Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngNhững tác động và hệ lụy từ cơ chế tham vấn song...

Những tác động và hệ lụy từ cơ chế tham vấn song phương TQ – Philippines về Biển Đông hiện nay

Trung Quốc và Philippines lần đầu tiên nhất trí thiết lập cơ chế đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông tại “Hội nghị Tham vấn ngoại giao Trung Quốc – Philippines” lần thứ 20 tại Philippines ngày 18/01/2017. Kể từ đó đến nay, nhìn chung cơ chế này vẫn mang tính hình thức và chủ yếu phục vụ những toan tính về chiến lược của hai bên nhằm đánh lừa dư luận.

Tác động của cơ chế tham vấn song phương

          Trung Quốc và Philippines lần đầu tiên nhất trí thiết lập cơ chế đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông tại “Hội nghị Tham vấn ngoại giao Trung Quốc – Philippines” lần thứ 20 tại Philippines ngày 18/01/2017. Ngà 19/5/2017, tại thành phố Quý Dương, tình Quý Châu của Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago L. Sta. Romana đã chủ trì Hội nghị cơ chế tham vấn song phương lần thứ nhất về Biển Đông. Tuy nhiên, kết quả đạt được cũng chỉ là các tuyên bố mang tính biểu tượng.

          Đối với Trung Quốc, việc tổ chức thành công cuộc đàm phán sẽ củng cố lập trường giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, không sử dụng tòa án trọng tài đơn phương, khuyến khích Philippines thực hiện chính sách ngoại giao độc lập không chịu ảnh hưởng từ các nước bên ngoài, nhất là Mỹ. Việc tổ chức cơ chế tham vấn song phương rõ rằng sẽ kéo Philipppines ra xa ảnh hưởng và mối quan hệ với Mỹ. Ngoài ra, việc tổ chức thành công cuộc đàm phán song phương với Philippines sẽ giúp Trung Quốc cho thế giới thấy khả năng tổ chức, dẫn dắt vận động lôi kéo của mình, kể cả đối với những nước từng đi đầu đối chọi với Trung Quốc và quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ ở khu vực như Philippines; đồng thời tạo áp lực buộc các nước khác phải chấp nhận đàm phán hoặc tham gia theo sáng kiến của Trung Quốc, từ bỏ đa phương để đàm phán song phương. Nhờ điều này Trung Quốc đã giảm vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác đa phương.

          Đối với Philippines, các hội nghị tham vấn song phương cho thấy chính sách thực dụng theo đuổi mục tiêu kinh tế từ Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, tìm cách không để vấn đề Biển Đông trở thành yếu tố chủ đạo cản trở quan hệ hai nước. Rõ ràng chính quyền Philippines đang muốn thu hút những khoản đầu tư lớn như cam kết từ phía các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đồng thời, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng muốn nhờ Trung Quốc để củng cố quyền lực và gây dựng ảnh hưởng của mình trước phe đối lập trong nước. Đón tiếp ông Duterte trong chuyến thăm chính thức lần thứ nhất vào tháng 10/2016, Bắc Kinh khẳng định sẽ đầu tư 24 tỉ USD, trong đó có 15 tỷ USD FDI trực tiếp vào Philippines, 9 tỉ USD vay ưu đãi và “ủng hộ Tổng thống Duterte dẫn dắt nền kinh tế Philippines phát triển”. Hai bên cũng ký nhiều thỏa thuận và ghi nhớ quan trọng, đồng ý khôi phục hoạt động Tham vấn Ngoại giao, hoạt động của Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Thương mại, và hoạt động của Uỷ ban Hỗn hợp Khoa học Công nghệ. Tuyên bố chung của hai bên khẳng định “tầm quan trọng của các cơ chế đối thoại song phương hiện có” và “mở rộng hợp tác, phấn đấu cho một mối quan hệ chặt chẽ hơn”. Trong chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ hai của ông Duterte và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” vào tháng 5/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi những chuyến thăm này như là “cột mốc” trong quan hệ giữa hai nước “láng giềng anh em”. Nhờ sự hậu thuẫn của Trung Quốc mà Chính phủ Philippines hồi tháng 5/2017 đã từ chối nhận khoản hỗ trợ phát triển của EU trị giá khoảng 278,73 triệu USD.

          Những hệ lụy từ cơ chế tham vấn song phương

          Cơ chế tham vấn song phương TQ – Philippines thường được Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền về chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông là đúng đắn hay Trung Quốc có đủ khả năng để giải quyết hòa bình các tranh chấp với các nước liên quan mà không chịu áp lực từ các nước bên ngoài. Hoạt động này cũng khiến cho nội bộ các nước ASEAN bị phân hóa, nghi ngờ nhau về việc có hay không những thỏa thuận “đi đêm” với Trung Quốc. Những nước ASEAN cũng sẽ khó có thể dựa vào các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản và phải chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về Biển Đông.

          Tuy nhiên, cơ chế này hiện chưa mang lại kết quả thực chất nào. Cả Trung Quốc và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền và thực tế sẽ chẳng bên nào chịu để mất chủ quyền. Những tuyên bố chỉ là hình thức vì sức ép từ người dân và nội bộ Philipines cũng hết sức mạnh mẽ. Bộ phận chính trị gia khác tại Toà án, Quốc hội và các đảng chính trị đối lập tại Philippines liên tục chỉ trích thái độ nhu nhược trước Trung Quốc của Tổng thống Duterte, cho rằng Chính quyền Philippines đã bỏ qua phán quyết của Tòa, chấp nhận đánh đổi chủ quyền cho Trung Quốc để lấy lợi ích kinh tế. Người người dân Philippines đã phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc vi phạm phán quyết, xâm phạm chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough. Nhiều cuộc biểu tình của người dân Philippines đã nổ ra để yêu cầu Trung Quốc ngừng ngăn cản hoạt động đánh bắt và tịch thu cá của ngư dân Philippines. Hôm 10/2/2018, nhiều người Philippines đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo hãng tin Al Jazeera, cuộc biểu tình do các nhà hoạt động tổ chức sau khi truyền thông Philippines đăng tải các hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã đi đến giai đoạn hoàn tất các cơ sở phục vụ hải quân và không quân trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Hay ngay trong dịp kỷ niệm 2 năm ngày Tòa Trọng tài ra phán quyết về đường lưỡi bò của Trung Quốc (7/2016-7/2018), hàng nghìn người dân Philippines tiếp tục biểu tình phản đối chính phủ quan hệ với Trung Quốc, thậm chí là đòi lật đổ chính quyền của Tổng thống Duterte.

          Đối với một thỏa thuận có vẻ thực chất như thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ hai nước hôm 15/2/2018 về việc cho phép Trung Quốc đưa tàu nghiên cứu khoa học tới khu vực Benham Rise để cùng với các nhà khoa học Philippines tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đại dương tại bãi cạn Scarborough, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, thì ngay sau đó Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines (26/2/2018) đã phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho 05 cấu trúc trong rãnh Benham mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát. Trong khi rãnh Benham là khu vực nằm hoàn toàn trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines.

          Cơ chế tham vấn song phương TQ – Philippinescũng được coi là “chiến thuật trì hoãn” của Trung Quốc trong vấn để Biển Đông, nhằm cố tình né tránh các tiến triển cụ thể trong việc giải quyết và quản lý tranh chấp. Lý do là các nội dung thảo luận với Philippines, Trung Quốc hoàn toàn có thể thảo luận ngay trong khuôn khổ với ASEAN. Do vậy, mục tiêu đằng sau sự lựa chọn này của Trung Quốc thực chất chỉ nhằm tiếp tục củng cố chiến thuật chia rẽ các bên yêu sách, hạ thấp vai trò của ASEAN. Ngoài ra, lựa chọn này cũng giúp Trung Quốc giảm thiểu rủi ro chính trị và ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016), cũng như ngăn chặn can dự của các bên có lợi ích liên quan với lập luận rằng Trung Quốc và ASEAN, hoặc Trung Quốc với quốc gia riêng lẻ trong ASEAN có thể xử lý được vấn đề. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục dùng lợi thế kinh tế, chính trị, ngoại giao và cả sức mạnh trên thực địa gạt bỏ ý kiến quan ngại của các bên, tạo thành cục diện mà các bên buộc phải chấp nhận một “nguyên trạng mới” do Trung Quốc thiết lập, bất chấp luật pháp quốc tế.

          Kết luận: Mặc dù cả phía Trung Quốc và Philippines đều thể hiện tầm quan trọng và coi trọng cơ chế đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông giữa hai nước, song dường như điều này đang trái ngược hoàn toàn với thực tế diễn ra khi Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa, gia tăng ảnh hưởng và phạm vi, mức độ kiểm soát Biển Đông bất chấp những nỗ lực đa phương của các nước. Ngay tại Philippines, việc Chính quyền Tổng thống Duterte tiến hành thúc đẩy cơ chế đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc cũng không thể giúp nước này giải quyết tranh chấp với Trung Quốc khi tàu thuyền Trung Quốc vẫn liên tục vi phạm chủ quyền Philippines, đe nạt ngư dân Philippines. Vì vậy, cơ chế đàm phán song phương Trung Quốc – Philippines về vấn đề Biển Đông sẽ chỉ là hình thức nếu không xuất phát từ nguyện vọng của người dân và phù hợp với xu thế phát triển cùng những nỗ lực chung của các nước hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới