Saturday, July 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Giấc mộng Trung Hoa” và ảnh hưởng của nó tới tình...

“Giấc mộng Trung Hoa” và ảnh hưởng của nó tới tình hình an ninh thế giới, khu vực

“Giấc mộng Trung Hoa” là chủ thuyết nhằm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nước lớn “số 1 thế giới” vào giữa thế kỷ 21. Nói số 1 thế giới, theo giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận, có nghĩa là quốc gia đó phải thể hiện được những giá trị vô địch của mình.

Lịch sử cận đại và hiện đại của Trung Quốc cho thấy một quy luật là cứ mỗi khi Đảng Cộng sản Trung Quốc có thay đổi về người đứng đầu đảng và quốc gia thì những lãnh tụ đó lại đưa ra một chủ thuyết hay học thuyết nào đó để “vạch đường tiến lên” cho đất nước. Thời Mao Trạch Đông có “Đại nhảy vọt”, thời Đặng Tiểu Bình có “Bốn hiện đại hóa”, thời Giang Trạch Dân có “Ba đại diện”, thời Hồ Cẩm Đào có “Trỗi dậy hòa bình” và nay, thời Tập Cận Bình có “Giấc mộng Trung Hoa”. Dường như các lãnh tụ đó muốn ghi dấu ấn của mình cho lịch sử bằng các chủ thuyết hay học thuyết đó và nó, dường như có sự kế thừa lẫn nhau và đương nhiên, trở thành sản phẩm của cả hệ thống chính trị đương thời bởi ý chí chính trị của người đứng đầu. Hiện nay, “Giấc mộng Trung Hoa” đang là vấn đề thời sự chiến lược được cả thế giới quan tâm. Bởi dưới sự điều hành của lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ thuyết này có thành công không, được thực hiện ra sao và nhất là, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình an ninh thế giới, khu vực.

Sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ 18 kết thúc không lâu với người đứng đầu là Tổng Bí thư Tập Cận Bình, ngày 29/11/2012, trong một dịp cùng với các lãnh đạo Trung Quốc tham quan triển lãm với chủ đề “con đường phục hưng” được tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Tập Cận Bình đã lần đầu tiên nói tới việc phục hưng dân tộc Trung Hoa với thuật ngữ “Giấc mộng Trung Hoa”. Tiếp đó, ngày 17/3/2013, trên cương vị Chủ tịch nước, đọc diễn văn trước phiên họp bế mạc kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội), ông Tập đã chính thức tuyên bố trước toàn đảng, toàn dân về “Sự nghiệp phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” gọi tắt là “Giấc mộng Trung Hoa” và ngay sau đó, tháng 4/2013, “Giấc mộng Trung Hoa” được Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn phát động tuyên truyền học tập trong toàn đảng. Thực ra, thuật ngữ trên không phải là sáng tác của ông Tập, vì trước đó, một học giả Trung Quốc là Đại tá quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, ông Lưu Minh Phúc đã đề cập đến nó trong một tác phẩm của mình để phản ánh mơ ước của người Trung Quốc một ngày nào đó sẽ khôi phục được lịch sử huy hoàng của nền văn minh Trung Hoa cách đây trên 2.000 năm, đưa Trung Quốc trở thành “số 1 thế giới” và trước đó nữa, nó còn là giấc mộng trăm năm của ba nhà lãnh đạo Trung Quốc là Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Thế nhưng, nội hàm “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình có nhiều điểm khác với Lưu Minh Phúc. Đó là xây dựng Trung Quốc trở thành một đất nước thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và có nhân dân hạnh phúc. Nội hàm này được cụ thể hóa bằng hai mục tiêu 100 năm (song bách), gồm: 1/ Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921 – 2021), hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện; 2/ Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949 – 2049), hoàn thành xây dựng Trung Quốc phát triển toàn diện, đầy đủ. Đó là một Trung Quốc hùng mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học công nghệ, văn minh (trong đó là tự do, bình đẳng, công bằng, giàu văn hóa, cao đạo đức) hài hòa (trong đó là hài hòa vùng miền, giai cấp, dân tộc) và sạch đẹp (trong đó là sạch sẽ và ít ô nhiễm môi trường). Nếu chỉ với nội hàm và mục tiêu như trên thì quốc gia nào, nhà lãnh đạo nào chẳng mong muốn cho đất nước, dân tộc mình, thế giới có gì phải lo lắng và quan tâm. Vậy bản chất của “Giấc mộng Trung Hoa” là gì?

Nghiên cứu sâu về vấn đề trên, có rất nhiều học giả tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Bài nghiên cứu này, xin đưa ra một góc nhìn của cá nhân.

Có thể khẳng định, “Giấc mộng Trung Hoa” là chủ thuyết nhằm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nước lớn “số 1 thế giới” vào giữa thế kỷ 21. Nói số 1 thế giới, theo giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận, có nghĩa là quốc gia đó phải thể hiện được những giá trị vô địch của mình. Đó là: 1/ Thúc đẩy nền văn minh toàn cầu có tiến bộ mới, thúc đẩy xã hội loài người bước sang một giai đoạn tiến hóa mới; 2/ Mở ra thời đại mới cho lịch sử, thời đại thông tin nhân loại; 3/ Thiết lập trật tự thế giới mới bao gồm hệ thống kinh tế mang tính thế giới, hệ thống tư tưởng mang tính thế giới, hệ thống quân sự mang tính thế giới và hệ thống quy tắc, cơ chế mang tính thế giới; 4/ Dẫn dắt trào lưu mới toàn cầu; 5/ Lập kỳ tích phát triển mới; 6/ Thiết lập mô hình mới ưu việt; 7/ Của cải tăng lên đứng đầu thiên hạ. Với 7 giá trị vô địch như trên, bản chất của nước lớn số 1 thế giới lại là “nhà lãnh đạo thế giới”, là “lãnh tụ” của thế giới, là người lãnh đạo, quản lý và thống trị thế giới. Người Trung Quốc không giấu diếm rằng “chiến lược lãnh tụ lãnh đạo thế giới là giai đoạn cao nhất và ranh giới cao nhất của chiến lược lớn Trung Quốc, cũng là cống hiến vĩ đại của chiến lược lớn Trung Quốc đối với đất nước Trung Quốc và thế giới”. Như vậy, có thể nói rằng, nếu “Giấc mộng Trung Hoa” được thực hiện thành công, Trung Quốc sẽ hoàn toàn có thể tạo điều kiện và môi trường chiến lược tốt hơn để giải quyết những vấn đề cụ thể ở Trung Quốc từ xuất phát điểm và cấp độ cao hơn và dự báo Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thế giới ở cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực sau:

Ở chiều hướng tích cực, nếu bỏ qua ấn tượng và khả năng tiềm tàng về chủ nghĩa dân tộc nước lớn và tư tưởng bá quyền thì một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hùng mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học công nghệ, văn minh, hài hòa và sạch đẹp thì chẳng khác gì đây là một hình mẫu lý tưởng, một thiên đường nhỏ trên trái đất, một tấm gương tiêu biểu, thuyết phục, lôi kéo nhân loại học tập, bắt chước, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy loài người bước vào thời kỳ văn minh mới theo như nhận định của Mác, văn minh tiền Cộng sản chủ nghĩa, đúng theo xu hướng phát triển của trật tự hình thái xã hội. Các nước phát triển hiện nay sẽ buộc phải tự điều chỉnh trước một Trung Quốc hùng mạnh như vậy, trật tự thế giới sẽ thay đổi bởi người lãnh đạo sẽ là Trung Quốc. Các nước nhỏ và trung bình, các dân tộc đang và chậm phát triển có quyền hy vọng về một nhà lãnh đạo có đủ quyền lực và sức mạnh để bảo vệ hòa bình, phát triển, bênh vực và bảo đảm tạo điều kiện cho họ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tốt đẹp hơn trong một thế giới mà tính nhân văn cao hơn tính bạo tàn.

Còn ở chiều hướng tiêu cực, có ba vấn đề lớn: Thứ nhất, một Trung Quốc đã hùng mạnh, đã là số 1 thế giới, nhà lãnh đạo thì Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới theo phương cách nào. Sẽ thuyết phục hay áp đặt; sẽ làm gương hay đe dọa; sẽ coi trọng dân chủ, bình đẳng, bác ái hay cũng chỉ lấy các giá trị trên để che đậy cho bộ mặt thật của mình và có coi an ninh của người khác, nước khác như là an ninh của chính mình hay không. Những câu hỏi trên bắt buộc chúng ta phải xem lại Trung Quốc có quan điểm chủ nghĩa dân tộc nước lớn, có tư tưởng bành trướng, bá quyền hay không. Điều đáng buồn là lịch sử mấy ngàn năm của đế chế Trung Hoa cũng như lịch sử cận đại lại chỉ ra rằng, Trung Quốc đã từng có tham vọng và hành động như vậy. Người Trung Quốc đã từng tự hào họ là trung tâm của thế giới, các nước xung quanh chỉ là man, di, mọi, rợ; văn minh Trung Quốc mới là số một và nền văn minh đó bị mất địa vị thống trị chẳng qua do một vài thế hệ người Trung Quốc kém cỏi. Đây là lúc người Trung Quốc lấy lại những gì mình đã đánh mất và hiện nay đang là thời cơ chiến lược của họ. Như vậy, khi Trung Quốc đã lấy lại được địa vị đã mất thì thế giới chắc phải quay lại trật tự vốn có trước kia dưới một dạng thức khác. Đây chính là điều khó phủ nhận và nó ám ảnh các nước còn lại. Không nên hoàn toàn coi “thuyết Trung Quốc đe dọa” là không thể xảy ra.

Thứ hai, phần còn lại của thế giới có thừa nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc hay không, nhất là khi sự lãnh đạo đó chưa chắc là duy nhất đúng đắn bởi những vấn đề lớn của các quốc gia, dân tộc chẳng có vấn đề nào hoàn toàn giống nhau. Lúc đó, liệu Trung Quốc có chấp nhận sự tồn tại trong đa dạng, chấp nhận quyền tự quyết của các dân tộc hay bằng cách này hay cách khác buộc họ phải đấu tranh chống lại. An ninh thế giới, khu vực sẽ chẳng ngày nào được yên ổn.

Thứ ba, các nhân vật số 2, số 3 của thế giới này có chịu tuân theo hay chia sẻ với Trung Quốc không. Ngay từ bây giờ đã và đang diễn ra cuộc đua tranh quyết liệt giữa một bên quyết tâm giữ vững vị thế số 1 thế giới, bảo vệ trật tự hiện có với một bên quyết thay đổi trật tự, vị thế. Cuộc đua tranh này đã làm nảy sinh những ảnh hưởng khá lớn đến an ninh mọi mặt của thế giới. Chỉ riêng vấn đề kinh tế, sáu tháng đầu năm 2018, thế giới đã phải chịu ảnh hưởng lớn của tranh chấp thương mại Mỹ – Trung. Một số nước như Canada, Mexico, Liên minh Châu Âu đã đang phải hứng chịu thiệt hại do những chính sách kinh tế mang tính bảo hộ của Mỹ mà nguyên nhân sâu xa không phải chỉ vì các nước này gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Người Mỹ đang nhìn ra sự tụt hậu của họ về kinh tế so với Trung Quốc và đang tìm cách lấy lại vị thế của mình mà thôi. Như vậy, cuộc đua tranh này sẽ còn kéo dài kể cả khi trật tự đã thay đổi và đương nhiên, an ninh mọi mặt của thế giới, khu vực vẫn bị đe dọa.

Nhưng đấy là nói về một Trung Quốc đã đạt được “Giấc mộng Trung Hoa”, đã trở thành số 1 thế giới. Điều này còn phải gần 30 năm nữa mới biết được nó có là sự thật hay không và dự đoán những vấn đề cho sau 30 năm đó thì quả là hơi liều lĩnh. Hãy để cho các thiên tài chiến lược xem xét. Cái mà chúng ta quan tâm là từ nay đến khi đó, Trung Quốc sẽ đi con đường nào, dùng biện pháp gì để biến giấc mộng trên thành sự thật và con đường, biện pháp đó ảnh hưởng thế nào đến an ninh thế giới, khu vực. Đây mới là điều cần phải xem xét.

Con đường, biện pháp để Trung Quốc tiến tới đạt được hai mục tiêu một trăm năm, hoàn thành “Giấc mộng Trung Hoa” đã được giới lãnh đạo Trung Quốc từng bước hoạch định thông qua “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 – 2020)” và tiếp tục phát triển, nâng cao thông qua các văn kiện nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ 19 (10/ 2017) vừa qua. Theo đó, “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13” xác định phải xây dựng Trung Quốc phát triển sáng tạo, phát triển hài hòa, phát triển xanh, phát triển mở cửa, cùng hưởng thành quả cải cách phát triển và Đảng lãnh đạo. Trong đó có đưa “Một vành đai, một con đường” (nhất đới, nhất lộ) là một nội dung trong phát triển mở cửa (Chương 51), nhưng mới chỉ coi nó như là một sáng kiến để hình thành cục diện hợp tác quốc tế. Phải đến Đại hội 19, sáng kiến trên mới được bổ sung, phát triển, xây dựng hoàn chỉnh và được đưa vào Văn kiện nghị quyết Đại hội, coi là chiến lược quốc sách phải thực hiện. Như vậy, “Một vành đai, một con đường” trở thành con đường, biện pháp chủ yếu để đạt hai mục tiêu 100 năm. Đây là mấu chốt liên quan đến an ninh thế giới, khu vực khi Trung Quốc thực hiện chiến lược này.

Chiến lược “Một vành đai, một con đường” được đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập năm 2013 rằng, Trung Quốc sẽ cùng các nước liên quan triển khai xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” để hình thành cục diện mới hợp tác kinh tế quốc tế. Theo đó, phạm vi của “Một vành đai, một con đường” bao gồm 64 quốc gia Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, với tổng cộng 4,4 tỷ người, chiếm 63% dân số thế giới. Quy mô kinh tế đạt mức 21.000 tỷ USD, chiếm 29% tổng GDP thế giới, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm 23,4% thế giới. Trong đó, “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” từ Trung Quốc đi về hướng tây, kéo tới Trung Á, Tây Phi, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), các nước Trung và Đông Âu; hướng nam thì đến Nam Á. “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” từ Trung Quốc đi theo hướng đông nam, kéo đến Đông Nam Á, qua Nam Á, đến Đông Bắc Châu Phi, đồng thời từ Đông Nam Á kéo xuống Nam Thái Bình Dương. Hai con đường trên giao nhau ở Nam Á và Tây Á, hình thành khu vực hợp tác mở rộng trải dài trên 3 châu lục Á, Âu, Phi. Riêng với Trung Quốc, sẽ có 18 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và khu tự trị tham gia vào chiến lược này gồm Tân Cương, Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ, Thanh Hải, Nội Mông, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Quảng Tây, Vân Nam, Tây Tạng, Trùng Khánh là 13 tỉnh thành có “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” đi qua và Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Đông, Chiết Giang và Hải Nam là 5 tỉnh thành có “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” xuất phát.

Mục tiêu của chiến lược trên, theo Trung Quốc xác định là nhằm “tạo ra một khối cộng đồng cùng chung lợi ích, tin tưởng về chính trị, hòa nhập về kinh tế, giao lưu về văn hóa, một khối cộng đồng cùng chung vận mệnh, cùng chung trách nhiệm”, thực hiện nó theo quan điểm “cùng thương lượng, cùng xây dựng, cùng hưởng thụ” và 4 nguyên tắc là “mở cửa hợp tác, hài hòa bao dung, vận dụng thị trường và các bên cùng thắng”. Chiến lược này sẽ lấy kết nối các chính sách làm cơ sở bảo đảm, lấy liên thông hạ tầng làm lĩnh vực ưu tiên, lấy thông thương làm nội dung trọng điểm, lấy thông vốn làm trụ cột trọng yếu, lấy tương thông lòng dân làm căn cứ xã hội để phối hợp đồng bộ và thúc đẩy hợp tác khu vực. Kết cấu tổng thể của chiến lược là cơ bản hình thành hai mạng lưới lớn và năm con đường chính. Hai mạng lưới lớn là mạng lưới thông suốt đường bộ – đường biển – đường không và mạng lưới khu vực tự do tiêu chuẩn cao. Năm con đường lớn là ba con đường từ Trung Quốc qua Trung Á, Nga đến biển Baltic của Châu Âu; từ Trung Quốc qua Trung Á, Tây Á đến Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải; từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, Nam Á, Ấn Độ Dương thuộc “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”. Còn hai con đường nữa là từ ven biển Trung Quốc đến Ấn Độ Dương, sang châu Âu và từ ven biển Trung Quốc qua Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương. Để bảo đảm nguồn lực tài chính cho triển khai Chiến lược, Trung Quốc sẽ huy động 240 tỷ USD, đã thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) với vốn ban đầu 100 tỷ USD (Trung Quốc góp 30 tỷ USD), Quỹ Con đường tơ lụa (SF) với vốn tương đương, huy động các cơ cấu tài chính quốc tế, khu vực có liên quan khác như Ngân hàng phát triển mới (NDB) của nhóm BRICS… Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh (12 – 14/5/17) mời đại diện từ trên 100 quốc gia, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia tới Bắc Kinh bàn về triển khai Chiến lược và đã có tới gần 40 nước ký bản ghi nhớ hợp tác. Đến tháng 8/2017, đã có 76 dự án tại 68 quốc gia, vùng lãnh thổ với 270 thỏa thuận được ký kết. Riêng hướng Đông Nam Á, TQ đã hứa hẹn đầu tư vào Philippine 23 tỷ USD, Malaysia 34 tỷ, Thái Lan 13,8 tỷ, đã đầu tư vào Campuchia hơn 10 tỷ, sẽ vào Lào khoảng 7 tỷ. Như vậy “Một vành đai, một con đường” đang được triển khai mạnh mẽ.

Việc triển khai chiến lược trên nảy sinh những tác động về an ninh đối với thế giới, khu vực trên hai bình diện sau:

Bình diện tích cực: Thứ nhất, về tổng thể, rõ ràng việc Trung Quốc công khai chiến lược và dùng những lời lẽ rất hữu nghị, thân thiện để kêu gọi các nước ủng hộ, tham gia và thực tế đã có rất nhiều nước tham gia cho thấy Trung Quốc đã chính thức từ bỏ quan điểm “Giấu mình chờ thời” trước đây. Trung Quốc đã “Xuất đầu lộ diện” công khai vai trò, tham vọng của mình. Điều này buộc cả thế giới, nhất là các đối thủ lâu nay của Trung Quốc phải giật mình, không phải chỉ đề phòng, đối phó hay hùa theo mà trước hết là phải xem lại mình như thế nào, phải điều chỉnh ra sao để giữ được vị trí, vai trò, không bị tụt lại. Tất cả các nước, không chỉ là các nước trong phạm vi của Chiến lược sẽ tìm mọi cách để vươn lên, cạnh tranh vị trí trong một thế giới đa cực đang hình thành. Đây đúng là động lực phát triển của thế giới.

Thứ hai, việc Trung Quốc khởi xướng, đi đầu trong triển khai “Một vành đai, một con đường”, tung tiền ra hỗ trợ, đầu tư cho các nước có liên quan, không nhiều thì ít cũng sẽ giúp các nước, phần nhiều là các nước chậm phát triển, tận dụng được ngoại lực cho phát triển của nước mình, trước hết là cơ sở hạ tầng, giải quyết một phần khó khăn về kinh tế và khi kinh tế bớt khó khăn thì vấn đề an ninh của mỗi nước sẽ được giải quyết tốt hơn. Vừa qua, nhiều nước ủng hộ, hoan nghênh chiến lược của Trung Quốc là minh chứng. Họ cho đây là xu thế thịnh lên của Trung Quốc và “người ta chỉ có phù thịnh chứ không phù suy”.

Thứ ba, nếu đây là một hệ thống, mà trước mắt là hệ thống kinh tế mới với người dẫn dắt là Trung Quốc cùng sự ra đời các định chế tài chính, kinh tế mang tầm khu vực, quốc tế thì sẽ tạo ra trên phạm vi khu vực, thế giới những thực thể mới mang tính cạnh tranh, ganh đua, hỗ trợ và có thể là đối trọng, hoặc đối lập, giúp cho các nước, các nền kinh tế đang phát triển có nhiều lựa chọn cho phương cách phát triển của mình khi phải tận dụng nguồn viện trợ tài chính kèm theo những điều kiện ngặt nghèo, nhiều khi mang tính áp đặt, thiên vị mà họ phải chịu khi chỉ có các định chế như là WB, IMF, ADB… Như vậy, an ninh kinh tế sẽ bớt gay gắt hơn đối với nhiều nước.

Thứ tư, Chiến lược “Một vành đai, một con đường”, bản chất là một chiến lược kinh tế, lấy cốt lõi là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối các nền kinh tế sẽ làm cho các nước gần nhau hơn, giao lưu nhiều hơn, hiểu nhau hơn và kéo lại gần hơn khoảng cách phát triển giữa các nước. Tính phụ thuộc lẫn nhau sẽ cao hơn nên bắt buộc khi một quốc gia muốn làm phương hại một quốc gia khác, dù trên bất cứ phương diện nào cũng buộc phải cân nhắc một cách cẩn trọng những hệ lụy, hậu quả do họ gây ra và chịu sự trừng phạt không chỉ của quốc gia bị gây hại mà cả cộng đồng liên quan. Như vậy thì thế giới, khu vực lại có thêm một cứu cánh cho bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định. Nói cách khác, nếu các quốc gia không lấy sự đối đầu mà lấy sự cạnh tranh, thi đua làm con đường phát triển, không lấy giấc mộng của mình thành ác mộng của người khác, không lấy tính thực dân, kiểu bá quyền mà lấy kiểu dẫn dắt, làm gương ra mà ứng xử thì an ninh thế giới, an ninh các khu vực không có gì phải bàn nhiều.

  Nhưng còn ở bình diện tiêu cực, có nhiều điều đáng quan ngại: Thứ nhất, Chiến lược trên của Trung Quốc tuy là chiến lược kinh tế, nhưng đường đi của nó đang nhằm chủ yếu vào những khu vực, những nước có nền kinh tế kém và chậm phát triển, những nơi mà nguồn lực con người còn có hạn, nguồn tài nguyên vật chất chưa được khai thác hết, thậm chí còn nguyên sơ. Trong khi, chúng ta biết nền kinh tế số 2 thế giới hiện nay đang rơi vào cơn khát thế nào cho việc có nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu cho nền kinh tế của mình mà không thể dùng bài xâm chiếm thực dân như thế kỷ 18,19 để chiếm đoạt. Phải chăng, bên ngoài cái vỏ mỹ miều là kết nối kinh tế, cùng chung vận mệnh thì bên trong thực chất là ý đồ di dân tới những khu vực còn thưa người, tận dụng ưu thế về nhân lực, vốn và kỹ thuật để một mặt giải quyết hàng hóa dư thừa (6/19 ngành sản xuất quan trọng dư thừa), đẩy cho các nước, các khu vực những máy móc, công nghệ lạc hậu, lỗi thời từ Trung Quốc, một mặt khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên phong phú của các nước đưa về làm giàu cho Trung Quốc. Vì sao Trung Quốc dám bỏ ra cả trăm tỷ USD, theo như họ nói, để làm chiến lược này, sao Trung Quốc dễ “hy sinh” cho các nước thế. Cần phải hiểu thương nhân Trung Quốc từ xưa đã nói “một vốn, bốn lời”. Liệu đây có phải là bài toán đã có lời giải của Trung Quốc và như thế thì 64 quốc gia nằm trên phạm vi Chiến lược này phải dè chừng.

Thứ hai, Chiến lược là do Trung Quốc khởi xướng, vận động các nước ủng hộ tham gia, như vậy Trung Quốc giữ vai trò cầm chịch nhưng một mình Trung Quốc không thể bao hết (tổng vốn 6.000 tỷ USD), buộc các nước tham gia phải có vốn đối ứng và trong các vụ thương thảo hợp đồng, ở vào thế yếu hơn về mọi mặt so với Trung Quốc thì liệu họ có phải nhân nhượng những điều kiện bất lợi cho mình, có thể còn có bất lợi làm ảnh hưởng đến cả an ninh cho nước láng giềng bên cạnh. Điều này đang hé lộ ở chỗ Trung Quốc đang đề nghị cùng Philippines nghiên cứu hợp tác khai thác chung ở bãi Cỏ Rong. Philippines vẫn đang ngần ngừ chuyện này thì Trung Quốc vẫn chưa giải ngân đồng nào trong số 23 tỷ USD hứa đầu tư. Trung Quốc nói là hợp tác vô tư, bình đẳng, không áp đặt điều kiện chính trị nào, xem ra đó là bánh vẽ.  

Thứ ba, nhiều nước phương Tây, nước phát triển, thậm chí phát triển ngang Trung Quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ đều không mặn mà với sáng kiến của Trung Quốc, ngay cả Nga cũng ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi. Tất cả những nước này không phải không thấy lợi ích trong việc kết nối với nền kinh tế khổng lồ đang lên này, nhưng họ cũng nhận ra những cái hại, cái thua thiệt sẽ mang đến cho đất nước họ mà “lợi thì bất cập hại” nên họ đều lảng tránh một cách lịch sự. Người ta không muốn thế giới này sẽ lại có một kẻ đè đầu, cưỡi cổ dân tộc mình theo cách phải dập đầu 3 lần trước các hoàng đế Trung Hoa thời cổ xưa. Nhưng họ không lảng tránh đâu, họ sẽ vờn Trung Quốc như mèo vờn chuột và chờ thời cơ để lại một lần nữa xâu xé Trung Quốc nếu như nước này phạm phải sai lầm chết người. Nên nhớ, lịch sử Trung Hoa là tan – hợp, hợp rồi lại tan, mà 100 hay 200 năm so với lịch sử chỉ là chớp mắt. Vụ Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1988 đã cho thấy sự rùng mình của Trung Quốc. Khi đó, an ninh thế giới, khu vực sẽ lao đao.

Thư tư, nói chiến lược của Trung Quốc mang bản chất là chiến lược kinh tế, nhưng không phải vậy. Nghiên cứu lịch sử con đường tơ lụa Trung Hoa xưa kia, cả con đường tơ lụa trên bộ và trên biển, đều không chỉ là con đường kinh tế, mà đều ẩn giấu trong nó con đường chinh phục, mở mang bờ cõi, không bằng sức mạnh cứng thì bằng sức mạnh mềm, buộc các nước xung quanh phải thần phục, triều cống, chỉ trừ các nước quá xa xôi bên kia Thái Bình Dương, Đại Tây Dương. Ngày nay, con đường trên nếu chỉ thuần túy kinh tế thì lấy gì ra để bảo vệ các chuyến tàu, các đoàn xe vận tải hàng hóa trên các con đường huyết mạch khi mà chúng phải đi qua các vùng hoang sơ, sa mạc thuộc các nước mà hiện đang ngày ngày xảy ra khủng bố, cướp bóc. Lấy gì ra để bảo vệ các đoàn tàu vận tải biển chở hàng hóa Trung Quốc ngược xuôi qua các vùng biển thuộc các đại dương có hải tặc đang hoành hành. Lôgic tất yếu là “dân sự đi trước, quân sự theo sau”, Trung Quốc phải thiết lập các căn cứ quân sự ở ngoài lãnh thổ để bảo vệ chúng và điều đó cũng dễ thuyết phục. Nhưng đâu chỉ có vậy. Một cường quốc quân sự thế giới mà không kiểm soát được đại dương nào, không triển khai được bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược ra ngoài lãnh thổ thì đâu đã là cường quốc. Đối phó thế nào với kẻ địch ngay từ ngưỡng cửa nhà chúng. Thế nên, theo sau hai con đường trên sẽ là các căn cứ quân sự Trung Quốc phải mọc lên. Chỉ riêng con đường trên biển từ Trung Quốc sang Ấn Độ Dương thôi, sẽ có tới 15 cảng biển do Trung Quốc đầu tư và tới đây sẽ có khoảng 5 căn cứ quân sự của Trung Quốc ra đời (Djibouti là căn cứ đầu tiên), còn Nam Thái Bình Dương, Đại Tây Dương chưa tính đến. Việc đầu tư vào các cảng biển là cách giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực một cách kín đáo. An ninh biển sẽ mạnh lên hay yếu đi? An ninh các nước ven biển liệu có yên ổn không?

Thứ năm, nước Mỹ, nhà lãnh đạo thế giới hiện nay, đương kim cường quốc số 1 địa cầu liệu có ngồi yên để Trung Quốc tự do hành động không? Câu trả lời là không. Năm 2016, Trung Quốc đã từng đánh tín hiệu với Mỹ về chia đôi quyền quản lý, thống trị Thái Bình Dương rồi nhưng Mỹ đã khước từ. Vậy đời nào Mỹ để yên cho Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”. Ở đây có hai vấn đề phải xem xét. Một là, theo một số nhà nghiên cứu phương Tây, lịch sử phát triển của nhân loại và các quốc gia cho thấy một quy luật là cứ mỗi khi có một quốc gia trỗi dậy, soán ngôi của quốc gia đang là vô địch thì tất yếu giữa hai quốc gia ấy sẽ xảy ra chiến tranh, thậm chí là chiến tranh thế giới để tranh giành địa vị. Thế kỷ 16 có Bồ Đào Nha là vô địch, thế kỷ 17 có Hà Lan, thế kỷ 18,19, Anh soán ngôi vô địch, thế kỷ 20, sau 2 cuộc chiến tranh thế giới, Mỹ lên ngôi vô địch. Trong sự đổi ngôi trên, không có chuyện quốc gia đang giữ ngôi vô địch lại chuyển giao, nhường ngôi cho cường quốc mới nổi để tránh một cuộc chiến tranh. Tới đây, nếu Trung Quốc muốn soán ngôi của Mỹ, tất yếu hai nước sẽ xung đột. Trung Quốc đang cổ vũ về cạnh tranh chiến lược thế kỷ 21 của Trung Quốc và Mỹ nên chuyển từ “quyết đấu” và “thi đấu quyền Anh” trước đây sang “thi đấu điền kinh”. Nghĩa là từ sống mái, một mất một còn sang đua tài, nâng cao thành tích xem ai hơn ai. Giá cả Mỹ và Trung Quốc đều đồng thuận theo hướng này thì nhân loại có thể tránh một thời kỳ đen tối.

Hai là, dù chưa xảy ra chiến tranh, nhưng giữa Mỹ và Trung Quốc đã, đang tìm cách chặn nhau rồi. Vì sao Trung Quốc phải có “Một vành đai, một con đường”. Vì Mỹ đang triển khai chiến lược “Châu Á – Thái Bình Dương” và gần đây ông Donald Trump còn nâng thành chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở rộng”, thực chất là chiến lược ngăn chặn Trung Quốc. Vì sao Mỹ vẫn nhùng nhằng ở Syria, Iraq và cả Trung Đông, không phải vì Nga, vì nạn khủng bố mà chính là vì vành đai và con đường của Trung Quốc sẽ giao nhau ở đây. Nếu Mỹ khống chế được khu vực này, đến khi nào Trung Quốc mới hoàn thành giấc mộng, đó là chưa kể câu chuyện Biển Đông, cái hành lang trước ngưỡng cửa để Trung Quốc bước ra biển lớn lại đang vướng đầy đá ngầm chết người. Đương nhiên, câu chuyện ở đây không chỉ một mình Mỹ với Trung Quốc, nó kéo theo cả các đồng minh của Mỹ, bạn bè của Trung Quốc và vì thế, an ninh khu vực, an ninh thế giới vẫn đang và sẽ bất ổn, khó lường.

Để kết thúc cho bài khảo luận này, xin gợi ý thêm một phần suy ngẫm. Thực tiễn cho ta thấy, thời lãnh tụ Mao Trạch Đông, chủ thuyết “Đại nhảy vọt” của ông sau 3 năm thực hiện thất bại hoàn toàn; thời Đặng Tiểu Bình, chủ thuyết “Bốn hiện đại hóa” dang dở nhưng được các cộng sự và học trò là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào kế tục thực hiện trong hơn 30 năm khá thành công. Nay, Tập Cận Bình với chủ thuyết “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ chèo lái con thuyền Trung Quốc sang một bước ngoặt lịch sử mới với cái đích 30 năm nữa phải tới. Ông Tập năm nay đã 65 tuổi, cho dù ông đã sửa cả điều lệ Đảng và Hiến pháp Trung Quốc để kéo dài vị trí của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, nhưng liệu ông có đủ thời gian để có ngày thưởng hoa hái trái hay không, liệu người tiếp bước ông có đủ tâm và tầm tiếp tục đi theo con đường của ông không lại là chuyện khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới