Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Việt Nam tránh tổn thương thế nào?

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Việt Nam tránh tổn thương thế nào?

Việt Nam với tính cách là một nền kinh tế mở, không tránh khỏi tác động dài hơi, nhiều chiều.

Ngày 29/9, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị báo cáo chuyên đề “Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đến kinh tế TP.HCM”.

Tại hội nghị, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cuộc chiến giữa hai nước nên tác động trực tiếp đến hai nền kinh tế.

Tuy nhiên, do đây là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới nên sẽ tác động đến toàn cầu, tác động đến tất cả các nước, đặc biệt là những nước như Việt Nam với độ mở kinh tế rất cao và Trung Quốc, Mỹ lại là hai đối tác quan trọng bậc nhất trong làm ăn kinh tế của Việt Nam.

“Nếu cuộc chiến xảy ra trong thời gian ngắn hạn thì tác động về thương mại là chưa nhiều. Còn về dài hạn, nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang thì thương mại chịu tác động tiêu cực nhiều hơn. Bởi vì cuộc chiến này sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới.

Từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, mà xuất khẩu lại là một trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Thành nhận định và cho rằng Việt Nam cần có cái nhìn thận trọng về vấn đề thương mại.

Về đầu tư, ông Thành lạc quan khi cho rằng có thể hy vọng dòng đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển về Việt Nam. Song, ông cũng lưu ý yếu tố ổn định lâu dài trong thu hút đầu tư. Nếu không, đến thời điểm Mỹ và Trung Quốc dừng cuộc chiến thương mại, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia bị cho là “dư thừa”?

Ngoài ra, tác động đến chính sách tiền tệ, tỉ giá, thị trường chứng khoán cũng là thách thức cực kỳ lớn.

“Việt Nam với tính cách là một nền kinh tế mở, không tránh khỏi tác động dài hơi, nhiều chiều. Vì vậy, cần bám sát, nhìn nhận diễn biến với thái độ bình tĩnh để triển khai ứng phó với tinh thần linh hoạt trong ngắn hạn, nhất quán trong dài hạn”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ với quan điểm này, trước đó, tại tọa đàm “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và câu chuyện phía sau” do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức tại TP.HCM ngày 28/9, TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Đại học Fulbright Vietnam cho rằng, độ mở nền kinh tế của Việt Nam lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu của khối doanh nghiệp nước ngoài trên 70% nên dễ bị tổn thương trong cuộc chiến này.

Vì vậy, theo TS Vũ Thành Tự Anh, nền kinh tế Việt Nam cần phải tái cơ cấu lại, hạn chế dần phụ thuộc vào nước ngoài mà phải coi nội lực là chính. Đặc biệt, cần nuôi dưỡng sức cầu trong nước, đồng hành với doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn bởi đó là nhân tố thúc đầy lực cầu trong nước đi lên.

Thứ nữa, điều hành kinh tế vĩ mô cần xem xét lại tính lính hoạt trong thay đổi tỉ giá. Khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Việt Nam có nên khư khư không phá giá theo không? Điều hành về tiền tệ Việt Nam trong bối cảnh này cần linh hoạt hơn chứ không thể theo mô típ cũ.

RELATED ARTICLES

Tin mới