Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ có thế chỗ Nga để trở thành “kẻ thù số 1”...

TQ có thế chỗ Nga để trở thành “kẻ thù số 1” của Mỹ?

Trong lúc Trung Quốc đang thúc đẩy quá trình phát triển trên cả phương diện kinh tế và chính trị, nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang dần thay Nga trở thành mối đe dọa hàng đầu của Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ đang xảy ra căng thẳng về chính trị, kinh tế và quân sự.

Theo hãng tin RT, tuần trước tàu chiến USS Decatur của Hải quân Mỹ thiếu chút nữa đã đâm vào tàu chiến của Trung Quốc được triển khai để ngăn chặn tàu Mỹ trên Biển Đông.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không dừng lại ở đó, khi trên mặt trận kinh tế chính quyền Trump đã áp đặt thuế đối với 260 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đang đe dọa sẽ đánh vào gần như tất cả hàng hóa của Trung Quốc.

Ông Trump không phải là người duy nhất chỉ trích Trung Quốc vì những hành động mà trước đây Nga từng bị cáo buộc thực hiện. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats phát biểu rằng Trung Quốc đang “nhằm vào các chính quyền và quan chức các cấp” của Mỹ.

“Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng bất kỳ sự khác biệt về chính sách giữa chính quyền liên bang và địa phương cũng như sử dụng các khoản đầu tư vào nhiều biện pháp khác nhau để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình”, ông Coats nói.

Trong lúc đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào chính trị Mỹ. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Trump khẳng định Trung Quốc có âm mưu “can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ năm 2018”, đồng thời nói thêm rằng chính quyền ông đang lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh bởi ông là “Tổng thống đầu tiên thách thức Trung Quốc về thương mại”.

Trong bối cảnh căng thẳng kinh tế, chính trị và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã được đẩy lên rất cao, liệu Trung Quốc đã thế chỗ Nga và trở thành đối thủ lớn mới của Mỹ?

Thực tế, Washington đã bày tỏ quan ngại này từ tháng 1 năm nay, khi Lầu Năm Góc công bố “chiến lược quốc phòng quốc gia mới”, trong đó nói Trung Quốc và Nga là hiểm họa lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ.

Điều này cho thấy sự thay đổi chính sách của Mỹ khi trong hơn một thập kỷ qua Washington chủ yếu tập trung vào việc đối phó chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên Washington dường như đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Ông Mike Pompeo, khi đó là Giám đốc CIA, từng khẳng định Bắc Kinh là hiểm hoạt lớn nhất của Mỹ và Trung Quốc coi mình là một “siêu cường tương đương” với Mỹ và nỗ lực để “giảm bớt quyền lực của Mỹ so với ảnh hưởng của họ”.

Ông Brian Becker, một chuyên gia Hoa Kỳ nhận định, việc Mỹ tập trung đối phó với tham vọng kinh tế của Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ và thực chất bắt nguồn từ chiến lược “xoay trục Châu Á”.

“Chính sách này có mục đích khiến Mỹ không được quá tập trung vào những cuộc chiến không có nhiều ý nghĩa và không có khả năng giành chiến thắng ở khu vực Trung Đông, thay vào đó là chú ý đến sự phát triển của Trung Quốc, một điều có thể đe dọa đến vị thế độc tôn của Mỹ. Cả hai phe bảo thủ và đổi mới trong chính trường Mỹ đều có chung quan điểm là phải ngăn chặn Trung Quốc”, ông nói.

Theo ông Becker, mặc dù đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có chung mục đích đối phó Trung Quốc, song chiến lược mà họ đề ra là khác nhau. Tổng thống Obama muốn dùng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương để ngăn Trung Quốc “tự viết nên quy tắc thương mại”, trong khi Tổng thống Trump có phần trực diện hơn khi dùng sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị để đơn phương công kích bất kỳ thế lực nào đi ngược với Mỹ.

Ông Andrew Leung, một chuyên gia về chính trị ở Hồng Kông cho biết Washington đã đúng khi nhận thấy Trung Quốc là một đối thủ lớn trên trường quốc tế. “Trung Quốc đã trở thành hiểm họa lớn nhất đối với sự thống trị của Mỹ. Đó là bởi Trung Quốc chứ không phải Nga có sức mạnh toàn diện được tạo nên từ một nền kinh tế vững mạnh lớn thứ hai trên thế giới”.

Tuy nhiên theo cựu quan chức Mỹ Michael Maloof, việc coi Trung Quốc là một đối thủ về chính trị, kinh tế và quân sự là một phần trong chiến lược nhằm đảm bảo “sự dẫn đầu trên thế giới” của Mỹ. Ông khẳng định rằng điều này sẽ thúc đẩy “quá trình sản xuất và buôn bán vũ khí”, đồng thời tạo việc làm cho người dân trong nước.

Cũng có người cho rằng cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ đối với Trung Quốc của ông Trump cũng có thể là một động thái đối nội. Phần lớn những người ủng hộ ông đã chịu tổn thất do việc Trung Quốc đánh thuế vào các mặt hàng của Mỹ và ông muốn khẳng định mục đích hành động của mình với họ.

Ông Becker nói mặc dù Bắc Kinh hiểu rõ quyết định của mình sẽ có những hệ quả ra sao, song họ buộc phải “hành động đáp trả mức thuế khổng lồ” do chính quyền Trump áp đặt, khi họ nhận thấy động thái này đang “làm hại” và ngăn chặn “quá trình phát triển kinh tế bình thường” của Trung Quốc.

Một số người thậm chí tin rằng Washington có thể hợp tác với Moscow để đối phó Bắc Kinh, song ông Leung lại không tán đồng với quan điểm này. “Nga có nhiều lợi ích chung với Trung Quốc cả về địa chính trị và kinh tế hơn Mỹ.

Thêm vào đó, có lý do gì để Nga tin vào một chính phủ Mỹ có thể từ bạn trở thành thù trong chốc lát dưới thời Trump?”, ông Leung nói.

Về phần mình, Bắc Kinh đã bày tỏ quan điểm rằng họ không muốn đối đầu với Washington. Tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc và Mỹ có thể cạnh tranh với nhau, song không được nhìn nhau với lối suy nghĩ kiểu Chiến tranh Lạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới