Sự việc tàu USS Decatur thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hôm 30/9 vừa qua bị một tàu khu trục của Trung Quốc áp sát “nguy hiểm” trên Biển Đông đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận các nước. Đa phần các chỉ trích đều cho rằng hành động của Trung Quốc rất đáng quan ngại, tiềm ẩn nguy cơ gây “bất ổn và nguy hiểm” ở khu vực.
Tàu Type 052C lớp Lữ Dương của Trung Quốc (phải) áp sát tàu USS Decatur của Mỹ trong khoảng cách 41 m. Nguồn: US Navy
Hành động nguy hiểm của Trung Quốc
Vụ việc được Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ công bố hôm 1/10. Khi tàu USS Decatur (DDG-73) của Hạm đội này đang thực hiện cuộc tuần tra tự do hàng hải kéo dài 10 giờ trong khu vực 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Côlin (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) hôm 30/9 thì bị một tàu khu trục Type 052C lớp Lữ Dương của Trung Quốc theo dõi, áp sát và liên tục phát ra yêu cầu tàu USS Decatur của Mỹ phải rời khu vực. Sau đó, tàu chiến Trung Quốc đã chắn trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chưa đến 41 m, buộc khu trục hạm Decatur đổi hướng để tránh va chạm. Đây là hành động cho thấy mức độ hung hãn, nguy hiểm ngày càng gia tăng của Trung Quốc, bất chấp luật pháp và hậu quả nghiêm trọng có thể gây ra cho phía bên kia.
Vẫn như thường lệ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại ra tuyên bố ngang ngược khẳng định Trung Quốc “có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể chối cãi” trên các đảo và vùng nước quanh các đảo này và tình hình Biển Đông đang tiến triển tốt nhờ nỗ lực hợp tác của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Theo Bộ này “phía Mỹ liên tục đưa tàu quân sự trái phép vào vùng nước gần các đảo Nam Hải, đe dọa nghiêm trọng an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, gây tổn thất nghiêm trọng cho quan hệ quân sự Trung – Mỹ và gây hại nghiêm trọng cho an ninh và sự ổn định của khu vực”; đồng thơig tuyên bố Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố, kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động “khiêu khích” và “lập tức chỉnh sửa các sai phạm”.
Phản ứng của các nước
Phía Mỹ đã công khai thông tin và hình ảnh làm chứng cứ về mức độ hung hãn của Trung Quốc. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hai tàu chiến chạm trán nhau được một trang mạng Mỹ đăng tải đầu tiên. 3 quan chức Mỹ sau đó xác nhận với CNN rằng đó chính là tàu USS Decatur và tàu Trung Quốc. Đại tá Charles Brown, Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chỉ trích tàu Trung Quốc có “hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp trên Biển Đông”. Đại tá Charles Brown nói thêm “chúng tôi thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, như đã thực hiện trong quá khứ và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai. Lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục bay, lưu thông tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Làn nước cũng từng triển khai tàu tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và nhiều lần chỉ trích hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, Australia đã lên án những hành động nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông sau vụ tàu khu trục Trung Quốc chặn đầu tàu chiến Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne hôm 3/10 nhận định các báo cáo về lần chạm trán giữa tàu khu trục Trung Quốc và tàu chiến Mỹ hôm 30/9 là “rất đáng quan ngại”. Ông cho rằng phía Trung Quốc đã sử dụng những chiến thuật nguy hiểm trong sự việc lần này. “Chúng tôi xem mọi hành động đe dọa và các chiến thuật hung hăng là hành vi gây bất ổn và nguy hiểm. Australia đã liên tiếp bày tỏ quan ngại về những hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả những bên tranh chấp kiềm chế, không thực hiện các hành vi đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Australia nhấn mạnh.
Phản ứng của truyền thông và giới chuyên gia, học giả
Các hãng truyền thông quốc tế uy tín (Reuter, CNN, ABC, AP…) đều nhận định vụ việc diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao vì một loạt vấn đề. Các tàu chiến Trung Quốc thường theo dõi tàu Mỹ trong các hoạt động tự do hàng hải nhưng những tương tác đó thường được xem là an toàn. Căng thẳng diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển Thiết bị thuộc quân đội Trung Quốc vì cơ quan này mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 và tên lửa phòng không S-400 từ Nga. Hôm 23-26/9, Mỹ đã 2 lần điều động “pháo đài bay” B-52 bay qua vùng biển khu vực khiến Trung Quốc tức giận. Chỉ vài ngày sau, hàng chục máy bay thuộc biên chế Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hủy kế hoạch đến Bắc Kinh vào cuối tháng 10, theo lời các quan chức. Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ, khi Washington đang xem nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh là sự hạn chế quyền tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược đang có sự hoạt động tất bật của hải quân Trung Quốc, Nhật Bản và của các nước Đông Nam Á, theo Reuters.
Hãng tin ABC cho biết các tàu của Trung Quốc vẫn thường tiếp cận tàu Hải quân Mỹ ở các hoạt động FONOP trước đó ở biển Đông nhưng vụ việc hôm 30-9 có vẻ là lần tiếp cận gần nhất. Ông Carl Schuster, cựu Chỉ huy Hải quân Mỹ với kinh nghiệm 12 năm làm việc trên biển, cho biết việc tiếp xúc ở cự ly gần khiến hạm trưởng chỉ có vài giây để tiến hành đổi hướng. Ông khẳng định việc tàu chiến Trung Quốc áp sát tàu chiến Mỹ chỉ chưa tới 900m là tình huống rất nguy hiểm. Giáo sư Schuster tại Đại học Hawaii Thái Bình Dương cho biết trong những tình huống như vậy, hạm trưởng cần phải bẻ lái trong phút chốc và điều chỉnh tốc độ động cơ chính xác để giữ khoảng cách với đối phương, thậm chí một sai lầm nhỏ có thể dẫn tới đụng độ. Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc toan tính can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ, dự kiến tổ chức vào ngày 6/11 tới. Ông nói Bắc Kinh không muốn ông hoặc đảng Cộng hòa của ông đạt kết quả tốt, vì chính sách thương mại cứng rắn của ông.
Những động thái của Mỹ những ngày qua ở Biển Đông tiếp tục cho thấy lập trường từ trước tới nay của Mỹ rằng các cuộc tuần tra tại Biển Đông là cách thức để Washington đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển tranh chấp này. Mỹ cũng đã đề nghị các nước khu vực và đồng minh tăng cường tham gia hoạt động này. “Tôi nghĩ các bạn sẽ tiếp tục chứng kiến các hoạt động tuần tra tự do hàng hải. Sẽ có thêm nhiều nước triển khai lực lượng tại khu vực này. Sự hiện diện tại Biển Đông là vô cùng quan trọng bởi Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền với mọi thứ bên trong đường 9 đoạn”, tờ Washington Examiner hôm 7/8 dẫn tuyên bố của Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương. Theo Schriver, Trung Quốc đơn phương vẽ ra “đường 9 đoạn” trên Biển Đông để yêu sách chủ quyền đối với khu vực cách bờ biển nước này tới hơn 1.500 km, trái với mọi quy định của luật pháp quốc tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt tranh cãi ngoại giao, thậm chí có thể là đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, bao gồm cả Philippines, đồng minh của Mỹ. Trước đó, Lầu Năm Góc giữa tháng 6 tuyên bố cân nhắc về một chiến dịch tự do hàng hải cứng rắn hơn trên Biển Đông. Động thái có thể bao gồm việc tuần tra dài hơn, sử dụng nhiều tàu hơn hoặc tiến gần các đảo nhân tạo Trung Quốc cải tạo trái phép. Quốc hội Mỹ ngày 3/8 thông qua dự luật quốc phòng trị giá 716 tỷ USD với những điều khoản được cho là cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay, đặc biệt nhằm vào hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Cùng thời điểm diễn ra vụ việc giữa tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc, Lực lượng Hải quân của Singpore, Malaysia, Australia, New Zealand và Anh đang tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật tại khu vực Biển Đông từ ngày 2/10 và kéo dài 18 ngày. Cuộc tập trận mang tên BERSAMA LIMA 18 sẽ bao gồm diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện thực tế nhằm nâng cao sự hiểu biết về chiến thuật và quy trình hoạt động của các nước tham gia tập trận. 5 nước tham gia tập trận như vừa nêu nằm trong Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) được ký vào năm 1971. Bộ Quốc phòng Australia cho biết trong lần tập trận này, Australia điều 9 chiến đấu cơ, máy bay săn tàu ngầm và tiếp nhiên liệu, 2 tàu hải quân và một trung đội lục quân. Ngoài Australia, hiện chưa có thông tin về thành phần tham gia tập trận của 4 nước còn lại. Trong thời gian gần đây, các cường quốc thế giới đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, thách thức những hoạt động quân sự hóa và lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực này. Hồi giữa tháng trước, tàu ngầm Nhật Bản lần đầu tiên đã tham gia diễn tập cùng tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.
Trước các diễn biến vừa qua ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hoạt động xây dựng, cải tạo, quân sự hóa tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp. Việt Nam cũng hoan nghênh mọi nỗ lực duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. “Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phản đối các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chủ trương giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử chung ở khu vực”.
Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng COC.