Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững nước cờ thương mại của Tổng thống Trump

Những nước cờ thương mại của Tổng thống Trump

Tổng thống Donald Trump liên tiếp có những động thái để tăng cường thế và lực cho Mỹ trong cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc.

Ngày 25.9, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in ký kết thỏa thuận thương mại tự do song phương mới sau thời gian đàm phán căng thẳng. Trong buổi ký kết bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ tại New York, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố: “Chúng tôi đã thiết lập một hình mẫu về tình hữu nghị và hợp tác về thương mại hiếm thấy trong thời đại này”, theo Reuters.
Trước đó, ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Trump đã tỏ ý không hài lòng về thỏa thuận thương mại tự do song phương với Hàn Quốc vì cho rằng Mỹ chịu thiệt hại. Thậm chí, nhà lãnh đạo Mỹ còn có ý định rút khỏi thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2012 này, làm dấy lên lo ngại về mâu thuẫn giữa 2 đồng minh và có thể gây tổn hại đến chính sách an ninh khu vực, trong đó có vấn đề CHDCND Triều Tiên. Theo Yonhap, thỏa thuận mới có một số điều chỉnh có lợi hơn cho Mỹ bao gồm điều khoản cho phép nước này giữ nguyên mức thuế suất 25% đối với xe tải nhập khẩu từ Hàn Quốc đến năm 2041 trong khi mỗi hãng xe Mỹ được quyền xuất sang Hàn Quốc 50.000 chiếc mỗi năm và không phải tuân thủ theo tiêu chuẩn an toàn của nước sở tại.
Theo giới quan sát, kết quả này cộng thêm những diễn biến tích cực gần đây trong quan hệ Mỹ – Triều Tiên giúp Tổng thống Trump có thêm cơ sở để củng cố chính sách thương mại, đối ngoại và an ninh, dẹp yên những lo ngại trong nước nhằm tiếp tục làm găng với Trung Quốc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post (SCMP) hồi tuần trước, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon khẳng định chiến lược của Tổng thống Trump là biến xung đột thương mại “trở thành nỗi đau khó chịu đựng” đối với Trung Quốc và ông sẽ không lui bước cho đến khi chiến thắng.
Cũng trong hôm qua, SCMP dẫn lời Chủ tịch Cơ quan Hợp tác đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) của Mỹ Ray Washburne cho hay OPIC đang thảo luận với Ấn Độ nhằm đưa nước này vào quan hệ đối tác mới vừa được thiết lập giữa Mỹ, Nhật Bản và Úc. Trước đó, Washington, Canberra và Tokyo đạt thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giúp triển khai trôi chảy quy trình hợp tác đầu tư trong những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng về năng lượng, giao thông, du lịch cũng như công nghệ. Theo SCMP, một trong những mục tiêu của kế hoạch mới là tạo đối trọng với chiến lược Vành đai và Con đường do Trung Quốc đang triển khai.
 
Mặt khác, mức độ ảnh hưởng của OPIC tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ càng lớn mạnh nếu thượng viện Mỹ trong tuần này thông qua dự luật mang tên “Build Act” nhằm trao thêm quyền đầu tư vốn vào các dự án phát triển. Ngoài ra, OPIC sẽ được đổi tên thành Cơ quan Hợp tác tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) và nguồn tiền đổ vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ tăng đáng kể. SCMP dẫn lời Chủ tịch Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ted Yoho đánh giá “Build Act” rất cần thiết cho việc ứng phó tình trạng “Trung Quốc giăng bẫy nợ đối với nhiều nước đang phát triển trong khu vực”.
 
RELATED ARTICLES

Tin mới