Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNhững kỳ vọng vào quan hệ đối tác chiến lược kiểu mới...

Những kỳ vọng vào quan hệ đối tác chiến lược kiểu mới Việt – Nhật

Việt Nam và Nhật Bản đang đứng trước các thách thức khi bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều thay đổi.

Tàu ngầm Kuroshio của Nhật Bản cập cảng Cam Ranh của Việt Nam hôm 17/9. Ảnh: QĐND.

“Việt Nam và Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác, định hình mối quan hệ đối tác chiến lược kiểu mới ở Đông Á – Thái Bình Dương, trên cơ sở củng cố lòng tin chiến lược, cùng gánh vác trách nhiệm chung với các vấn đề khu vực và toàn cầu”, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nêu đề xuất về định hướng sắp tới giữa hai nước. Ông Thắng nói trong hội thảo kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với chủ đề “Phát triển quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Lịch sử và triển vọng” ngày 21/9.

Giám đốc Học viện đánh giá Việt Nam và Nhật Bản có điểm chung về lợi ích, mục tiêu và quan điểm về duy trì hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á, đặc biệt là bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực. Do đó bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác song phương, Việt Nam và Nhật Bản còn hợp tác chặt chẽ trong các cơ chế đa phương như APEC, ASEM, Liên Hợp Quốc, các khuôn khổ của ASEAN như Cấp cao Đông Á (EAS), tiểu vùng Mekong. Nhật Bản cũng thể hiện sự coi trọng Việt Nam trong các khuôn khổ khác, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là nguyên thủ đầu tiên trong khối G7 mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2016. 

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda cho biết những năm gần đây giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra liên tục. Quan hệ tin cậy giữa các nhà lãnh đạo ngày càng sâu sắc, thông qua các chuyến thăm cấp cao như Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sang thăm Việt Nam tháng 2/2017, Thủ tướng Nhật Bản dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm ngoái. Tại Hội nghị APEC, Việt Nam và Nhật Bản là hai đồng chủ tịch giúp các nước thống nhất khung về hiệp định TPP mới sau khi Mỹ rút lui (CPTPP).

Trước khi Nhà vua Nhật Bản thoái vị vào tháng 4/2019, Nhật Hoàng và Hoàng hậu đã đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân sang thăm vào tháng 5 năm nay. 

“Đó là những sự kiện biểu tượng cho tình cảm rất coi trọng Việt Nam của Nhật Bản”, ông Umeda nói, cho biết thêm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – Mekong tại Tokyo. 

Trả lời câu hỏi của VnExpress về bối cảnh tình hình khu vực thay đổi, Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam có vai trò rất quan trọng vì thúc đẩy các nguyên tắc chủ chốt như tôn trọng tự do hàng hải, hàng không, luật pháp quốc tế.  “Việt Nam duy trì quan điểm nhất quán về các vấn đề này”, ông lưu ý. 

Nhắc đến việc Nhật Bản điều tàu ngầm đến diễn tập ở Biển Đông, Đại sứ cho biết hành động này của Tokyo gửi ra “thông điệp rõ ràng với các nước ở khu vực”. Ông nhấn mạnh việc Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ nhiều lợi ích mang tính chiến lược, đều khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác về chiến lược trên biển. Nhật Bản cho rằng sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn an ninh đặc biệt quan trọng với sự ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực. 

Đại sứ đánh giá hợp tác kinh tế của hai nước ngày càng mạnh mẽ. Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu nội địa của Nhật Bản. Năm 2017, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam được cấp phép là 9,1 tỷ USD, 6 tháng đầu năm nay đạt 6,5 tỷ USD, là nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở Việt Nam là 3.100, tăng 40% trong 4 năm qua. Số doanh nghiệp Nhật Bản là thành viên Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tính đến tháng 6/2018 là 1.788 doanh nghiệp, đứng đầu trong số các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản ở các nước Đông Nam Á.

Theo ông Umeda, quan hệ Việt – Nhật được mở rộng trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Năm nay hai nước tổ chức hơn 170 hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ. Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam như hỗ trợ hoàn thiện luật pháp, hạ tầng chất lượng cao như cầu, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đào tạo nguồn nhân lực và sẽ tiếp tục các trọng tâm này trong thời gian tới.

Kim ngạch thương mại hai bên năm ngoái đạt 33,84 tỷ USD, quý I năm nay đạt 8,7 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 nhưng là lớn nhất của Việt Nam trong số các nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Nhiều dự án đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam như cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Cần Thơ, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép – Thị Vải (TP HCM), đường hầm Hải Vân….Năm 2017 có gần 800.000 lượt du khách Nhật Bản đến Việt Nam, đứng thứ ba trong số các nước. Số người Việt Nam sang du lịch Nhật Bản vượt 300.000 lượt người. 

Ông Thắng đề xuất Việt Nam và Nhật Bản cần tăng hiệu quả để thích ứng với diễn biến nhanh chóng của Cuộc cách mạng lần thứ 4. Hai nước cần đóng vai trò đầu tàu trong thúc đẩy hiện thực hoá CPTPP, tích cực phối hợp đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cùng thúc đẩy kinh tế tự do và rộng mở ở châu Á – Thái Bình Dương. 

Những hạn chế và triển vọng

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn Việt Nam và Nhật Bản cần tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của nhau trong việc đóng góp cho hoà bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới, duy trì thường xuyên trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm như đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hai nước cũng cần thúc đẩy hợp tác quốc phòng an ninh, đối phó với biến đổi khí hậu, cần tăng cường hợp tác trong Sáng kiến Kết nối Mekong – Nhật Bản, đặc biệt là xây dựng các tuyến hành lang kinh tế kết nối trong tiểu vùng Mekong.  Trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ của Nhật Bản để phát triển các lĩnh vực mới như nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ kết nối. 

Sắp tới hai nước cần đạt gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư vào 2020 so với 2014. Triển khai Sáng kiến chung Việt – Nhật giai đoạn 7, thu hút đầu tư chất lượng của Nhật vào Việt Nam. Hai bên cần thảo luận để tháo gỡ vướng mắc như thuế thu nhập doanh nghiệp với các nhà thầu Nhật Bản thực hiện các dự án ODA không hoàn lại, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư Nhật tham gia vào cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam.

Giáo sư Trần Văn Thọ, Trường Đại học Waseda, Nhật Bản, lưu ý chất xám về hưu ở Nhật rất lớn, điều Trung Quốc và các nước châu Á rất quan tâm, do đó Việt Nam cần tận dụng nguồn lực để nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp mới. 

Ông Thọ cho rằng khi giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc du học ở Nhật, cần tổ chức tốt các chương trình thực tập sinh để tạo nguồn nhân lực cho giai đoạn mới của công nghiệp hoá. Bên cạnh đó Việt Nam cũng nên chuẩn bị “tốt nghiệp” ODA, quan hệ với Nhật Bản sẽ chuyển trọng tâm sang FDI và các nguồn lực khác. 

Về phía mình, Đại sứ Nhật Bản nêu lên ba quan ngại của ông trong hợp tác với Việt Nam. Đó là sự chậm trễ của Việt Nam trong việc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do liên quan đến tính toán nợ công, thứ hai là việc không tôn trọng các chuẩn mực quốc tế như định nghĩa về ODA cho thấy sự vi phạm các cam kết, ảnh hưởng đến lòng tin với Việt Nam và thứ ba là số lượng tội phạm người Việt tại Nhật Bản đang ở mức cao nhất so với số lượng người nước khác tại Nhật Bản. Ông Umeda cũng nói rõ nguyên nhân là do nhiều du học sinh, thực tập sinh người Việt phải gánh những khoản tiền vay nợ lớn vì tham gia chương trình của những tổ chức xuất khẩu lao động bất chính của Việt Nam và trường tiếng Nhật, doanh nghiệp tiếp nhận lao động bất chính của Nhật Bản.

Theo Đại sứ, người Việt Nam đang sống ở Nhật Bản là 260.000 người, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông cho hay các thanh niên Việt Nam đang là chỗ dựa cho xã hội Nhật Bản, một xã hội đang đối diện với tình trạng già hoá dân số và thiếu lực lượng lao động. Tuy nhiên nếu tính trạng số lượng tội phạm là người Việt đứng đầu tiếp diễn không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, còn có nguy cơ làm xấu hình ảnh của Việt Nam tại Nhật Bản.

“Từ tháng ba năm ngoái, Đại sứ quán Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp nhưng việc này cần có sự hợp tác hơn nữa của cả hai nước”, ông Umeda đề xuất.

Để minh chứng cho mối quan hệ gắn bó của hai nước, Đại sứ nhắc lại hai kỷ niệm mà ông chứng kiến, bày tỏ sự cảm kích vì Việt Nam thể hiện sự ủng hộ lớn với Nhật Bản. Đó là vào năm 2005, khi 4 nước Nhật Bản, Đức, Ấn Độ hay Brazil đưa ra đề xuất Dự thảo nghị quyết khung liên quan đến cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 4 nước đẩy mạnh các cuộc vận động để trở thành thành viên thường trực của HĐBA. Khi đó, Trung Quốc đã cản trở mục tiêu này của Nhật Bản, tổ chức nhiều cuộc phản đối ở nhiều nơi, kêu gọi các nước ASEAN tham gia. Tuy nhiên Việt Nam và Singapore đã ủng hộ Nhật Bản đến cùng để Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của HĐBA. Ông Umeda đã đi cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Machimura đến Việt Nam và tham gia thảo luận.

Kỷ niệm thứ hai là năm 2010, khi Trung Quốc tuyên bố cấm toàn bộ việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản do bất đồng về va chạm tàu cá trên biển, Việt Nam đã cùng lãnh đạo Nhật đã thống nhất về việc cùng hợp tác khai thác đất hiếm trong họp thượng đỉnh tại Hà Nội năm 2010. Dù dự án không thực hiện được do giá mặt hàng này giảm, nhưng phía Nhật đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam.

Đại sứ cho hay từ khi là đại diện của Nhật ở Việt Nam từ cuối 2016, ông đã đến nhiều tỉnh thành ở khắp Việt Nam.

“Đi đến đâu tôi cũng cảm nhận được nguồn năng lượng mong muốn phát triển của Việt Nam và cảm nhận được tâm huyết của những người muốn thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản”, ông Umeda nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới