Các chuyên gia kinh tế lo kinh tế Việt Nam thiệt đơn, thiệt kép trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại tọa đàm công bố báo cáo vĩ mô quý /III.2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 10/10, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo về lưỡi gươm đang treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, Trung Quốc vốn có lợi thế, giờ có thêm nhu cầu xuất khẩu sản phẩm từ nội địa Trung Quốc sang các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu là vừa tiêu thụ hàng hóa của họ, vừa để tìm đường xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua nước thứ ba. Như vậy, kinh tế Việt Nam chịu thiệt đơn, thiệt kép
Theo bà Phạm Chi Lan, khi hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện sự chèn ép đối với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp trong nước. Điều này đồng thời cũng sẽ khiến phía Mỹ đưa Việt Nam vào tầm ngắm trong hoạt động áp thuế chống lẩn tránh, bán phá giá.
“Hầu hết sản phẩm chúng ta đang xuất khẩu đều làm gia công trên cơ sở nhập nguyên liệu, sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục làm gia công như trước, không tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn ở Việt Nam, sản phẩm của chúng ta sẽ bị coi là không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Bản thân Việt Nam cũng là một quốc gia xuất siêu lớn thứ 5 sang thị trường Mỹ, thanh gươm vẫn đang treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp Việt Nam rồi. Cộng thêm yếu tố Trung Quốc đẩy đầu tư, hàng hóa sang Việt Nam có thể khiến chúng ta bị đưa tên vào danh sách trừng phạt do xuất siêu sang Mỹ”, báo Dân Việt dẫn lời bà Phạm Chi Lan phân tích.
Chuyên gia kinh tế- TS Lê Đăng Doanh cũng nhận định rằng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu không ít thiệt hại từ cuộc chiến thương mại này.
Dẫn chứng câu chuyện Tào Tháo chiêu dụ Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ nỗi lo của mình đối với doanh nghiệp Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Ông Doanh cho biết: “Tác động về cán cân thương mại rất rõ ràng. Giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu trang thị trường Mỹ là 503 tỷ USD, giờ không xuất khẩu được họ sẽ tìm kiếm thị trường khác và Việt Nam là một thị trường gần gũi với họ.
Trung Quốc sẽ tìm cách đi cả cửa trước và cửa sau, thậm chí tuồn hàng hóa qua biên giới hai nước. Nếu có doanh nghiệp Việt Nam dùng hàng hóa Trung Quốc, nhưng dán mác Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Mỹ sẽ dẫn tới con sâu làm dầu nồi canh bởi hàng rào nhập khẩu phía Mỹ lập ra rất khắt khe. Chỉ cần phát hiện một trường hợp gian lận, cả ngành hàng xuất khẩu sẽ chịu tác động”.
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 của VEPR, mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, còn nhiều lo ngại về mức lạm phát chi tiêu 4%.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.
Theo ông, chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV năm nay. Tuy nhiên, về lạm phát trong năm 2019, nếu giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu. Theo tính toán sơ bộ của VEPR, chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm.
“Mức mục tiêu 4% như những năm vừa qua là khó đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy”, TS Nguyễn Đức Thành nói.