Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPhải chăng Mỹ sẽ xâm lược TQ ở Biển Đông khiến họ...

Phải chăng Mỹ sẽ xâm lược TQ ở Biển Đông khiến họ phải quân sự hóa biển này

Những ngày gần đây, truyền thông, báo chí Trung Quốc lại ầm ĩ đưa tin về phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong vấn đề liên quan đến Biển Đông. Đó là ông Vương Nghị có phát biểu rằng, sở dĩ Trung Quốc phải tiến hành các hoạt động tôn tạo đảo và đưa nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự ra các hòn đảo tôn tạo và chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa là do các hành động đe dọa xâm lược Trung Quốc của Mỹ. Do đó, Trung Quốc phải có những bước đi và hành động quân sự để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, điều này không có gì phải tranh cãi. Không chỉ có ông Vương Nghị, các học giả Trung Quốc được cử đến các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến Biển Đông, khi phát biểu đề cập đến lập trường của Trung Quốc trong vấn đề quân sự hóa Biển Đông, đều cùng một giọng rằng: Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông chỉ là để tự vệ nhằm trả đũa và đề phòng Mỹ xâm lược Trung Quốc mà thôi, không đe dọa gì đến các nước ở xung quanh Biển Đông. Vậy sự thực là Mỹ có ý định xâm lược Trung Quốc không?

Hành động của Trung Quốc có đúng là để phòng ngừa Mỹ xâm lược Trung Quốc không hay còn mục đích gì nữa? Nghiên cứu dưới đây xin được giải đáp một phần.

Ai cũng biết Mỹ là cường quốc số một thế giới, được mệnh danh là siêu cường toàn diện, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, quân sự, quốc phòng, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Trong trung hạn khoảng 20 đến 30 năm nữa, chưa chắc đã có quốc gia nào đuổi kịp và vượt Mỹ toàn diện. Đó là điều được nhiều chuyên gia đã dự đoán. Bởi vì, trong khi các nước lớn như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản hoặc kể cả Liên minh Châu Âu (EU) đang thực thi các chiến lược quốc gia để phấn đấu trở thành một cực của thế giới đa cực thì may lắm họ cũng chỉ trở thành cường quốc khu vực là cùng, bởi mỗi nước trên đang có rất nhiều vấn đề phải giải quyết cho hài hòa. Đó là: Nga tuy có sức mạnh siêu cường về quân sự, quốc phòng nhưng lại khá khiêm tốn về sức mạnh kinh tế. Tổng thu nhập GDP năm 2016 mới đạt trên 1.200 tỷ USD, đứng thứ 12 trên thế giới, còn lâu Nga mới trở lại được vị trí thứ 8 thế giới về kinh tế mà họ đã để mất nếu như không có các giải pháp hiệu quả. Ngay hiện nay, Nga phải đương đầu với bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ và để hóa giải thành công sự bao vây, cấm vận đó đã là khó khăn rồi, nói gì đến phát triển kinh tế nhanh. Nhật Bản hiện nay đang đứng thứ ba thế giới về sức mạnh kinh tế với tổng GDP khoảng 5.000 tỷ USD, rõ ràng Nhật Bản là cường quốc kinh tế, nhưng họ lại đang là chú lùn về quốc phòng, quân sự. Quân đội Nhật mấy chục năm nay chỉ bó hẹp trong cái vòng kim cô là lực lượng phòng vệ, muốn bành trướng sức mạnh và ảnh hưởng thì luôn vấp phải sự ngăn trở của Hiến pháp nước Nhật và con mắt canh chừng của Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế bởi người ta vẫn chưa quên chủ nghĩa phát xít Nhật đã mang lại khổ đau cho nhân loại những năm 40 của thế kỷ trước. Vì thế, giới tinh hoa chính trị Nhật Bản vẫn phải đang loay hoay giải quyết bài toán đưa nước Nhật trở lại thành cường quốc bình thường, có nghĩa là cường quốc có sức mạnh cả về kinh tế và quốc phòng, quân sự. Cái gọi là “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” chính là con đường mà chính quyền của Thủ tướng Abe đã chọn để giải quyết bài toán trên. Ngay bây giờ, chưa ai dám khẳng định “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” sẽ thành công, mặc dù cộng đồng quốc tế đều ghi nhận những đóng góp tích cực của Nhật Bản cho hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới trong những năm qua. Còn Ấn Độ, mặc dù mấy năm gần đây phát triển kinh tế nhanh, GDP đạt trên 2.200 tỷ USD nhưng so với dân số là trên 1.250 triệu người thì thu nhập bình quân đầu người của nước này chẳng thấm vào đâu. Nạn nghèo đói, bệnh tật vẫn đang hoành hành ở đất nước này khiến Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind vừa rồi còn phải phát động chương trình bảo hiểm y tế gọi là “Kovind Care” cho hàng trăm triệu trẻ em Ấn Độ. Như vậy, nước này vẫn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn để trở thành cường quốc kinh tế, chứ đừng nói gì đến cường quốc quân sự. Xem ra, thế giới này chỉ còn mỗi Trung Quốc là khá mạnh, có thể là ứng cử viên nặng ký để trở thành cường quốc khu vực và thế giới. Trung Quốc, một đất nước có diện tích 9,6 triệu cây số vuông, dân số 1.360 triệu người, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đã đưa nước này có tổng thu nhập GDP đạt 11.392 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Nhờ tăng trưởng kinh tế nên quốc phòng, quân sự của Trung Quốc cũng phát triển nhanh chóng. Các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại được sản xuất và trang bị cho quân đội không thua kém quân đội bất cứ nước phát triển nào. Chi phí quốc phòng cũng tăng cao kỷ lục, trên 200 triệu USD một năm, chỉ đứng sau chi phí quốc phòng của Mỹ. Khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng theo đó mà phát triển, đương nhiên, còn nhiều thứ Trung Quốc vẫn đi sau thiên hạ trong lĩnh vực này, buộc họ phải tìm cách copy, sao chép.

Nhưng như vậy, Trung Quốc cũng đang là cường quốc khu vực. Xét về tương quan lực lượng, Mỹ hiện nay tuy vẫn là siêu cường nhưng đã không còn vượt trội như những năm 90 của thế kỷ trước, thực lực và sức mạnh của Mỹ đã có phần suy giảm, không thể muốn làm gì là được như trước kia nữa. Thế nên, Tổng thống Donald Trump mới phải tung ra khẩu hiệu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và đây không phải là khẩu hiệu suông. Còn Trung Quốc, tuy chưa phải là siêu cường nhưng nước này đang phát triển nhanh chóng, sức mạnh toàn diện quốc gia đang không ngừng được nâng cao. Có thể nói, tương quan hiện nay là Mỹ đang yếu đi, Trung Quốc đang mạnh lên. Thế mà bảo rằng Mỹ sẽ xâm lược Trung Quốc thì có lẽ đây là chuyện khôi hài mà ông Vương Nghị và các học giả Trung Quốc muốn những người ít am hiểu về thời cuộc tin theo.

Lại nói về câu chuyện Biển Đông, người Mỹ làm gì mà để cho Trung Quốc lo sợ bị xâm lược đến thế?

Có thể nói, nhiều đời tổng thống Mỹ gần đây như ông Clinton, Obama, Donald Trump đều khẳng định Mỹ là một quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ có lợi ích ở khu vực này. Điều khẳng định ấy có lý vì cả bờ biển miền Tây nước Mỹ tiếp giáp với Thái Bình Dương và xu thế phát triển của nhân loại ngày nay không chỉ dựa vào lục địa mà còn trông nhờ rất nhiều ở đại dương. Đặc biệt là việc khai thác các tuyến đường biển phục vụ cho giao thông vận chuyển hàng hóa, nhân lực, vật lực giữa các quốc gia, các nền kinh tế với nhau; việc hợp tác giữa các nước với nhau trong khai thác tài nguyên thiên nhiên trong lòng đại dương để phát triển. Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, là nơi có 16 tuyến giao thông hàng hải quốc tế đi qua. Như vậy, đương nhiên là Mỹ có lợi ích ở cả Biển Đông vì hàng hóa Mỹ cũng đi qua đây, các công ty Mỹ đang hợp tác làm ăn trên Biển Đông với các nước trong khu vực. Nếu chỉ xét riêng trên hai khía cạnh trên thì không chỉ có Mỹ mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới có hàng hóa đi qua Biển Đông, có công ty làm ăn ở Biển Đông cũng đều có lợi ích và việc các nước bảo vệ lợi ích của mình là chuyện dễ hiểu.

Những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực nóng lên, nhất là những hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với các nước có tuyên bố chủ quyền hợp pháp như Việt Nam, Philippines, Malaysia… Trung Quốc dựa vào tuyên bố chủ quyền theo đường lưỡi bò phi pháp đã tiến hành một loạt hành động gây bất ổn trên Biển Đông như hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam; xua đuổi tàu cá của ngư dân Philippines đánh bắt hải sản ở khu vực bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền; tiến hành tôn tạo hàng trăm ha ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Thậm chí, họ còn yêu cầu tàu, thuyền các nước đi qua các vùng nước Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phải xin phép chính quyền  Trung Quốc… Những hành động trên của Trung Quốc khiến an ninh ở vùng biển này trở nên căng thẳng, nguy cơ xung đột rình rập. Thử hỏi, các nước có lợi ích liên quan ở Biển Đông có ngồi yên để Trung Quốc tự tung, tự tác được không. Chính vì vậy, mới có chuyện Mỹ hàng năm phải đưa tàu sân bay đi qua Biển Đông một vài lần, mới có chuyện các tàu khu trục, tàu ngầm Mỹ phải vào Biển Đông tập trận diễu võ dương oai, thậm chí phải tiến hành hoạt động tuần tra biển để bảo vệ tự do hàng hải… Vô hình chung, chính những hành động gây phức tạp tình hình của Trung Quốc đã kéo Mỹ vào hiện diện quân sự trên Biển Đông để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Thế rồi, Trung Quốc lại lấy cớ đó vu cho Mỹ âm mưu xâm lược Trung Quốc để thực hiện cái gọi là quân sự hóa Biển Đông. Như vậy, chưa hẳn là Trung Quốc lo sợ Mỹ xâm lược như họ nói, mà có thể là mưu kế họ bày ra trong tiến trình thực hiện gặm nhấm Biển Đông theo kiểu “Tằm ăn dâu” mà Mỹ lại chính là bung xung để Trung Quốc có lý do giải thích với công luận. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc có rất nhiều thủ đoạn, mưu kế được thực thi mà bên kia thấy được lợi thì vẫn cứ làm chứ không phải đến mức bị lỡm như người ta tưởng. Xét trên bình diện chiến lược, hành động của Trung Quốc đã giúp Mỹ có mặt hợp pháp ở Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải, thực chất là thực thi chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”. Ngược lại, sự có mặt của Mỹ ở Biển Đông phần nào giúp Trung Quốc dựng lên được lý do để biện minh cho các hành động xâm lấn Biển Đông. Vùng biển nhỏ bé này đang có hai con cá mập lớn quẫy cựa, rình rập nhau vì miếng mồi lợi ích. Song, có lẽ thà có hai con còn hơn để một con mặc sức tung hoành.  

Vậy Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông để làm gì?

Binh pháp Trung Hoa từ xa xưa đã có chép rằng, phàm là làm việc gì, cũng phải tính đến mục đích. Một mũi tên được bắn đi, phải trúng nhiều đích thì hẵng bắn, còn chỉ trúng một đích thì hãy xem xét cẩn thận. Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông không phải chỉ để đề phòng Mỹ như họ nói mà có rất nhiều tính toán.

Thứ nhất, không nhiều thì ít, Trung Quốc có một phần chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông chiếu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vì quốc gia này cũng nằm ven Biển Đông. Đã có chủ quyền thì đương nhiên phải bảo vệ. Không lẽ lại bỏ mặc cho các nước được tự do hành xử trên vùng biển của mình. Vì thế, việc triển khai các lực lượng, vũ khí, trang thiết bị để bảo vệ chủ quyền là cần thiết, không có gì phải thắc mắc. Vấn đề là việc triển khai đó ở đâu và với mức độ như thế nào đủ để bảo vệ mà thôi. Những năm 2000 trở về trước, Trung Quốc đã bố trí lực lượng, trang bị vũ khí để bảo vệ rồi và khi đó không có nước nào phản ứng với Trung Quốc cả. Người ta coi đó là việc hiển nhiên. Nhưng từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc lại triển khai thêm tên lửa phòng không tầm xa loại HQ9, ra đa trinh sát tầm xa, máy bay chiến đấu hiện đại ở cả Hoàng Sa, Trường Sa thì rõ ràng không phải chỉ để bảo vệ. Việc làm đó, như các nhà quân sự nhận xét là nhằm mở rộng tầm kiểm soát và khống chế Biển Đông. Vì nhờ ra đa đặt trên đảo Xu Bi, Vành Khăn ở Trường Sa, Trung Quốc có thể theo dõi các hoạt động trên biển tới tận eo biển Malacca về phía Nam, còn HQ9 có thể phóng tới ngoài rìa phía Tây biển Philippines.   

Thứ hai, nếu Trung Quốc không làm tổn hại lợi ích Mỹ thì Mỹ không có lý do gì để xâm lược Trung Quốc, nhưng việc Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực, trong đó có việc điều động lực lượng quân sự hoạt động trên Biển Đông, dù muốn hay không cũng gây tâm lý bất an cho Trung Quốc. Nhất là khi các tàu chiến Mỹ đi gần vào phạm vi 12 hải lý ở các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông khiến Trung Quốc lo ngại. Vì thế, triển khai lực lượng quân sự mạnh ở Biển Đông là giải pháp an toàn cần tính đến.

Thứ ba, việc các nước xung quanh Biển Đông tuyên bố chủ quyền hợp pháp trên biển của mình và có các hoạt động kinh tế, thương mại trên các vùng biển đó nhưng Trung Quốc cho rằng, đó là các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc vì nó nằm trong phạm vi đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vạch ra. Các nước thật “ngang bướng” khi không chịu chấp nhận giải pháp do Trung Quốc đưa ra là “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Trung Quốc “thiện chí” đến thế mà các nước không nghe, cứ tự tiến hành thì tốt nhất phải có “cây gậy” quân sự mạnh ở đây để răn đe họ. Sự kiện Trung Quốc điều 6 tàu quân sự ra bãi cạn Scarborough đuổi tàu cảnh sát biển Philippines chạy re kèn rồi không cho ngư dân nước này đánh bắt cá ở đó và sự kiện tàu hải quân Trung Quốc kịp thời ứng cứu cho tàu cá ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá xâm phạm vùng biển Indonesia bị hải quân Indonesia đuổi bắt cho thấy rõ tính cần thiết của lực lượng quân sự để răn đe các nước. Nói Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông không nhằm vào các nước xung quanh chỉ là luận điệu vỗ về những ai nhẹ dạ, cả tin.

Thứ tư, các tuyến hàng hải trên Biển Đông cũng là tuyến đường Trung Quốc có lợi ích. Hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển trên tuyến đường này bảo đảm chủ yếu cho nền kinh tế Trung Quốc vận hành trơn tru. Nói dại, nếu một nước hay một thế lực bất kỳ nào đó gây sự ở Biển Đông, chặn con đường này lại thì chẳng những kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á điêu đứng mà ngay cả nền kinh tế Trung Quốc cũng gay go. Thế thì, Trung Quốc sao chịu bó tay ngồi yên để khi lâm sự rồi mới quýnh lên thì quả là ấu trĩ. Hơn nữa, có quân sự mạnh ở Biển Đông còn là con bài để gây sức ép với những kẻ bất trị nào dám cả gan chống lại ý đồ của Trung Quốc. Sự kiện đoàn tàu chở trang thiết bị quân sự của Singapore sau khi tham gia diễn tập quân sự với Nhật Bản, trên đường trở về nước ngang qua vùng biển Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giữ cho thấy đây là hành động Trung Quốc dằn mặt Singapore khi nước này dám ủng hộ, bảo vệ lẽ phải, lên án những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ năm, đại chiến lược “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” đặt ra yêu cầu Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển, phải bước ra biển lớn, có các hạm đội tàu lớn vẫy vùng trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, cả Đại Tây Dương nữa như các cường quốc khác. Nhưng Biển Đông lại là cửa ngõ duy nhất để các hạm đội tàu nổi, chìm của Trung Quốc tiến ra các đại dương. Nếu cửa ngõ này bị chặn lại, khép kín thì các hạm tàu Trung Quốc đành cứ loanh quanh trong các vùng biển chật hẹp như Biển Đông, Hoa Đông, Hoa Bắc hay sao. Tham vọng cường quốc số một thế giới đến bao giờ mới thực hiện được. Đây mới là mục đích lớn nhất, căn bản nhất, chiến lược nhất mà Trung Quốc tính đến khi tiến hành tôn tạo đảo trên Biển Đông và trang bị vũ khí hiện đại trên các đảo này. Không lâu nữa, ba bốn hạm đội tàu sân bay Trung Quốc được đóng xong, tất sẽ an toàn đi qua Biển Đông để ra đại dương vẫy vùng. Các nước lớn trên thế giới không thể xem thường sức mạnh Trung Quốc.   

Sơ sơ chỉ ra năm mục đích trên đã cho thấy những tính toán cả trước mắt lẫn lâu dài của Trung Quốc khi tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông và những lời biện minh của ông Vương Nghị cùng các học giả Trung Quốc chỉ là ngụy biện. Nếu Trung Quốc thực tâm cùng các nước trong khu vực “tạo ra một khối cộng đồng cùng chung lợi ích, tin tưởng về chính trị, hòa nhập về kinh tế, giao lưu về văn hóa, một khối cộng đồng cùng chung vận mệnh, cùng chung trách nhiệm” như họ tuyên bố thì Trung Quốc không cần thiết phải có những bước đi, hành động như vậy ở Biển Đông. Vì rõ ràng, Trung Quốc hành động trên thực tế khác với những gì Trung Quốc nói. Nó chỉ khiến cho các nước trong khu vực, trên thế giới thêm nghi ngờ, cảnh giác và thiếu lòng tin vào Trung Quốc mà thôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới