Vị tổng thống doanh nhân đã đi trước một bước trong việc tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng Mỹ trong cuộc chiến thương mại…
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng cao nhất trong 18 năm trở lại đây
Ngày 25/9 Tổ chức tư vấn kinh tế Conference Board cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã tăng lên 138,4 điểm trong tháng 9/2018, so với mức 134,7 ghi nhận hồi tháng 8/2018 và là mức cao nhất trong 18 năm qua.
Niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng cao khi các hộ gia đình lạc quan hơn về thị trường lao động và “sức khỏe”của nền kinh tế.
Đây là chỉ số khả quan nhất từ tháng 9/2000 và sát với mức kỷ lục từ trước đến nay là 144,7 điểm.
Người tiêu dùng Mỹ dường như rất xem nhẹ tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Trong tháng 9/2018, các hộ gia đình đã lên kế hoạch mua sắm nhiều thiết bị gia dụng, ô tô và nhà.
Điều đó cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã có niềm tin vào chính sách của chính phủ trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ với các đối tác gia tăng, mà cơ sở là những yếu tố quyết định chất lượng tiêu dùng.
Thứ nhất, tăng trưởng trong các lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, những lĩnh vực có ảnh hưởng nhất tới chất lượng sống của người dân Mỹ – chất lượng tiêu dùng – có mức tăng trưởng mạnh.
Theo kết quả khảo sát do Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) công bố ngày 6/9 cho thấy có tới 16/17 lĩnh vực dịch vụ báo cáo tăng trưởng trong tháng 8/2018, dẫn đầu là xây dựng, vận tải, thương mại bán lẻ và dịch vụ giáo dục.
Thứ hai, việc làm được tạo ra nhiều hơn dưới thời chính quyền Trump, khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện duy trì ở mức siêu thấp 3,9%, trong khi hầu hết các nhà kinh tế còn cho rằng có thể giảm hơn nữa vì tốc độ tuyển dụng vẫn rất mạnh.
Kích thích vay tiêu dùng sẽ gây áp lực lên việc trả nợ của người lao động, song khi việc làm gia tăng và ổn định thì bài toán tài chính trong thu – chi của hộ gia đình dường như đã có lời giải.
Thứ ba, thu nhập thực tế của người lao động Mỹ tăng, một phần do chế độ thù lao tăng, một phần do giá trị đồng USD tăng cao trong thời gian vừa qua, điều đó có thể bù cho những thiệt hại vì giá cả tăng bởi chính sách tăng thuế nhập khẩu của Trump.
Theo các nhà phân tích về lao động và tiền lương, điểm đáng chú ý là mức lương tính theo giờ trung bình trả người sử dụng lao động trả cho người lao động ở Mỹ đã tăng 10 cents trong tháng 7/2018 – mức tăng mạnh nhất trong vòng 9 năm.
Như vậy, khi niềm tin tiêu dùng tăng cao, khả năng mua sắm và chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng khiến cho kinh tế tiêu dùng có thể tăng tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng, từ đó tiếp tục làm gia tăng sự lệch pha của nền kinh tế Mỹ.
Chính sách tạo việc làm của Trump đã có kết quả tốt |
Người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại?
Giới chuyên gia kinh tế nhận định việc làm ổn định và thu nhập tăng khiến cho các hộ gia đình Mỹ dường như có một bước đệm tài chính trước khi đón nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với giá cả tăng cao vì hàng rào thuế quan mà Trump dựng lên.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự thật không hẳn như vậy, bởi tác động từ hàng rào thuế quan của chính quyền Trump khiến cho giá cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ gia tăng mạnh hơn mức độ tăng thu nhập của người lao động Mỹ.
Do vậy, việc người tiêu dùng Mỹ sẵn sàng mua sắm với giá cả đắt đỏ hơn – cũng được xem là ủng hộ Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại – nằm ở chính sách kích thích cho vay không hạn chế của vị tổng thống doanh nhân.
Ngay sau khi nhậm chức, trong cuộc họp với các CEO của những tập đoàn lớn hồi tháng 4/2017, Tổng thống Trump đã thông báo sẽ tìm cách phá bỏ nhiều điều khoản của Đạo luật Cải cách phố Wall Dodd-Frank vốn thắt chặt việc cho vay.
“Chúng tôi sẽ phá bỏ những quy định kinh khủng đang áp đặt lên các bạn. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho ngành ngân hàng để có thể cho bất cứ ai cần đều có thể vay tiền. Quy định cần chặt chẽ, nhưng không phải là bóp nghẹt”, The New York Post tường thuật.
Trong khi chính sách của Mỹ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên gia tăng nợ quốc gia, vì vậy việc kích thích cho vay không giới hạn đã khiến cho nợ quốc gia của Mỹ dười thời chính quyền Trump tăng nhanh.
Nhiều nhận định rằng, qua việc kích vay tiêu dùng không giới hạn – cũng khiến gia tăng trách nhiệm nợ cá nhân – dường như nợ công không quan trọng với vị tổng thống Mỹ thứ 45, mà nâng cao chất lượng sống của người dân mới là quan trọng.
Song thực chất người dân Mỹ vẫn đang mua sắm bằng nợ vay chứ không hẳn bằng thu nhập |
Nhưng theo giới phân tích thì thực ra vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ đã đi trước một bước nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng Mỹ đối với việc tạo hàng rào thuế quan, gây ra xung đột thương mại, nhất là với Trung Quốc.
Bởi hệ quả từ chính sách thuế quan của Trump khiến giá cả hàng hoá nhập khẩu tăng cao, làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Song khi việc chi tiêu được kích thích bằng cho vay không giới hạn thì phản ứng bất lợi từ người tiêu dùng Mỹ được giảm thiểu.
Với việc chi tiêu hộ gia đình đóng góp tới 2/3 cho tăng trưởng, nếu niềm tin tiêu dùng không được xác lập thì Tổng thống Trump có thể nhận thất bại trong bất cứ cuộc chiến thương mại nào, vì vậy ông đã phải chạy chỗ trước.
Như vậy, dường như người dân Mỹ đang hy sinh lợi ích để phục vụ cho chính sách của vị tổng thống doanh nhân và trong bối cảnh hiện nay thì niềm tin tiêu dùng tăng cao chưa hẳn là một hiệu ứng tích cực với đời sống kinh tế – xã hội Mỹ.