Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhật Bản và Biển Đông: Trở về tương lai

Nhật Bản và Biển Đông: Trở về tương lai

Trong mắt Washington và Tokyo, Trung Quốc là một “cường quốc xét lại” muốn thay đổi luật lệ và quân sự hóa Biển Đông, bắt nạt các nước láng giềng.

Tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson (Ảnh minh họa: theo Mil).

Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần 2 bài phân tích của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy, sau phần 1, Biển Đông, sân chơi mới của Nhật Bản. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Biển Đông dậy sóng    

Theo Bộ Quốc phòng Nhật, tàu ngầm Kuroshio (attack submarine) đã cập cảng Quốc tế Cam Ranh trong chuyến thăm 4 ngày (từ 17/9/2018), sau khi tập trận chống tàu ngầm tại khu vực gần Bãi cạn Scarborough (13/9) cùng với tàu sân bay Kaga và hai tàu khu trục Inazuma và Suzutsuki.

Đây là lần đầu tiên tàu ngầm của Nhật tham gia tập trận tại Biển Đông và đến Cam Ranh, tiếp theo sự kiện tàu sân bay Izumo đến Cam Ranh lần đầu (20/5/2017) trong một hải trình dài để tham gia tập trận tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. (SCMP, 17/9/2018).

Trong khi đó, Nhật và Mỹ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam.

Trong khi Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam tàu tuần duyên Morgenthau (Hamilton class, trọng tải 3.250 tấn) và 6 xuồng tuần tra tốc độ cao Metal Shark (5/2017), Nhật cũng cam kết sẽ chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu tuần tra đa năng mới MRRV (trong năm 2018).

Sự kiện tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson lần đầu tiên đến thăm Đà Nẵng (3/2018), và tàu ngầm Nhật Kuroshio lần đầu tiên đến cảng Quốc tế Cam Ranh (9/2018) có ý nghĩa tượng trưng về chiến lược.

Cho đến nay, ngoài Mỹ và Nhật, các nước khác (như Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Anh, Pháp và Canada) cũng lần lượt điều động tàu chiến đến Biển Đông tham gia tuần tra (FONOP).

Theo giáo sư Narushige Michishita (National Graduate Institute for Policy Studies, Tokyo) “Nhật muốn gửi một thông điệp chiến lược tới Trung Quốc và các nước khu vực, để chứng tỏ Nhật quyết tâm cân bằng lực lượng.

Vì vậy, việc triển khai tập trận chống tàu ngầm tại Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt”. (Japan Challenges China With Submarine Exercise, Chieko Tsuneoka & Peter Landers, Wall Street Journal, September 17, 2018).

Các sự kiện nói trên diễn ra trong bối cảnh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có một số đặc điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, vai trò an ninh của Nhật tại khu vực đang được tăng cường với tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương và “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Úc-Ấn.

Thứ hai, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang chuyển sang giai đoạn 2 (từ 24/9/2018), khi Mỹ chính thức đánh thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Thứ  ba, quan hệ Liên Triều và Mỹ-Triều diễn biến theo hướng hòa hoãn và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thứ tư, quan hệ Trung-Nhật đang hòa hoãn và thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ thăm Bắc Kinh vào tháng tới.

Mấy năm gần đây, tranh chấp Trung-Nhật tại quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, và Trung Quốc tuyên bố “khu vực nhận diện phòng không” (ADIZ) tại biển Hoa Đông, làm quan hệ hai nước khủng hoảng.

Nay tuy quan hệ đang đi vào “một giai đoạn mới”, nhưng Nhật điều tàu sân bay Kaga và tàu ngầm tấn công Kuroshio đến biển Đông tập trận làm hòa hoãn Trung-Nhật vốn mỏng manh càng dễ rủi ro, vì lịch sử hai nước có nhiều uẩn khúc, rất khó tin nhau (deep distrust).

Theo các nhà quan sát, gần đây Nhật đã quyết định nhảy vào vũ đài Biển Đông. (The Izumo deployment: Japan’s hat in the ring, Rupakjvoti Borah, Japan Times, May 23, 2017).

Gần đây, Bắc Triều Tiên và Malaysia là hai trường hợp điển hình (case study) về xoay trục chiến lược, theo xu hướng “thoát Trung”.

Tuy hai nước này ở hai khu vực khác nhau và có bối cảnh quốc gia khác nhau, nhưng có chung mẫu số là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và đang điều chỉnh chiến lược để thoát khỏi “chủ nghĩa thực dân mới”.

Tuy diễn biến tại bán đảo Triều Tiên có thể làm Tokyo lo ngại, nhưng hiện tượng Malaysia là một tin mừng.

Tại Malaysia, Mahathir Mohamad đã thắng cử và lên làm Thủ tướng một lần nữa (khi đã 93 tuổi).

Người ta gọi sự kiện đó là “cơn địa chấn về chính trị”, vì đã tạo ra một bước ngoặt mới không chỉ cho Malaysia mà còn cho cả khu vực (trong đó có Việt Nam).

Khác với Rajib Razak, Mahathir đang dẫn dắt Malaysia thoát khỏi “bẫy nợ” của Trung Quốc (mà ông gọi là “chủ nghĩa thực dân mới”).

Nhưng để “an toàn”, Malaysia vừa phải thân thiện với Trung Quốc, vừa tăng cường quan hệ hợp tác với các cường quốc khác, đặc biệt là với Nhật, theo chính sách “Hướng Đông” (Look East) mà trước đây Mahathir đã từng theo đuổi.

Đây là tầm nhìn mà Việt Nam có thể chia sẻ về chiến lược “Indo-Pacific” với “Bộ Tứ” tại Biển Đông. 

Tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương

Biển Đông không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng (như eo biển Malacca) mà còn giàu tài nguyên thiên nhiên (như dầu khí và hải sản).

Theo số liệu thống kê, mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải đi qua Biển Đông, trong đó có hơn 200 tàu chở dầu, chiếm 1/3 lượng dầu thô và 1/2 lượng khí hóa lỏng.

Trong số 90% lượng hàng hóa trên thế giới vận chuyển qua đường biển, khoảng 45% phải đi qua Biển Đông.

Hàng năm, khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật được vận chuyển qua Biển Đông.

Trong khi đó, khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua Biển Đông.

Lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông của các nước ASEAN là 55%, của Úc là 40%, của Việt Nam là 100%.

Trong mắt Bắc Kinh, Biển Đông đối với Trung Quốc cũng như vịnh Mexico đối với Mỹ, nên họ coi Mỹ và Nhật là “người ngoài” (outsider) không được can dự vào Biển Đông (vì đây là vùng ảnh hưởng của Trung Quốc).

Trung Quốc tự coi mình có quyền thay đổi luật chơi để kiểm soát Biển Đông (như cái ao riêng của họ) bằng cách áp đặt “đường lưỡi bò”, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA).

Nhưng trong mắt Washington và Tokyo, Trung Quốc là một “cường quốc xét lại” (revisionist power) muốn thay đổi luật lệ và quân sự hóa Biển Đông (Hoàng Sa và Trường Sa), bắt nạt các nước láng giềng (như ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí tại thềm lục địa của mình), bất chấp luật biển quốc tế (UNCLOS).  

Đối với Tokyo, vị trí chiến lược của Biển Đông quan trọng không kém Biển Hoa Đông, vì bàn cờ địa chính trị khu vực Đông Á liên quan đến Trung Quốc và gắn liền với lợi ích kinh tế và an ninh của Nhật trong trật tự thế giới và khu vực.

Nói cách khác, tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku / Điếu Ngư là một yếu tố quan trọng thúc đẩy Nhật triển khai lực lượng tại Biển Đông.

Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Tokyo điều chỉnh (recalibration) chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật như “một nước hòa bình tích cực” (proactive pacifist country).   

Gần đây, Tokyo đang tiến hành sửa đổi hiến pháp (điều 9) theo đó “Tư duy chiến lược của Nhật về Biển Đông sẽ tiếp tục được định hình với ngôn ngữ của trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp”.

(Japan’s grand strategic thinking about the South China Sea will continue to be framed in the language of the rules-based global order; Japan’s Grand Strategy in the South China Sea, Takashi Inoguchi & Ankit Panda, in Anders Corr (ed), 2018, Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea, Naval Institute Press).

Trong bối cảnh Mỹ điều chỉnh chiến lược theo “tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) dựa trên khuôn khổ “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, vai trò của Nhật tại khu vực này càng quan trọng hơn.

Thứ nhất, “Quad” là ý tưởng của Shinzo Abe từ nhiệm kỳ trước, nay mới có điều kiện triển khai (bằng cách đặt vào tay Trump) trong chiến lược an ninh và quốc phòng (NSS và NDS).

Thứ hai, với tầm nhìn của Trump vì nước Mỹ trước (America First) Nhật và các đồng minh ở Đông Á cũng phải “tự lo cho mình trước khi Mỹ cứu”. 

Đối với Việt Nam, Hà Nội ủng hộ chiến lược FOIP “một cách kín đáo và thận trọng” (low key and cautious).

Trong khi tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và chiến lược (song phương) với các nước trong “Bộ Tứ”, Hà Nội vẫn ngại Bắc Kinh cho rằng Việt Nam muốn tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc.

Vì vậy, Hà Nội chọn cách tham gia vào một mạng lưới “hợp tác an ninh mềm dẻo” với các nước lớn và đối tác cùng chính kiến nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo hướng tự do thông thương và tôn trọng pháp luật.

Theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, FOIP vẫn còn là tầm nhìn, chứ chưa phải một kế hoạch cụ thể, hay một cơ chế tổ chức (institutionalized mechanism), nên đối với khu vực, đó vẫn là một câu hỏi lớn mà Mỹ phải giải đáp.

Washington có thể không tổ chức “Bộ Tứ” như một liên minh chặt chẽ về an ninh để thực hiện chiến lược FOIP, mà “thiết lập và tăng cường một mạng lưới đồng minh và đối tác an ninh để cộng tác nhằm bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật”.

(Establish and strengthen a network of allies and security partners that will work together to defend the rules-based order. America’s Free and Open Indo-Pacific Strategy: A Vietnamese Perspective, Le Hong Hiep, Yusof Ishak Institute, Issue 2018 No. 43, August 7, 2018). 

Trong thời đại bùng nổ thông tin (với internets & social media) và cơn bão trí tuệ nhân tạo (AI) đang ập tới, giới nghiên cứu và báo chí đang đứng trước những thách thức mới.

Thế giới “hậu sự thật” (post-truth) mà Yuval Harari cảnh báo là một con dao hai lưỡi. Trong cái thế giới thật giả lẫn lộn đó, người ta có thể bị hacked bởi Facebook hoặc “thẻ tính điểm tín nhiệm xã hội” (social credit score cards) như trong “1984” của George Orwell.

Trên mạng ngày càng nhiều “tin vịt” (fake news) và thông tin “nửa thật nửa hư” (half-truth) khó phân biệt thật giả, dễ làm người ta ngộ nhận.

Thế giới ngày càng diễn biến khó lường với nhiều biến số (như Trump) nên khó phân biệt thực chất vấn đề (như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung).

Gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều khi đánh giá một vấn đề. Tuy lý giải khác nhau là chuyện bình thường, nhưng nếu đánh giá trái ngược nhau lại là chuyện khác.

Trong khi một số người khen Trump hết lời và khẳng định Mỹ nhất định thắng, Trung Quốc nhất định thua, thì một số khác lại phục Bắc Kinh sát đất và khẳng định Trung Quốc nhất định thắng, Mỹ nhất định thua.

Điều đó có thể do xu hướng đơn giản hóa vấn đề vốn phức tạp, do người ta thích trắng đen rõ ràng (black or white), trong khi thực tế thường màu xám (gray area), hoặc do chủ quan duy ý chí, thích nhìn sự việc qua lăng kính của mình, nên người ta dễ ngộ nhận, hoặc do tâm trạng “yêu nên tốt, ghét nên xấu” nên người ta dễ kết luận vội vàng (như “hội chứng mì ăn liền”).

RELATED ARTICLES

Tin mới