Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững hệ lụy nặng nề của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Những hệ lụy nặng nề của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Bằng cách áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên một nấc thang mới. Và hậu quả của nó không ai có thể định lượng được.

Chưa ai biết các mức thuế mà Mỹ vừa công bố sẽ kéo dài bao lâu, cũng không người nào biết Bắc Kinh liệu có nhượng bộ hay vẫn tiếp tục đáp trả. Nhưng rõ ràng các đòn ăn miếng trả miếng mới nhất sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các thị trường tài chính, kinh tế và bức tranh chính trị toàn cầu.

Josh Boak – cây viết về kinh tế của hãng tin AP – nêu ra 5 hậu quả tiềm tàng.

Người tiêu dùng

Không giống như hai lần áp thuế đầu tiên với tổng giá trị 50 tỷ USD, mức thuế mới mà chính quyền Trump đưa ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.

Tổng thống Trump tin làm như vậy rốt cuộc sẽ giúp ích cho người lao động Mỹ. Ông cho rằng thiệt hại ngắn hạn sẽ dẫn tới các hiệp định và chính sách thương mại mới có lợi hơn cho các doanh nghiệp và cá nhân Mỹ.

“Là Tổng thống, tôi có trách nhiệm phải bảo vệ các lợi ích của những người lao động cả nam lẫn nữ, những người nông dân, chủ trang trại, các doanh nghiệp và cả đất nước chúng ta”, Trump nhấn mạnh trong một thông cáo.

Bắt đầu từ thứ Hai tuần tới (24/9), Mỹ sẽ bắt đầu đánh thuế 10% lên hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – lốp xe, găng tay chơi bóng chày, xe đạp, ba lô, tủ lạnh, đồ gỗ gia dụng… Danh sách này lên tới 194 trang. Nếu hai bên không dàn xếp được một thỏa thuận thì mức thuế sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay.

Tổng thống Trump còn tuyên bố nếu Bắc Kinh trả đũa thì ông sẽ chuyển sang giai đoạn 3, áp thuế lên khoảng 267 tỷ hàng nhập khẩu nữa Trung Quốc.

Kết quả là giá hàng hóa sẽ tăng lên và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. Thực tế, sau khi ông Trump thông báo đánh thuế vào máy giặt từ đầu năm 2018 thì giá thiết bị này tăng 16% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, theo phân tích của Mark Perry, một giáo sư kinh tế và là một học giả thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ. 

Các doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp cảnh báo quyết định áp thuế của Tổng thống Trump có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động và giảm bớt doanh thu của họ.

Chỉ số sản xuất hàng tháng của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy, đã có một số công ty bày tỏ lo lắng về thuế quan mặc dù kinh tế Mỹ đang khởi sắc. Một hãng về thực phẩm và đồ uống tham gia khảo sát của ISM cho biết: “Các nhà cung cấp dường như đang dồn ép chúng tôi để tăng chi phí, liên tục nói về lạm phát và thuế quan”.

Bên cạnh đó, chủ trương thuế của ông Trump cũng khiến các công ty gặp khó khăn trong hoạch định cho tương lai. Ted Murphy – một luật sư về thương mại và là một đối tác tại Baker McKenzie – nhận định Tổng thống đang phát tín hiệu nhiều hãng cần phải tính toán lại các hoạt động của mình. Họ cần phải chú trọng đến thuế, phải xem lại các chuỗi cung ứng đã tạo dựng trên khắp cả nước và tính toán nơi nào tốt nhất để bố trí lao động.

“Họ chắc chắn phải di chuyển việc làm. Những gì ông Trump đang làm khiến chi phí tăng cao, và ông đang đưa bất ổn vào các mối quan hệ thương mại”, luật sư Ted Murphy bình luận.

Các thị trường tài chính

Ít nhất đến nay, thị trường chứng khoán đã quen với những lời cảnh báo và đe dọa. Nhưng đợt thuế mới có nguy cơ gây ra phản ứng đáng báo động từ các nhà đầu tư. Đánh thuế thêm có nghĩa là hai nước sẽ phải chật vật tìm cách giải quyết bất đồng.

“Đó là một trở ngại cho thị trường vì họ dường như không thể tiến vào bàn đàm phán” – J.J. Kinahan, nhà trưởng chiến lược thị trường của TD Ameritrade – nhận xét. Kinahan cho rằng, các công ty công nghệ đặc biệt dễ bị tổn thương từ đòn đáp trả của Bắc Kinh, vốn có thể sẽ bao gồm thuế đánh vào các bộ phận thay thế cũng như hạn chế tiếp cận dịch vụ và các trang web.

Kinh tế toàn cầu

Một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của thế giới, tiềm tàng tác động đến những nền kinh tế từ Buenos Aires tới Istanbul.

Thuế có thể dẫn đến trao đổi thương mại ít hơn – đồng nghĩa với cản trở tăng trưởng ở các quốc gia nhỏ bé. Đồng đôla Mỹ đã bắt đầu tăng giá ngay khi căng thẳng thương mại nhen nhóm. Nó khiến cho đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng peso của Argentina cùng một loạt đồng bản tệ khác bị hạ giá. Xu hướng này đặt sức ép nặng nề lên nền kinh tế các nước.

Nhiều nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào việc vận chuyển hàng hóa tới Trung Quốc. Nếu kinh tế Trung Quốc chậm lại dưới sức nặng của thuế quan Mỹ thì nền kinh tế toàn cầu sẽ “siêu vẹo”.

Chính trị

Sự kiểm soát của đảng Cộng hòa ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ bị đe dọa trong các cuộc chạy đua bầu cử giữa kỳ trong tháng 11.

Tổng thống Trump mô tả các mức thuế nhập khẩu là một chủ đề giúp thắng cử bởi chúng buộc các nước khác phải thỏa hiệp với Mỹ. Tuy nhiên, thăm dò dư luận cho thấy chính sách thuế của ông có thể dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương.

Một thăm dò ngày 24/8 do AP kết hợp với Trung tâm NORC về Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng thực hiện cho thấy 61% người Mỹ không đồng tình với cách thức Tổng thống xử lý đàm phán thương mại. 

RELATED ARTICLES

Tin mới