Saturday, July 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuá trình triển khai chiến lược biển của TQ kể từ sau...

Quá trình triển khai chiến lược biển của TQ kể từ sau Đại hội 19 đến nay và tác động đối với khu vực

Trung Quốc đề ra mục tiêu xây dựng “cường quốc biển” từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) và coi đây là bước đi nhằm cụ thể hóa chiến lược biển của Trung Quốc. Trong nhưng năm qua, nhất là từ sau Đại hội 19 (10/2017), giới lãnh đạo Trung Quốc đã tích cực triển khai chiến lược biển nhằm thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Giới chuyên gia, học giả các nước đều cho rằng quá trình này đã tác động tiêu cực tới an ninh hòa bình ổn định khu vực.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu với Hải quân Trung Quốc ngày 12/04/2018. Nguồn: Reuters.

Những điều chỉnh chiến lược biển của Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc đã tiến hành cải tổ quân đội ưu tiên phát triển hải quân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây tuyên bố Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) phải hoàn thành quá trình hiện đại hóa vào năm 2035 và phấn đấu trở thành “lực lượng đẳng cấp thế giới” vào năm 2050. Chuyên gia quân sự Andrei Kotz của Nga cho rằng PLA sẽ phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện tham vọng này, tập trung vào 4 mũi nhọn chính. Theo chuyên gia Kotz, với lực lượng thường trực hơn 2 triệu người, PLA là đội quân đông đảo nhất thế giới, trong đó phần lớn quân số tập trung ở lục quân, phục vụ học thuyết quân sự thiên về tác chiến trên bộ. Tuy nhiên, trong tác chiến hiện đại, vai trò của lục quân đang ngày càng giảm sút, nhường chỗ cho không quân và hải quân, buộc PLA phải thực hiện những cải cách toàn diện để có xây dựng được một lực lượng tác chiến toàn cầu. Với ngân sách quốc phòng năm 2017 ước tính lên đến 200 tỷ USD, mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là đẩy mạnh phát triển công nghệ quân sự hiện đại. Hồi đầu năm, Bắc Kinh thành lập ủy ban Phát triển quân sự – dân sự do đích thân ông Tập điều hành. Ủy ban tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng cũng như các chiến thuật, chiến lược quân sự mới. Chỉ trong vòng 10 năm, lãnh đạo Trung Quốc đã khởi động các chương trình chế tạo tàu nổi và tàu ngầm, trong đó có cả tuần dương hạm và tàu sân bay nhằm tập trung nâng cao năng lực viễn chinh và khả năng vận chuyển vũ khí trong khoảng cách rất xa. Tháng 7/2017, hải quân PLA điều tàu đổ bộ cơ động (MLP) Donghaido và tàu vận tải đổ bộ Type 071 để hỗ trợ việc xây dựng căn cứ nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc tại Djibouti, châu Phi. Việc chế tạo thành công MLP được coi là thành tựu quan trọng của Trung Quốc, bởi trước đó Mỹ là nước duy nhất thiết kế được loại tàu chiến này. Trên thực tế, Donghaido là một đơn vị hải quân độc lập, có thể trở thành chỗ đứng chân để tập kết lực lượng trên vùng biển đối phương. Trung Quốc đang hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên 001A và được kỳ vọng sở hữu một hạm đội tàu chiến uy lực này vào năm 2035. Tàu sân bay thứ 3 của Bắc Kinh sẽ sở hữu nhiều thiết bị hiện đại như hệ thống phóng điện từ, động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhiều công nghệ tiên tiến khác và có thể mang được nhiều máy bay chiến đấu hơn, hoạt động dài ngày trên biển hơn 001A. Ngày 03/07/2018, hai tầu khu trục mới Type 055 đã được hạ thủy tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Đây là loại tầu đa năng, có khả năng phòng không tầm xa, chống ngầm và trên bộ. Trang Defense News cho biết hai tầu khu trục này có thiết kế rất giống với chiến hạm Aegis của Mỹ. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc đang dự định tăng 25% quân số trong vòng 5 năm tới, riêng lực lượng thủy quân lục chiến sẽ tăng gấp 5 lần từ 2 lữ đoàn khoảng 20.000 quân lên 10 lữ đoàn khoảng 100.000 quân.

Thứ hai, Trung Quốc đã không ngừng bồi đắp, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu cấp tập tăng cường xây dựng, tôn tạo và bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tốc độ chóng mặt trung bình cứ mỗi ngày ngủ dậy Trung Quốc đã xây dựng thêm 96,5m2 diện tích Biển Đông. Những hành động này đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì đã phá vỡ lòng tin và những nỗ lực giải quyết tranh chấp, kiến tạo hòa bình của các bên, đồng thời tàn phá môi trường sinh thái và đe dọa an toàn hàng hải ở khu vực. Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Theo Giáo sư Edgado Gomez (Philippines) ước tính rằng với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven biển trong khu vực Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm, gây tác động tiêu cực xuyên biên giới. Ngoài ra, trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển. Tại Hoàng Sa, các hình ảnh vệ tinh đều cho thấy Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm. Tại Đảo Bắc, Trung Quốc đã triển khai san ủi mặt đất và có thể chuẩn bị xây một cảng biển mà các nhà chuyên môn tin là nó được sử dụng để yểm trợ cho các cơ sở quân sự. Đáng chú ý nhất là tại đảo Phú Lâm, hoạt động bồi đắp, xây dựng quy mô của Trung Quốc đang dần biến đảo này trở thành tiền đồn do thám và thu thập thông tin tình báo phục vụ tham vọng mở rộng các căn cứ quân sự của nước này gần đảo Hải Nam. Tại Trường Sa, Trung Quốc đã nhiều lần công khai về hoạt động bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa tại các đảo nhân tạo. Theo trang tin DWNews đưa tin cuối tháng 11/2017, một số trang mạng quân sự Trung Quốc đăng tải phác đồ mới nhất về mở rộng đảo nhân tạo phi pháp trên bãi đá Su Bi mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Theo đó, đảo nhân tạo được chia thành 2 khu vực quân sự và dân sự. Đá Su Bi vốn là rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26 km về phía Tây Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 1988. Hiện nay tại Su Bi, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng 3.250m x 55m, dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông có thể cất hạ cánh các máy bay vận tải hạng trung và máy bay chiến đấu. Báo chí Trung Quốc cho rằng, sân bay ở Su Bi cùng với các sân bay ở Phú Lâm, Chữ Thập và Vành khăn tạo thành cụm sân bay hình chữ “phẩm” trên Biển Đông. Các loại công trình, cơ sở thiết bị trên đảo đã cơ bản hoàn thành. Hiện Trung Quốc vẫn đang thường xuyên duy trì các tàu công trình lớn hoạt động tại lòng hồ phía bên trong đảo; thời điểm nhiều nhất có tới hơn 10 chiếc tiếp tục hút và phun cát để bồi đắp, mở rộng thêm diện tích. Tại đá Chữ Thập, theo Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy giai đoạn kế tiếp của việc xây dựng các hạ tầng cần thiết cho các căn cứ hải quân và không quân lớn hơn. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống rađa ở phía Bắc đá Chữ Thập. Ý định của Trung Quốc muốn biến thực thể nhân tạo này thành một tiền đồn lưỡng dụng phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự như đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập lên tới hơn 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay dọc đường băng chính. Trên đá Vành Khăn, theo các số liệu theo dõi, đến tận cuối năm 2015, đá Vành Khăn vẫn chỉ là một bãi đá nửa nổi nửa chìm, song chỉ trong vòng 2 năm, đến nay, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn thành một đảo nhân tạo lớn với đầy đủ các công trình như đá Subi. Trung Quốc còn xây thêm hầm chứa đạn, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và rađa. Thâm chí, mới đây, Trung Quốc cũng không ngại thừa nhận đưa chiến đấu cơ J-11 ra Biển Đông và trình làng một tàu nạo vét biển hiện đại.

Thứ ba, Trung Quốc tăng cường xây dựng các căn cứ ở vùng biển bên ngoài. Tân Hoa xã đưa tin, Tư lệnh Hải quân PLA, Phó đô đốc Thẩm Kim Long hôm 11/7/2017 đã đọc quyết định về việc xây dựng căn cứ tại Djibouti rồi trao quân kỳ cho đội tàu. Theo hãng tin Bloomberg, căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài này, rất có thể sẽ là khởi đầu cho nhiều căn cứ quân sự khác mà Trung Quốc sẽ thiết lập khắp thế giới. Tại căn cứ này có nhiều cơ sở hạ tầng quân sự, như trại lính, các đơn vị bảo trì, nhà kho và các bến tàu có thể tiếp nhận hầu hết các tàu của hạm đội Trung Quốc. Nói cách khác, căn cứ ở Djibouti có thể sẽ được Trung Quốc dùng để tung lực lượng ra vùng bắc châu Phi, cũng như củng cố vị thế của họ ở vùng Ấn Độ Dương. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, căn cứ Djibouti cùng với những chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân đến cảng nước ngoài đã phản ánh mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như sự mở rộng tầm với của lực lượng vũ trang nước này. Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cũng cho biết, một căn cứ mới sẽ đặt tại cảng Jiwani, khu vực Gwadar, bờ biển phía nam Pakistan, nằm gần với biên giới Iran. Trước đó, tờ Daily Caller cũng dẫn nguồn tin cho biết, một nhóm 16 sĩ quan quân đội Trung Quốc đã có cuộc gặp với khoảng 10 nhân vật cấp cao của Pakistan vào tháng 12/2017 ở Jiwani, điều dường như chỉ ra Bắc Kinh đang xúc tiến việc xây dựng căn cứ ở khu vực này. Đối với Ấn Độ, việc xây dựng cơ sở này làm gia tăng mối quan ngại rằng Bắc Kinh đang mở rộng “chuỗi hạt ngọc trai”, tạo điều kiện cho hoạt động giám sát đối với Vùng Vịnh và các lãnh thổ phía Tây Ấn Độ.

Thứ tư, Trung Quốc đẩy mạnh hoàn thiện hành lang pháp lý về biển. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949 đến nay, Đảng và Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng tăng cường phát triển sự nghiệp biển nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Trung Quốc đã cho ban hành nhiều văn kiện mang tính 4 chiến lược định hướng cho sự nghiệp phát triển biển như: Cương yếu chính sách và công tác biển Trung Quốc thập niên 90 được thông qua tại Hội nghị công tác biển toàn quốc năm 1991; Chính sách kỹ thuật biển năm 1993; Quy hoạch khai thác biển toàn quốc năm 1995; Cương yếu phát triển kinh tế xã hội quốc dân giai đoạn 5 năm lần thứ 9 và tầm nhìn 2010 năm 1996; Chương trình biển Trung Quốc thế kỷ 21 năm 1996; Chính sách biển Trung Quốc năm 1998; Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc năm 2003; Cương yếu quy hoạch phát triển sự nghiệp biển quốc gia năm 2008… Và để hiện thực hóa những chủ trương, phương hướng chỉ đạo trong các văn kiện này, nhằm quy hoạch hoạt động khai thác biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, Trung Quốc đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật về biển, đảo như “Luật Bảo vệ môi trường biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Luật An toàn giao thông trên biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Luật sử dụng quản lý các vùng biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”… Bên cạnh các văn bản luật, pháp luật Trung Quốc về biển, đảo còn gồm hệ thống các văn bản dưới luật như các Điều lệ, biện pháp hướng dẫn thi hành luật như Thông tư về tăng cường thúc đẩy công tác sử dụng quản lý các vùng biển, Biện phápđăng ký quyền sử dụng các vùng biển, Quy trình kỹ thuật giám sát chất lượng sinh vật biển…

Tác động lớn đến hòa bình an ninh khu vực và quốc tế

Mặc dù còn nhiều hạn chế và thách thức, song quyết tâm phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc là không thay đổi và chiến lược trở thành cường quốc biển là một chiến lược lâu dài mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Điều này đưa đến một số tác động và hệ lụy quan trọng đối với khu vực và Việt Nam. Đối với khu vực, tác động lớn nhất của việc Trung Quốc vươn lên thành cường quốc biển và mở rộng ảnh hưởng ra biển là làm thay đổi trật tự địa – chính trị khu vực với các hệ lụy và biểu hiện sau: Thứ nhất là làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực. Tuy trong ngắn hạn và trung hạn các nước trong khu vực có thể điều chỉnh để lấy lại cân bằng nhưng về lâu dài, xu thế cán cân bị lệch có thể gây bất ổn định cho môi trường hòa bình của khu vực, khiến các quốc gia cảm thấy bất an phải gia tăng tiềm lực quốc phòng hoặc liên minh, liên kết để lấy lại trạng thái cân bằng của khu vực. Thứ hai là cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn, hiệu lực luật pháp quốc tế suy giảm. Thực hiện chiến lược phòng vệ biển gần, Trung Quốc sẽ phải tìm cách “đẩy” Mỹ ra khỏi bờ Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tất yếu sẽ dễ sinh ra va chạm với các nước lớn khác, làm gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, ảnh hưởng của chính trị cường quyền, “ngoại giao pháo hạm” sẽ gia tăng, vai trò của các thể chế quốc tế, luật pháp quốc tế và các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực sẽ bị thách thức. Thứ ba là gia tăng chi tiêu quốc phòng. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng tiềm lực quốc phòng sẽ có tác động dây chuyền làm gia tăng chi tiêu quốc phòng của các nước láng giềng, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Tuy chưa tới mức chạy đua vũ trang, việc gia tăng nhanh chóng chi tiêu quốc phòng ở khu vực cũng báo hiệu các xung đột hoặc sự cố rất dễ xảy ra. Thứ tư là đe dọa an ninh, an toàn hàng hải. Trung Quốc sẽ tìm cách bảo vệ và kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch từ Hoa Đông và Biển Đông qua Malacca đi Trung Đông, thách thức vai trò của Mỹ và Ấn Độ, có thể ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải khu vực. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy trước mắt Trung Quốc có thể sẽ chưa dám thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ khi Mỹ không đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia và các tuyến thương mại huyết mạch trên biển của Trung Quốc. Cùng tồn tại với đổi thủ chính và cùng cạnh tranh để mưu cầu lợi ích khi còn có thể đang là cách mà Trung Quốc triển khai chiến lược cường quốc biển của họ. Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc sẽ muốn đẩy Mỹ và các đối thủ khác ra khỏi khu vực Biển Đông. Những hành động của Trung Quốc đang làm ở Biển Đông giống như những gì mà hải quân Mỹ đã làm trong thế kỷ 19 để kiểm soát vùng Caribe và vịnh Mexico, tạo nên địa vị thống trị của Mỹ ở Tây bán cầu và gia tăng mạnh mẽ vị thế của Mỹ là một siêu cường thế giới. Những điều Trung Quốc đang tìm kiếm không phải là để đương đầu với hải quân Mỹ – một cuộc chiến mà Trung Quốc không thể giành chiến thắng hiện nay – mà là gây sức ép nhằm đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực. Sức mạnh của hải quân không nằm ở một chiếc tàu chiến đơn lẻ, mà nằm ở hạm đội tàu. Trung Quốc đang phát triển hạm đội mặc dù hiện vẫn còn khoảng cách khá xa so với Mỹ. Trong bối cảnh đó, nguy cơ nảy sinh những tình huống đối đầu là hiện hữu, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Thứ năm là gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việc Trung Quốc tăng cường triển khai chiến lược trở thành cường quốc biển sẽ có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là thương mại, và tăng cường hợp tác biển quốc tế.Việc gia tăng đầu tư cho ngành đóng tàu và các dịch vụ biển giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi hóa cho thương mại qua đường biển, giúp thương mại phát triển. Bản thân các ngành kinh tế biển được đầu tư cũng góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành kinh tế quốc nội khác phát triển theo. Khi Trung Quốc và các nước trong khu vực cùng tăng cường năng lực biển thì hợp tác biển sẽ ngày càng phát triển, như hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác phòng chống tội phạm trên biển, hợp tác cùng khai thác, cứu trợ cứu nạn. 

RELATED ARTICLES

Tin mới