Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ ‘chữa lợn lành thành lợn què’ với chiến dịch ở Tân...

TQ ‘chữa lợn lành thành lợn què’ với chiến dịch ở Tân Cương

Hôm 15/9, tờ ‘the Diplomat’ cho đăng bài viết của tiến sỹ Marc Julienne, Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông, phân tích cho rằng sự đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương, có khả năng phản tác dụng.

Trung Quốc gần đây đã kiên quyết bác bỏ mọi báo cáo lên án sự tồn tại của nhiều “trại cải tạo” ở khu vực phía tây Tân Cương, nơi các dân tộc thiểu số Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và người Kazkah, bị giam giữ.

Ông Hồ Liên Hợp (Hu Lianhe), Phó chủ nhiệm Ban mặt trận thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tuyên bố trước Ủy ban về Xoá bỏ Phân biệt chủng tộc của Liên Hợp Quốc (CERD), rằng “không hề có việc giam giữ tùy tiện”, và “không có những thứ như trung tâm cải tạo” ở Tân Cương.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ các báo cáo về các trại giam ở Tân Cương “là dựa trên những thông tin chưa được xác minh và thiếu trách nhiệm, mà không có cơ sở thực tế nào”.

Tuy nhiên, một số lượng lớn các tài liệu chính xác và công khai, đã chứng minh điều ngược lại. Có rất nhiều các bằng chứng, từ những tài liệu công khai của chính quyền địa phương, những hình ảnh và ảnh chụp vệ tinh. Dựa trên một phương pháp luận khoa học, một số học giả quốc tế như Adrian Zenz, Rian Thum, Jessica Batke, và Shawn Zhang, đã thực hiện được một công việc xuất chúng, giúp ích rất nhiều vạch trần thực tế này.

Theo tiến sỹ Marc, mục tiêu của Trung Quốc là chống lại chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa ly khai, và chủ nghĩa khủng bố (điều mà Bắc Kinh gọi là “ba lực lượng tà ác”), thông qua một hệ thống giám sát và chống cực đoan hóa. Nhưng thay vì thành công, chiến lược này có thể dẫn đến sự chán ghét, bất hòa rõ ràng của người dân Duy Ngô Nhĩ, cũng như các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, có thể làm trầm trọng thêm chủ nghĩa cực đoan, cả ở trong nước và nước ngoài.

Tiến sỹ Marc cho rằng Trung Quốc đã trải qua một sự gia tăng nghiêm trọng về khủng bố trong năm 2013 và 2014, với hàng trăm người chết và bị thương trên toàn quốc. Bên ngoài Trung Quốc, hàng ngàn chiến binh Duy Ngô Nhĩ đã cầm vũ khí tại Syria kể từ năm 2013, được huấn luyện với một mục tiêu cuối cùng hướng tới kẻ thù chính của mình, là chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương.

Chiến dịch chống khủng bố của Trung Quốc từ năm 2015 đã tỏ ra có hiệu quả vì hầu như không có cuộc tấn công nào ở Trung Quốc xảy ra kể từ đó. Kết quả này là nhờ có bộ máy an ninh dày đặc, được triển khai khắp nơi tại Tân Cương. Việc giám sát được thực hiện chặt chẽ hơn so với trước đây ở Trung Quốc hoặc thậm chí ở những nơi khác trên thế giới. Cảnh sát, cảnh sát hỗ trợ, cảnh sát vũ trang và quân nhân liên tục theo dõi và tuần tra các đường phố và vùng nông thôn của Tân Cương. Công nghệ là yếu tố mới ở đây, với giám sát Internet, nhận diện khuôn mặt và giọng nói, camera giám sát công nghệ CCTV tích hợp, hồ sơ DNA, v.v.

Ngoài ra, chiến dịch “chuyển hóa thông qua giáo dục” của Bắc Kinh đã dẫn đến việc giam giữ bất hợp pháp một số lượng lớn công dân Hồi giáo Trung Quốc, với ít nhất vài trăm ngàn người. Họ bị giam giữ trong các trại hoàn toàn mới, được xây dựng để “chống cực đoan hóa” các thành phần của xã hội “bị tiêm nhiễm bởi chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và hệ tư tưởng khủng bố bạo lực”.

Theo tiến sỹ Marc, phương pháp tiếp cận của chính quyền Trung Quốc tỏ ra có hiệu quả trên bề mặt, nhưng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, với 3 lý do như sau:

Thứ nhất, chủ nghĩa cực đoan và ly khai có thể phát triển âm thầm mạnh mẽ hơn. Dưới sự giám sát của bộ máy an ninh hiện tại, bạo lực khủng bố dường như không thể xảy ra, bởi vì bất kỳ hành động, cố gắng nào sẽ bị chính quyền Trung Quốc đàn áp ngay lập tức. Tuy nhiên, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo chỉ có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong trái tim và tâm trí của những người cảm thấy bị bức hại và bị đàn áp vì bản sắc văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo của mình.

Thứ hai, chính sách hà khắc, tàn bạo của chính quyền Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, đã kích động các cộng đồng Do thái Duy Ngô Nhĩ và các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền trên toàn thế giới, gây áp lực lên các chính phủ và Liên Hợp Quốc, để phản đối Trung Quốc về vấn đề này. Thay vì cáo buộc Mỹ và phương tiện truyền thông phương Tây sẵn sàng truyền bá ‘thông tin sai lệch’ để làm hại Trung Quốc, Bắc Kinh nên cung cấp thêm thông tin và sự minh bạch về tình hình ở Tân Cương.

Trong thực tế, các bài thuyết trình của truyền thông phương Tây, trong đó hầu hết thông tin là do các học giả quốc tế công bố, không phải điều gây tai hại chính cho quan điểm của thế giới về Trung Quốc. Thực tế là Trung Quốc không bao giờ đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này cho đến khi Bắc Kinh bị buộc phải tuyên bố trước Cơ quan CERD của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 13/8/2018, rằng: “Khu tự trị Tân Cương luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo của tất cả các nhóm dân tộc”, và rằng “quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của họ được đảm bảo hoàn toàn”. Điều này không đạt được gì ngoài việc làm mất uy tín tiếng nói của Bắc Kinh trên chính trường quốc tế.

Hình ảnh phụ nữ Duy Ngô Nhĩ phản đối cảnh sát chống bạo động Trung Quốc trong một cuộc đàn áp của chính phủ đối với sắc tộc thiểu số này. (Ảnh: Getty Image)

Thứ ba, những hành động của Trung Quốc cũng sẽ kích động các chiến binh trên toàn thế giới. Các tổ chức ly khai Duy Ngô Nhĩ tồn tại bên ngoài biên giới Trung Quốc, cụ thể là đảng Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ (TIP) hoạt động ở Afghanistan, Pakistan, cũng như ở Syria. TIP và các tổ chức khác như Nhà nước Hồi giáo, có thể được hưởng lợi từ sự oán giận chống lại Trung Quốc trong số những người dân Duy Ngô Nhĩ và Kazakh ở Nam Á và Trung Á, để tuyển dụng các chiến binh. Trung Quốc có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Á và Pakistan. Những cơ sở này có thể bị chọn làm mục tiêu của những kẻ khủng bố, đang tìm cách trả thù cho các nhóm dân tộc và tôn giáo ở Tân Cương.

Theo tiến sỹ Marc, phân tích tình hình Tân Cương từ quan điểm của lợi ích Trung Quốc, thật khó để thấy Trung Quốc hưởng lợi như thế nào từ việc đàn áp trên qui mô lớn đối với quần thể Hồi giáo. Ngược lại, có nguy cơ cao là các loại chính sách này có thể làm trầm trọng thêm sự oán giận, ly khai, và chủ nghĩa cực đoan ở Trung Quốc, làm tổn hại cho hình ảnh quốc tế của Trung Quốc, và khiến cho Trung Quốc trở thành mục tiêu của các tổ chức khủng bố ở nước ngoài.

Nói tóm lại, với chính sách đàn áp hiện nay ở Tân Cương, thì ‘lợn lành chữa thành lợn què’, ông Marc kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới