Ông Dmitry Tsymlyakov – Thiết kế trưởng Viện thiết kế Trung ương Almaz cho biết về tính năng của tàu tên lửa lớp Karakurt Đề án 22800 và khách hàng tiềm năng, trong đó có Việt Nam.
Chúng tôi xin lược trích bài trả lời phỏng vấn trên trang sudostroenie.info của ông Dmitry Tsymlyakov – Thiết kế trưởng Viện thiết kế Trung ương Almaz.
– Thưa ông Dmitry Tsymlyakov, lý do vì sao dẫn đến quyết định chế tạo tàu tên lửa lớp Karakurt cỡ nhỏ Đề án 22800?
– Nguyên nhân chính là việc chế tạo các khinh hạm thuộc đề án 11356 bị đình trệ do phía Ukraine từ chối cung cấp các động cơ turbine khí, sau sự kiện vào mùa xuân năm 2014.
Lý do thứ hai là việc đội tàu chiến của chúng ta đang trở nên già cỗi. Đề án 22800 nhằm thay thế các tàu tên lửa cỡ nhỏ thuộc Đề án 1241 lớp Molniya (NATO định danh là lớp Tarantul) và đề án 1234 lớp Gadfly (NATO định danh là lớp Nanuchka). Những chiếc tàu tên lửa lớp Nanuchka cuối cùng được đóng vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Do vậy, xét đến các thông số về kích thước, lượng giãn nước, tốc độ thì các tàu này gần tương đương nhau. Chúng cũng cùng thực hiện nhiệm vụ giống nhau.
– Về khả năng hoạt động và động cơ, có gì khác biệt giữa lớp Karakurt và Nanuchka?
– Để đẩy nhanh quá trình thiết kế với Đề án 22800, tương tự như ở các tàu thuộc Đề án 1234, 1 động cơ nội địa dựa trên động cơ diesel M507 (với một số bộ phận được tối ưu hóa) đã được sử dụng.
Nhằm giúp con tàu đạt được tốc độ tối đa có thể, việc bố trí trên lớp Karakurt được “mượn” phần lớn từ lớp Nanuchka.
Tuy nhiên, do sử dụng dạng thân tàu khác nhau, chúng tôi đã kiểm soát được độ ổn định khi đi biển và giải quyết các vấn đề liên quan đến độ nghiêng trục lớn của thân tàu. Trên lớp Nanuchka, độ nghiêng trục lớn đã gây ra mức độ rung lắc lớn khi tàu di chuyển.
Ở lớp Karakurt, góc nghiêng của thân tàu nằm trong giới hạn cho phép, giúp giảm độ rung lắc khi di chuyển.
– Ông có thể giới thiệu về vũ khí trên mẫu tàu mới này?
– Hiện tại, các tổ hợp Kalibr đang trở thành vũ khí tiêu chuẩn trên đội tàu của chúng ta, bao gồm cả việc sử dụng trong các nhiệm vụ chiến lược. Mẫu tàu này cũng sử dụng pháo hạm AK-176MA tiên tiến với việc sử dụng hệ thống quang điện cho phép cải thiện độ chính xác của từng phát bắn.
Kể từ loạt tàu thứ 2, các tàu thuộc Đề án 22800 sẽ được trang bị tổ hợp pháo và tên lửa phòng không Pantsir-M.
– Tổ hợp phòng không Pantsir sẽ được lắp đặt trên các tàu tiếp theo của đề án này?
– Vâng, trên tất cả các tàu tiếp theo. Ít nhất tôi cho là như vậy.
Mọi thứ khác đều phù hợp với quan điểm của quân đội về loại vũ khí được sử dụng. Do đó, đề án này sử dụng các thiết bị vô tuyến, hệ thống định vị và liên lạc hiện đại.
– Các tàu lớp Karakurt có khác gì so với các đề án tàu nội địa khác?
– Một trong những điểm nổi bật của đề án này là việc thay thế gần như hoàn toàn các thiết bị nhập khẩu. Để loại trừ các vấn đề cấm vận, thiết bị nhập khẩu được giảm đến mức tối thiểu.
Hiện tại, chúng tôi chỉ sử dụng một số mặt hàng nhập khẩu. Đây chủ yếu là các thiết bị gia dụng cho thủy thủ đoàn như: máy giặt, tủ lạnh, bếp, bồn rửa, máy pha cà phê, máy xay cà phê,… Tất cả các thiết bị quan trọng đều là hàng nội địa.
– Đề án 22800 được bắt đầu vào khi nào?
– Vào đầu tháng 04 năm 2015, tôi được bổ nhiệm làm giám đốc thiết kế của dự án và từ đó các hạng mục quan trọng được tiến hành: bao gồm thiết kế tuyến hình, đồ họa,…
– Thời hạn chót khá là gấp rút…
– Thiết kế kỹ thuật sơ bộ đã sẵn sàng chỉ trong 6 tuần. Điều này được thực hiện để đưa ra những đặc điểm chung nhất của con tàu, xác định các thiết bị chính sẽ lắp đặt và sau đó nhận phản hồi từ phía khách hàng (Hải quân Nga) để tiếp tục công việc.
Đến cuối năm 2015, thiết kế kỹ thuật của con tàu đã được hoàn tất. Sau đó, bản vẽ thân tàu và thông số kỹ thuật của con tàu đầu tiên đã được chuyển cho nhà máy Pella. Kết quả sau đó là chỉ mất 3 năm kể từ khi quyết định chế tạo đến khi con tàu ra biển thử nghiệm. Chúng tôi chưa bao giờ đóng 1 tàu chiến nhanh đến như vậy.
Ngay cả với 1 đề án tương tự là lớp Buyan-M, Viện thiết kế Zelenodolsk và nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã phải làm việc lâu hơn. Chưa kể đến việc họ phát triển nó dựa trên cơ sở đã có sẵn là đề án 21630.
– Vậy chiếc tàu đầu tiên của lớp Karakurt hiện thế nào?
Hiện con tàu đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm cấp nhà máy. Và tôi hy vọng đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 nó sẽ được thử nghiệm cấp quốc gia.
– Kế hoạch bàn giao tàu là khi nào?
– Vào cuối năm 2018.
– Dựa vào việc trưng bày tại ARMY 2018, Karakurt là một trong những sản phẩm xuất khẩu tốt của chúng ta. Biến thể xuất khẩu – đề án 22800E có gì khác biệt?
– Nó hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Nếu khách hàng muốn lắp đặt các loại thiết bị vô tuyến hoặc thông tin liên lạc của riêng họ thì chúng tôi cũng làm được.
Về động cơ, chắc chắn họ sẽ muốn một thứ gì đó của riêng mình. Chúng tôi xem xét khả năng lắp đặt động cơ diesel MTU 20V4000 với công suất 4300kW.
– Chỉ với tên lửa. Tầm bắn của tên lửa bị giới hạn bởi hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa. Ngoài ra, tổ hợp Pantsir cũng thuộc phiên bản xuất khẩu.
– Những quốc gia nào quan tâm đến đề án 22800E?
– Mối quan tâm là rất lớn. Về phía các đối tác truyền thống trong lĩnh vực hợp tác quân sự – kỹ thuật có Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi cũng tin vào sự quan tâm đến từ Indonesia, Algeria và các quốc gia Vùng Vịnh.