Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ “khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” để “trị” TQ

Mỹ “khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” để “trị” TQ

Nếu kinh tế Trung Quốc bị kéo lùi lại do hệ quả của chiến tranh thương mại thì có thể dẫn đến thất nghiệp tăng, nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao, thị trường chứng khoán giảm tốc, đồng tiền mất giá, dự trữ ngoại hối sụt giảm, nguồn tiền đổ vào chi tiêu quốc phòng cũng như đầu tư cho chiến lược “vành đai, con đường” không còn được dồi dào như trước.

Làm suy yếu đối thủ tiềm tàng về mọi mặt

Đối với Chính quyền Trump, “mối đe dọa” lớn nhất, trực tiếp nhất và “nguy hiểm” nhất hiện nay đối với vị trí siêu cường và hệ thống quốc tế do Mỹ đóng vai trò chủ đạo không còn là chủ nghĩa khủng bố hay mối đe doạ từ Nga mà là từ Trung Quốc và điều này được nêu rõ trong Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố đầu năm 2018. Thách thức này lớn hơn hẳn so với tất cả các thách thức mà Mỹ từng phải đương đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, mối đe dọa của Liên Xô chủ yếu từ góc độ an ninh và quân sự, an ninh chứ chưa bao giờ là thách thức kinh tế. Còn Nhật, thì chỉ tạo ra thách thức kinh tế, thương mại đối với Mỹ trong một thời gian ngắn chứ còn xét về các khía cạnh khác như dân số, chiến lược hay ý thức hệ thì Nhật lại không hề có tham vọng thách thức hay soán ngôi Mỹ.

Trái lại, trong các cường quốc lớn trên thế giới hiện nay, chỉ duy nhất Trung Quốc vừa có sức mạnh kinh tế, lẫn sức mạnh quân sự với kho vũ khí hạt nhân hùng hậu, có dân số đông nhất thế giới, có lãnh thổ đủ rộng, có ý thức hệ khác biệt, hơn nữa Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và có lẽ hiện là cường quốc duy nhất, ngoài Mỹ, có tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới.

Trong 500 năm qua, lịch sử thể giới đã chứng kiến 16 cuộc đối đầu giữa một cường quốc đã được thiết lập và một cường quốc đang trỗi dậy và tìm cách soán ngôi thì 12 trong số đó kết thúc bằng chiến tranh. Thực ra, ngay từ cách đây ba năm, tác giả của bài viết này cũng đã từng đưa ra cảnh báo về “cái bẫy Thucydides” và cuộc xung đột “định mệnh” (xem bài: Xung đột Trung-Mỹ: Định mệnh không lối thoát?). 

Đặt cạnh tranh Trung – Mỹ trong bối cảnh đó thì xung đột thương mại chỉ là “câu chuyện nhỏ”, còn câu chuyện lớn hơn là sự cạnh tranh chiến lược, đối đầu trực diện về mọi mặt, trong đó Mỹ là bên đóng vai trò chủ động.

Vậy tại sao Trump lại chọn cuộc chiến thương mại (trade war) và tại sao lại vào lúc này? Trước hết đây là thời điểm kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất trong hai thập kỷ qua, tính từ các góc độ: niềm tin của người tiêu dùng, giới doanh nghiệp; sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán cao nhất mọi thời đại; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục (3,7%)… Điều này có được một mặt là do cố gắng của chính quyền Trump, nhưng cũng có yếu tố may mắn khác là kinh tế Mỹ đang ở đỉnh cao của chu kỳ tăng trưởng. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn điều chỉnh, phát triển chậm lại sau giai đoạn phát triển quá nóng theo chiều rộng. Điều này có nghĩa, Trump đang ở thế thượng phong để tung các “đòn độc” mà không sợ bị ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Mỹ.

Còn chọn lĩnh vực thương mại vì theo tính toán của chính quyền Trump, đây là lĩnh vực Trung Quốc dễ tổn thương nhất do cán cân thương mại hai bên quá chênh lệch: Năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 130 tỷ USD, còn nhập khẩu khoảng 506 tỷ USD, tức thâm hụt thương mại tới 376 tỷ USD. Trump cho rằng: (i) Là nước chịu thâm hụt thương mại lớn, Mỹ trong vai người mua mới ở vị trí thượng phong; (ii) Những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế bằng hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác; (iii) Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Trung Quốc, và thương mại đóng góp tới 1/3 tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, đích cuối cùng của Trump là đánh vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá của Trung Quốc, chặn việc tiếp cận công nghệ cao để đi tắt đón đầu, và buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường, thay đổi cơ cấu kinh tế theo ý đồ của Mỹ. Nếu chấp nhận, nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ bị kéo lùi, rơi vào tình trạnh, suy thoái, trì trệ như của Nhật bần 30 năm trước. Đây là lý do mà Trung Quốc không thể chấp nhận và các cuộc đàm phán Mỹ-Trung về giải tỏa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cho đến nay không đạt kết quả.

Có thể dễ dàng nhận thấy, nếu kinh tế Trung Quốc bị kéo lùi lại do hệ quả của chiến tranh thương mại thì có thể dẫn đến những hệ quả ghê gớm: thất nghiệp tăng, nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao, thị trường chứng khoán giảm tốc, đồng tiền mất giá, dự trữ ngoại hối sụt giảm, nguồn tiền đổ vào chi tiêu quốc phòng cũng như đầu tư cho chiến lược “vành đai, con đường” sẽ không còn được dồi dào như trước.

Điều đáng chú ý là đi ngược lại dự báo của hầu hết các nhà kinh tế, Trump càng siết chặt thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ thì kinh tế Mỹ lại càng nhận được tín hiệu tốt chứ không phải theo chiều ngược lại.

Một tín hiệu nữa không tốt cho Trung Quốc là Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross vừa “khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” (poison pill) để “trị” Trung Quốc, đó là “cấy” vào Hiệp định thương mại USMCA vừa ký giữa Mỹ, Mexico và Canada (thay cho Hiệp định NAFTA) một điều khoản cho phép hai nước còn lại có thể huỷ hiệp định 3 bên và ký hiệp định thương mại tự do song phương nếu một trong ba nước ký USMCA ký hiệp định thương mại tự do với nước có nền kinh tế “phi thị trường”, hàm ý chỉ Trung Quốc. Bộ trưởng Ross còn tiết lộ, Mỹ sẽ đưa điều khoản này vào các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán với Nhật Bản và EU, nhằm mục đích gây sức ép tối đa lên Trung Quốc.

“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”

Về cách tiếp cận, chính sách kinh tế của Trump sau khi nhậm chức không khác mấy so với người tiền nhiệm Ronald Reagan cách gần 40 năm về trước với chính sách kinh tế Reaganomics, đó là: Ở trong nước, Reagan cắt giảm chi tiêu của chính phủ nhằm giảm thâm hụt ngân sách, trong khi giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 48% xuống còn 34% nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất. Còn người dân, thuộc tất cả các giới được miễn giảm mạnh thuế cá nhân, trong đó giới giàu có, trung lưu, được hưởng lợi nhất, nhằm khuyến khích tiêu dùng trong nước. Ngoài ra Reagan còn tìm cách tăng lãi suất đồng USD trong nước rất cao, có lúc lên tới 21,5% nhằm thu hút tiền từ trong nước Mỹ và từ khắp thế giới với hai mục tiêu: (i) Tái cấu trúc và hiện đại nước Mỹ; (ii) Đổ tiền vào cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô.

Trong thời kỳ Reagan, ngoài chuyện củng cố sức mạnh kinh tế, Mỹ còn “đánh gục” Liên Xô bằng các đòn “hội đồng” như cùng OPEC phối hợp hạ giá dầu để triệt hạ nền kinh tế Liên Xô vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu, đồng thời buộc Liên Xô phải tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và cả khối NATO, cũng như gài bẫy để Liên Xô dính vào “cú lừa thế kỷ” về sáng kiến “Chiến tranh các vì sao” của Mỹ. Điều này đã buộc Gorbachev phải đi vào hòa dịu, giải trừ quân bị với Mỹ, rồi tiến tới “tự giải thể” khối quân sự Warsaw Pact, khối kinh tế Comecon giữa Liên Xô và các nước Đông Âu, cũng như Liên Bang Xô viết trong giai đoạn cuối 1980s, đầu 1990s.

Về cơ bản, Trump cũng có cách tiếp cận về kinh tế và quân sự tương tự Reagan, nhưng có một số điều chỉnh do bối cảnh quốc tế hiện nay, cũng như tương quan, so sánh sức mạnh tổng thế giữa Mỹ với các đồng minh, địch thủ cũng có những thay đổi căn bản.

Về kinh tế, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” (America First) và cách làm quyết liệt đi đôi giữa nói và làm, Trump đang tìm cách lấy lại sức mạnh kinh tế cho nước Mỹ thông qua một loạt biện pháp chính như: (i) Giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%; (ii) Giảm đồng loạt thuế thu nhập cá nhân, với tổng số thuế cắt giảm lên tới 1.500 tỷ USD trong thơi gian tám năm từ 2018-2025: (iii) gỡ bỏ đáng kể các luật lệ, rào cản đối với doanh nghiệp; (iv) rút khỏi hoặc bỏ qua các hiệp định thương mại đa phương, đàm phán lại các hiệp định tự do thương mại song phương, nhấn mạnh đến yếu tố “công bằng”, đảm bảo quyền tiếp cận thị trường nước ngoài tốt hơn cho hàng hóa Mỹ; (v) Gây sức ép bằng hình thức thuế quan để ép các công ty Mỹ và công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, công nghệ hoặc mở nhà máy trên đất Mỹ.

Với hàng loạt biện pháp mang tính quyết liệt, và phần nào đó khá cực đoan, Trump đã ghi được bảng thành tích kinh tế khá tốt dẫu mới cầm quyền chưa được hai năm. Cu thể là:

– Tỷ lệ thất nghiệp tính đến đầu tháng 10/2018 giảm xuống còn 3,7%, mức thấp nhất trong 50 năm qua.

– Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017, năm đầu tiên Trump nắm quyền, là 2,3%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ 1,5% năm 2016 trước đó. Con Quý II, tốc độ tăng trưởng đạt 4,2%, mức cao nhất kể từ năm 2014.

– Lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện ở mức cao nhất tính từ thời điểm năm 2000.

– Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ hiện vào khoảng 26.500 điểm, tức cao khoảng 33% so với đỉnh cao 20.000 điểm dưới thời Obama.

Thành tích kinh tế này trái ngược với đà đi xuống của kinh tế Trung Quốc, cũng như thực trạng tương đối ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế khác.

Trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, Trump không chỉ mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng với ngân sách quốc phòng năm 2018 và 2019 lần lượt là 640 tỷ và 716 tỷ USD, tức gấp khoảng 5 lần so với ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc. Không chỉ một mình tăng ngân sách quốc phòng, Trump còn bằng mọi cách gây sức ép buộc các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc, Nhật, và các nước đồng minh trong NATO tăng ngân sách quốc phòng để tạo sức mạnh cộng hưởng và đã thành công ở mức độ nhất định khi một số nước châu Âu thành viên NATO đẩy nhanh mức chi ngân sách quốc phòng từ mức trên dưới 1% hiện nay lên mức 2% tổng GDP trước năm 2024. Cách lập luận của Trump rất đơn giản, nhưng hiệu quả: Nếu muốn dựa vào ô an ninh của Mỹ thì trước hết các đồng minh phải thực sự quan tâm đến củng cố quốc phòng của mình thông qua việc tăng ngân sách cho lĩnh vực này. Nếu như đến an ninh của mình mà họ cũng không quan tâm thì cũng chẳng có lý do để Mỹ phải bận tâm.

Đáng chú ý là cách tiếp cận và tìm cách xích lại gần Nga của chính quyền Trump. Trong nội bộ Mỹ, không khí và quan hệ thù địch với Nga hiện khá cao do những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử 2016 để Trump lên nắm quyền vẫn chưa được giải tỏa. Tuy nhiên, Trump vẫn nhắm đến Nga với nhiều mục tiêu khác nhau:

Thứ nhất, Trump cho rằng Nga tuy bị suy yếu nhiều, nhưng xét từ góc độ quân sự, Nga vẫn là cường quốc quân sự duy nhất có thể đưa nước Mỹ “trở về thời kỳ đồ đá” nếu xảy ra xung đột quân sự. Do đó, để quan hệ Mỹ-Nga ở tình trạng đối đầu lâu dài sẽ không có lợi.

Thứ hai, việc xích lại gần Nga sẽ làm cho các nước châu Âu thành viên NATO lo ngại và do vậy không cần gây thêm sức ép cũng buộc họ tự tăng ngân sách quốc phòng.

Thứ ba, việc đi với Nga còn là cách để Mỹ tạo sức ép tối đa lên Trung Quốc – quốc gia được xem như địch thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ vào lúc này. Nhìn cách Trump đi với Nga để tạo sức ép lên Trung Quốc lúc này thấy không khác mấy so với cách mà Mỹ dưới thời Nixon và Kisinger tìm cách khai thông quan hệ với Trung Quốc trong những năm 1970s, để cô lập và tạo sức ép tối đa lên Liên Xô, để rồi nước này đi vào con đường thỏa hiệp với Mỹ rồi tự tan rã vào năm 1991.

Hiện còn quá sớm để đánh giá hết những tác động từ các bước đi của Trump trong việc củng cố sức mạnh Mỹ. Ngay cả thời Reagan, dù ra khỏi Chiến tranh lạnh với tư cách người chiến thẳng, nhưng nước Mỹ cũng “thương tích đầy mình”, chẳng hạn như nợ công tăng mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm… Còn Trung Quốc là cường quốc thứ hai, có nhiều sức mạnh vượt trội chứ không phải là cường quốc chỉ dựa vào sức mạnh quân sự và lệ thuộc và dầu khí như Liên Xô trước kia. Tuy nhiên, các tác động của cuộc chiến thương mại này với cả hai, đặc biệt là với Trung Quốc, với nền kinh tế thế giới và các cấu trúc khu vực và toàn cầu thì ngày càng rõ nét.

RELATED ARTICLES

Tin mới