Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnSợ bẫy nợ TQ, thêm nước châu Phi hủy dự án

Sợ bẫy nợ TQ, thêm nước châu Phi hủy dự án

Sierra Leone đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên hủy một dự án trị giá hơn 300 triệu USD với Trung Quốc vì lo ngại vướng vào bẫy nợ.

Ngày 11/10, Sierra Leone đã đưa ra quyết định hủy bỏ kế hoạch xây dựng sân bay mới trị giá 318 triệu USD ở ngoại ô thủ đô Freetown với một doanh nghiệp của Trung Quốc. Được biết, dự án này được lấy kinh phí từ nguồn vốn vay mà Bắc Kinh rót vào.

Tuy nhiên, Sierra Leone đã tự trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên hủy một dự án với Trung Quốc vì lo ngại khối nợ khổng lồ vượt quá khả năng trả nợ của họ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Hàng không Sierra Leone Kabineh Kallon cho rằng sân bay này dù được lên dự án nhưng sẽ là lãng phí không cần thiết.

“Sau khi xem xét và làm việc nghiêm túc, quan điểm của Chính phủ Sierra Leone là không kinh tế nếu tiến hành xây dựng sân bay mới trong khi sân bay hiện tại đang hoạt động ổn định” – Ông Kallon cho biết.

Theo ông Kallon, chính phủ của ông quyết định mở rộng, cải tạo sân bay hiện tại thay vì xây dựng sân bay mới. Được biết, Sierra Leone là một trong những quốc gia nghèo đói nhất tại châu Phi, bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đánh giá đang ở ngưỡng nợ công cao. Tuy nhiên quốc gia này lại rất giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Lâu nay, Trung Quốc đã cho các nước tại châu Á và châu Phi mượn nhiều tỷ USD để phục vụ các dự án về đường sá, đường sắt, bến cảng và các dự án hạ tầng lớn khác.

Reuters dẫn số liệu thống kê từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins ở Washington cho biết từ năm 2000 đến năm 2016, Trung Quốc đã cho châu Phi vay khoảng 125 tỷ USD.

Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của nhiều quốc gia châu Phi, trong đó phải kể tới Djibouti khi Bắc Kinh nắm tới 77% tổng nợ của nước này tính đến cuối năm 2016 hay Zambia – quốc gia vay mượn ít nhất 6,4 tỷ USD từ Trung Quốc.

Những món quà tỷ USD mà Trung Quốc tặng cho châu Phi đã giúp nước này đặt chân vào lục địa đen sâu hơn. Các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nhờ đó đẩy mạnh các hoạt động đầu tư lớn tại châu Phi – nơi nguồn tài nguyên dồi dào đã tiếp lực cho quá trình chuyển đổi của Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế.

Các chuyên gia quốc tế đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc khai thác ồ ạt khoáng sản và nguyên liệu thô tại châu Phi mang về nước, không có đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương cũng như kèm theo ý đồ khác về chiến lược và chính trị trong các dự án.

Không dừng ở đó, các doanh nghiệp Trung Quốc còn mang hàng ngàn nhân công từ Trung Quốc sang như ở Ghana và Nigeria hoặc thuê công nhân địa phương với giá rẻ mạt như tại Zambia.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang đẩy các nước châu Phi vào “bẫy nợ” khi cho các nước này vay tiền nhưng không có khả năng thanh toán.

So bay no Trung Quoc, them nuoc chau Phi huy du an
Sierra Leone là một trong những quốc gia nghèo đói nhất châu Phi, từng trải qua một cuộc nội chiến

Trường hợp điển hình là Sri Lanka. Nội chiến kết thúc năm 2009 kéo theo nhu cầu kiến thiết đất nước khẩn cấp của Sri Lanka và Bắc Kinh là nhà cung cấp viện trợ hào phóng nhất, lên đến 15 tỷ USD trong giai đoạn 2005-2017.

Tính đến cuối năm 2015, Sri Lanka nợ nước ngoài lên đến 94% GDP, trong đó có 8 tỷ USD của Trung Quốc.

Tháng 9/2014, dự án thành phố cảng Colombo của Sri Lanka và Trung Quốc được khởi công với sự có mặt của lãnh đạo hai nước là ông Mahinda Rajapaksa và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong vòng hai năm sau đó, tiến độ xây dựng liên tục bị trì hoãn do xích mích giữa nhà thầu và chính quyền địa phương khiến hải cảng này vẫn không thu hút được tàu thuyền quốc tế.

Khu vực cảng Hambantota với vốn đầu tư 1,5 tỉ USD cũng chịu tình trạng thất bại tương tự và đến cuối năm 2017 thì chính phủ Sri Lanka đã bán 80% hải cảng này cho Trung Quốc với giá 1,1 tỷ USD để giải quyết áp lực nợ.

Sự hoạt động kém hiệu quả so với vốn đầu tư của hai dự án đã đóng góp không nhỏ vào số nợ nước ngoài của Sri Lanka.

RELATED ARTICLES

Tin mới