việc là Đài Loan xa quá, khó đánh, có thể 40 năm chưa lấy được Đài Loan; trước tiên hãy pháo kích các đảo gần đại lục để phong tỏa đường tiếp tế khiến Tưởng phải tự bỏ các đảo đó. Lại có tin Mao chủ trương cứ để QDĐ giữ Kim Môn, Mã Tổ, như vậy về địa lý, hai đảo này rất gần đại lục, sẽ là “sợi dây” liên hệ QDĐ với ĐCSTQ, chứ đảo Đài Loan xa quá, Bắc Kinh không tiện liên hệ.

Cũng có tin nói pháo kích Kim Môn, Mã Tổ chỉ để diễu võ dương oai; thực ra Mao không muốn chiếm hai đảo này mà chỉ muốn gây sự với Mỹ để phá chiến lược “chung sống hòa bình với Mỹ” của Khrushchev mà Mao rất ghét. Ngoài ra tình hình nội bộ ĐCSTQ xuất hiện ý kiến phản đối các chủ trương Đại Nhảy vọt, Công xã nhân dân… cũng là lý do Mao quyết định như trên.

Trong vấn đề Đài Loan nói chung và Kim Môn, Mã Tổ nói riêng, Mỹ và Liên Xô có thái độ khá tế nhị. Ví dụ khi hộ tống tàu tiếp tế của QDĐ, tàu chiến Mỹ không hề đi vào vùng biển 3 hải lý của Kim Môn, Mã Tổ. Mao cũng cấm GPQTQ bắn vào tàu Mỹ. Sau ngày bắt đầu pháo kích (23/8/1958), Chu Ân Lai từng nói với phía Liên Xô là nếu cuộc chiến này có gây ra rắc rối gì thì Trung Quốc tự chịu hậu quả, không để Liên Xô bị liên lụy. Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Gromiko vẫn bí mật đến Bắc Kinh và tuyên bố tấn công Trung Quốc cũng là tấn công Liên Xô, chủ động giương cái ô hạt nhân che chở Trung Quốc.

Qua đây có thể thấy vấn đề Đài Loan cực kỳ phức tạp, tế nhị, rất khó giải quyết, bao năm nay luôn luôn làm đau đầu cả hai phía Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời các thông tin từ hai phía về vấn đề này thường là trái ngược nhau, chỉ có thể dùng để tham khảo.

RELATED ARTICLES

Tin mới