Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaPhi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên dựa vào niềm tin...

Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên dựa vào niềm tin Mỹ-Triều

Rõ ràng, sự tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên lúc này là hết sức quan trọng cho tiến trình đàm phán giữa hai bên.

Ngày 3/10, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon hối thúc cộng đồng quốc tế tích cực ủng hộ các nỗ lực mang lại hòa bình lâu dài và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Hàn Quốc tổ chức ở Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Sejong, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon khẳng định, thông qua việc tiến hành 3 cuộc gặp Thượng đỉnh Hàn-Triều chỉ riêng trong năm nay, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đang “phá bỏ cơ cấu Chiến tranh Lạnh cuối cùng trên thế giới”.

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhằm hướng tới gặt hái những kết quả đột phá trong tiến trình phi hạt nhân hóa, giữa lúc Triều Tiên đưa ra lời hứa từ bỏ vũ khí hạt nhân và theo đuổi hòa bình và thịnh vượng, hơn là bị cô lập và khó khăn kinh tế.

Liên quan tới nỗ lực phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cuối tuần này sẽ đến Triều Tiên để đàm phán vấn đề này với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo Yonhap, mục đích chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhằm đẩy mạnh mục tiêu vì một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân cũng như dàn xếp Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Liên tiếp các chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong năm nay đã phần nào chứng tỏ thiện chí hướng tới giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa giữa lúc các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào bế tắc. Mỹ một mặt tuyên bố giữ nguyên lệnh trừng phạt, mặt khác yêu cầu Triều Tiên có các bước phi hạt nhân hoá cụ thể. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ hé mở các hướng tiếp cận mới để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bất chấp những tín hiệu tiêu cực từ phía Triều Tiên thời gian gần đây.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho mới đây phát biểu tại Liên Hợp Quốc rằng, việc tiếp tục các lệnh trừng phạt đã đào sâu thêm sự nghi kỵ của Triều Tiên đối với Mỹ và nước này sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân một cách đơn phương trong hoàn cảnh như vậy.

“Việc buộc chúng tôi phải quỳ gối vì các biện pháp trừng phạt chỉ là mơ tưởng viển vông của các bên chẳng hiểu gì về Triều Tiên. Vấn đề ở chỗ việc tiếp tục các lệnh trừng phạt chỉ khắc sâu thêm những nghi kỵ. Lý do đứng đằng sau những bế tắc hiện nay cũng một phần bởi Mỹ đã dựa vào các biện pháp cưỡng chế để bóp nghẹt việc xây dựng lòng tin”, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nhấn mạnh.

Nhiều khả năng Mỹ và Triều Tiên sẽ sớm tiến hành các cuộc đàm phán cấp làm việc ở Vienna (Áo) thời gian tới để có thể tìm kiếm một “thỏa thuận lớn” về phi hạt nhân hóa.

Rõ ràng, sự tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên lúc này là hết sức quan trọng cho tiến trình đàm phán giữa hai bên, nhất là khi tiến trình này đang gặp phải không ít những rào cản do khoảng cách về lập trường chưa được thu hẹp. Dựa trên thiện chí, nền tảng hướng tới thu hẹp bất đồng về quan điểm, cùng với những kỳ vọng đặt ra cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp tới, hy vọng hai bên sẽ sớm tìm được tiếng nói chung, đưa ra các giải pháp đột phá cho vấn đề phi hạt nhân hóa, để từ đó rút ngắn thời gian thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên

RELATED ARTICLES

Tin mới