Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngHoạt động xây dựng, quân sự hóa của TQ tại bãi đá...

Hoạt động xây dựng, quân sự hóa của TQ tại bãi đá Huy Gơ

Bãi đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam. Sau khi cưỡng chiếm trái phép bãi đá này từ Việt Nam năm 1988, Trung Quốc đã không ngừng bồi đắp, xây dựng để biến nơi đây từ một đảo chìm ban đầu trở thành căn cứ quân sự đồ sộ, thách thức pháp luật quốc tế và các nước ở Biển Đông.

Bãi đá Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp.

Biến Huy Gơ trở thành căn cứ quân sự trái phép ở Biển Đông

Bãi đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, hay còn gọi là đá Tư Nghĩa, bãi đá san hô chỉ nổi lên khi thủy triều xuống. Cuối tháng 02/1988, phía Trung Quốc bất ngờ cho lực lượng hải quân đổ bộ chiếm đóng bãi Huy Gơ và dựng lên đó nhà tạm để chốt giữ, phòng thủ. Đầu những năm 1990, phía Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà tạm thành nhà kiên cố 02 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo… Từ một đảo chìm ban đầu, chỉ có một căn nhà 02 tầng thì nay căn nhà đó đã được thay bằng một khối nhà cao tầng đồ sộ, từ đầu tháng 01/2014, phía Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu vận tải công trình trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Huy Gơ thành căn cứ quân sự của họ. Theo truyền thông Trung Quốc, nước này đã đưa tàu Thiên Kình do Công ty TNHH Tập đoàn Công nghiệp Thương mại Thâm Quyến chế tạo ra bãi Huy Gơ để hút cát phục vụ bồi đắp đá này. Tàu dài 127 m, rộng 23 m, là tàu hút trộn bùn hỗn hợp tự hành lớn nhất châu Á, mỗi giờ có thể hút, trộn được 4.500 m khối hỗn hợp cát và nước biển phun ra nơi xa nhất là ngoài 6.000 m. Với tốt độ hút, trộn như trên, trong 174 ngày tác nghiệp phi pháp ở Trường Sa, tàu Thiên Kình có thể đã bồi đắp khoảng 10 triệu mét vuông hỗn hợp cát, đất và nước biển, tương đương 3 lần lượng bê tông dùng xây siêu đập Hoover ở Mỹ.

Hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27 m, tại 04 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 02 rada hàng hải và 02 ăngten parabol, 01 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 06 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30 mm (07 nòng), tầng 01 lắp 04 bệ pháo 76 mm… Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng Đông – Tây dài khoảng 80 – 100 m. Ngoài việc bồi đắp và xây dựng khối nhà 09 tầng, Trung Quốc cũng cho nạo vét một luồng dẫn vào cầu cảng của đá Huy Gơ, dài khoảng 900m với độ sâu trên 10m để đón các tàu trọng tải lớn vào cảng.

Lực lượng núp bóng tàu cá hung hãn luôn thường trực

Từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng tàu Trung Quốc xung quanh khu vực Huy Gơ – Ba Đầu tăng nhanh đột biến. Hàng chục tàu cá dân binh Trung Quốc neo trong âu tàu do Trung Quốc xây dựng trái phép ở bãi cạn Huy Gơ. Có thời điểm, số lượng tàu khoảng từ 40 đến 50 chiếc tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá ken thành bè ở bãi Ba Đầu, về ban đêm hệ thống đèn chiếu sáng nhìn như thành phố nổi. Đáng chú ý, trog số đó có cả những tàu tải trọng rất lớn vượt trội các tàu cá thông thường và giàn cẩu tự hành khổng lồ phía sau. Đây có thể là những tàu vận tải xây dựng đa chức năng, lên đến vài nghìn tấn nhưng lại được phía Trung Quốc đưa vào danh sách tàu cá. Những tàu cá này của Trung Quốc nổi tiếng hung hăng và sẵn sàng sử dụng vũ khí để ngăn cản, xuôi đuổi khi có tàu nước ngoài tiếp cận khu vực xung quanh bãi Huy Gơ.

Đội ngư dân là lực lượng “hải quân mới” của Trung Quốc. Những tàu cá của họ được trang bị hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự gọi là “Beidou”, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Trong đó, ngư dân chỉ phải trả khoảng 10% chi phí của hệ thống hiện đại này, phần còn lại chính quyền hỗ trợ. Tại Nam Hải, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp nghe ngóng các tàu nước ngoài. Với việc trang bị hệ thống định vị này, Trung Quốc đã biến các tàu cá thành vũ khí bí mật, phục vụ cho tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân Trung Quốc trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước.

Tàu cá Trung Quốc cũng được biết đến qua các vụ việc gây quan ngại cho các nước trên khắp thế giới. Trong thông cáo ngày 23/2/2018, cảnh sát biển Argentina cho hay họ đã bắn vào tàu Jing Yuan 626 sau khi phát hiện nó đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Argentina một ngày trước đó. Phía Argentina quyết định “triển khai súng máy và đại bác” để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc. Trong đoạn video công bố ngày 24/2/2018, một sĩ quan cảnh sát biển Argentina đã cảnh báo tàu Jing Yuan 626 trước khi khai hỏa. Sau đó, cảnh sát biển Argentina đuổi bắt tàu Jing Yuan 626 gần 8 giờ trước khi nhận lệnh ngừng lại từ Bộ Ngoại giao Argentina. Tàu Jing Yuan 626 nhờ đó chạy thoát, không có ai bị thương cũng không có ngư dân nào bị bắt. Liên quan đến vụ việc nêu trên, ngoài Jing Yuan 626 còn có 4 tàu treo cờ Trung Quốc khác và những tàu này tìm cách đâm vào các tàu cảnh sát biển của Argentina.

Không chỉ Argentina, tuần duyên Hàn Quốc hồi tháng 12/2017 phải bắn tới gần 250 phát đạn từ súng máy và các vũ khí khác trong cuộc đối đầu với hơn 40 tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển gần đảo Gageodo, phía Tây Nam Hàn Quốc. Dù đã bị chặn lại và yêu cầu rời đi song các tàu Trung Quốc “trang bị các thanh thép và lưới kim loại phớt lờ cảnh báo, cố tình lao vào tàu tuần tra”, theo thông cáo của tuần duyên Hàn Quốc. Sự hung hãn này buộc phía Hàn Quốc phải “bắn cảnh cáo vào các mũi tàu Trung Quốc”, bao gồm 180 phát từ súng máy M-60 và gần 70 phát súng trường, súng ngắn.

Liên quan tới các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi”.Việt Nam “kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

RELATED ARTICLES

Tin mới