Trung Quốc tuyên bố chùm tia laser từ vệ tinh mà họ đang chế tạo có khả năng phát hiện cả tàu ngầm hoạt động ở độ sâu 500 m.
Các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển vệ tinh sử dụng công nghệ laser dùng trong tác chiến chống ngầm, được cho là có thể phát hiện mục tiêu hoạt động ở độ sâu 500 m, SCMP hôm nay đưa tin. Đây được cho là độ sâu tối đa mà hầu hết các tàu ngầm quân sự trên thế giới có thể vươn tới.
Đây là dự án nghiên cứu mới nhất thuộc chương trình tăng cường năng lực giám sát biển sâu Guanlan của Bắc Kinh, được khởi động từ hồi tháng 5. Ngoài năng lực phát hiện tàu ngầm, vệ tinh này cũng được cho là có thể thu thập dữ liệu đại dương trên mọi vùng biển của thế giới.
Phòng thí nghiệm quốc gia về khoa học và công nghệ biển tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông là đơn vị đảm trách nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế vệ tinh, nhưng các linh kiện chính của nó hiện được sản xuất tại hơn 20 viện nghiên cứu và đại học trên toàn Trung Quốc.
Trên lý thuyết, nguyên lý hoạt động của vệ tinh laser dựa trên sự phản xạ chùm tia laser từ thân tàu ngầm. Các tia laser phản xạ này sẽ được các bộ cảm biến thu thập và phân tích bằng máy tính để xác định vị trí, tốc độ cũng như hình dạng của tàu.
Giới khoa học Trung Quốc hiện tỏ ra rất tin tưởng vào dự án bởi ánh sáng Mặt trời không thể xuyên qua độ sâu quá 200 m dưới mặt biển, trong khi một tia laser nhân tạo công suất cao có thể sáng gấp một tỷ lần Mặt trời.
“Nếu vệ tinh được phát triển theo đúng kế hoạch, nó sẽ khiến mặt biển ít nhiều trở nên trong suốt. Nó gần như sẽ thay đổi mọi thứ”, một nhà khoa học tham gia dự án tuyên bố.