Chủ tịch Trung Quốc có thể nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại khi gặp Trump ở Argentina, khi Mỹ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ gặp nhau tại Buenos Aires, Argentina bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, theo WSJ.
Chính quyền Trump mới chỉ thông báo cho Bắc Kinh về việc xúc tiến kế hoạch gặp mặt giữa hai lãnh đạo trong vài ngày gần đây, trong khi Trung Quốc hy vọng cuộc gặp có thể là cơ hội để cả hai bên tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thương mại đang leo thang.
Theo bình luận viên Zhenhua Lu của SCMP, đây là cơ hội hiếm hoi mà Trung Quốc buộc phải nắm bắt, bởi cuộc gặp này được thúc đẩy bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, những người có quan điểm ôn hòa về thương mại với Trung Quốc và luôn lo ngại về nguy cơ thị trường chứng khoán toàn cầu hỗn loạn khi cuộc chiến kéo dài.
Nếu cuộc gặp Trump – Tập không có kết quả khả quan, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhiều khả năng sẽ khốc liệt hơn, khi quan điểm về thương mại của Trump thường thuận theo những trợ lý có đường lối cứng rắn như Cố vấn Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro hay Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Dennis Wilder, giám đốc khu vực Đông Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng Trung Quốc là phía rất muốn có cuộc gặp trực tiếp với Trump để giải quyết vấn đề thương mại.
“Trung Quốc muốn tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Mỹ vì họ cảm thấy rằng những người thay mặt Trump tham gia đàm phán không phải lúc nào cũng biết được giới hạn của ông ấy”, Wilder nói. “Nên họ muốn tìm hiểu từ chính Tổng thống Trump xem chính xác họ cần phải làm gì để thoát khỏi chiến tranh thương mại”.
Theo chuyên gia này, các quan chức cấp thấp hơn sẽ không thể giải quyết được tranh chấp thương mại khi lãnh đạo không cho họ biết một thỏa thuận mà hai bên có thể đạt được sẽ ra sao. “Cách duy nhất tôi cho rằng có thể xử lý vấn đề này là một cuộc gặp trực tiếp giữa hai lãnh đạo”, Wilder nói.
Tuy nhiên, Trump lại là người rất khó lường và ông gần đây cũng liên tục “tung hỏa mù” về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Phát biểu trong một cuộc vận động hôm 6/10, Trump tuyên bố Mỹ “đang xúc tiến một thỏa thuận với Trung Quốc”, nhưng chỉ ba ngày sau, ông khẳng định ở Nhà Trắng rằng Bắc Kinh “chưa sẵn sàng” cho một thỏa thuận thương mại với Washington, đồng thời tiếp tục đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế với hàng hóa nước này.
“Họ muốn đàm phán, rất muốn được đàm phán, nhưng tôi bảo họ ‘Các anh chưa sẵn sàng đâu’”, Trump nói. “Chúng tôi đã hủy vài cuộc găp vì tôi nói rằng họ chưa sẵn sàng thỏa thuận”.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc đang hứng chịu hậu quả nặng nề khi hàng hóa của nước này bị ông tung đòn áp thuế. “Nếu nhìn vào nền kinh tế của họ hiện nay, bạn sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác”, Trump tuyên bố. “Kinh tế của họ đang tuột dốc không phanh. Tôi vẫn còn nhiều lá bài để chơi và họ sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán”.
Trump đến nay đã áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đe dọa sẽ áp thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa nữa, khiến gần như toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ chịu mức thuế nặng. Bắc Kinh mới chỉ đáp trả bằng cách áp thuế 60 tỷ USD hàng hóa của Washington.
Kudlow cũng tuyên bố trong cuộc gặp sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump sẽ vẫn giữ vững lập trường từ trước tới nay của họ đối với hành vi thương mại của Bắc Kinh.
“Tôi cho rằng phía Trung Quốc sẽ phải tới và nói ‘Được rồi, chúng tôi sẽ thay đổi cơ cấu, tuân thủ luật và sẽ thực hiện một thỏa thuận thương mại công bằng, có ích cho nền kinh tế và lực lượng lao động Mỹ”, cố vấn này nói. “Họ sẽ phải làm điều đó, điều mà họ trước đây chưa thực hiện”.
Lợi thế của Mỹ
Trump đã ra lệnh áp thuế với khoảng 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và đe dọa áp thêm thuế với 267 tỷ hàng nhập khẩu từ nước này. Ảnh: CNN. |
Theo các chuyên gia của Economist, sức ép với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại là rất lớn, khi cách tiếp cận đối đầu với Bắc Kinh của Trump nhận được nhiều sự ủng hộ cả trong và ngoài nước. Dù đòn áp thuế và giọng điệu của ông còn gây nhiều tranh cãi, phần lớn doanh nhân, quan chức chính quyền và thành viên lưỡng đảng Mỹ đều có chung quan điểm rằng đã đến lúc trừng phạt các hành vi thương mại của Trung Quốc.
“Mục tiêu của Trung Quốc là vươn lên vị trí thống trị thế giới, và lưỡng đảng của Mỹ đều ủng hộ nỗ lực đẩy lùi tham vọng này”, John Barrasso, ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, tuyên bố. Mỹ đã tung ra một loạt biện pháp đáp trả, từ việc tăng nguồn tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, cho tới truy tố một sĩ quan tình báo Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động gián điệp kinh tế.
Sự đồng thuận trong hệ thống dân chủ giúp Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ của dư luận đối với những thiệt hại về tài chính và những hậu quả khác do cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc gây ra. Ngoài ra, việc có hệ thống đồng minh mạnh trên khắp thế giới cũng giúp Mỹ có lợi thế quan trọng.
Theo Kudlow, những yêu cầu của chính quyền Trump để buộc Trung Quốc phải thay đổi các hành vi thương mại của mình đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều nước trên thế giới. “Châu Âu có chung quan điểm với chúng tôi, cả Nhật và Canada cũng vậy, nên chúng tôi sẽ chờ xem kết quả thế nào”, ông nói.
Các quan chức Mỹ cảnh báo với Trung Quốc rằng Trump sẽ không thảo luận về thương mại với ông Tập tại hội nghị G20 nếu Bắc Kinh không đưa ra được danh sách những nhượng bộ chi tiết, theo Financial Times. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố họ đã có danh sách đó, nhưng sẽ không đưa ra nếu Mỹ không đảm bảo “môi trường chính trị ổn định”, trong đó có việc chỉ định một quan chức có đủ thẩm quyền để thay mặt chính quyền Trump đàm phán với Bắc Kinh.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuần trước chỉ trích các nhà đàm phán Mỹ liên tục thay đổi lập trường, khiến Bắc Kinh “không biết chính xác Washington đang muốn gì” và cho rằng chính quyền Trump dường như đang tìm cách ép Trung Quốc chấp nhận những điều khoản “vô lý”.
“Trung Quốc sẵn sàng đưa ra một số nhượng bộ và đi đến thỏa thuận, nhưng phía Mỹ đang tìm cách đạt được điều như Mỹ sẽ có 100%, còn Trung Quốc chẳng có gì”, ông Thôi nói. “Tôi không cho rằng điều đó là công bằng và khả thi”.