Bản tin Biển Đông ngày 16/10/2018.
Australia thể hiện lập trường thận trọng về vấn đề Biển Đông
Ngày 15/10, Sydney Morning Herald đưa tin, phát biểu bên lề Hội nghị của Viện các vấn đề quốc tế Australia tại Canberra, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã thể hiện lập trường thận trọng một cách rõ ràng về việc tiến hành các cuộc tuần tra trên biển ở Biển Đông sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nhiều hơn ở vùng biển tranh chấp này. Bình luận về phát biểu của ông Bolton, bà Payne cho rằng bà đã nhiều lần khẳng định Australia đang ngày càng can dự vào khu vực, trong đó có các cuộc tập trận quân sự rộng lớn, nhưng bà Payne tránh đưa ra bình luận trực tiếp về các cuộc tuần tra hay tập trận ở Biển Đông. Thay vào đó, bà Payne nhấn mạnh Australia đã luôn đưa ra quan điểm qua các phát biểu của các lãnh đạo và Bộ trưởng của Australia về vấn đề tự do hàng hải và tự do hàng không. Mỹ muốn Australia tham gia vào các cuộc phô trương sức mạnh hải quân, không quân để thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông; tuy nhiên, Australia chưa từng tiến hành cái gọi là “hoạt động tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý các cấu trúc này. Bà Payne khẳng định “dù sao thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ những gì chúng tôi còn bất đồng về đường lối chính sách của Mỹ, thừa nhận rằng thậm chí những đồng minh thân cận nhất cũng vẫn có thể có nhiều bất đồng với nhau”.
Hải quân Trung Quốc tham gia tập trận chung với Thái Lan và Malaysia
Ngày 15/10, South China Morning Post đưa tin, trong tuần này, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Việt Nam và Singapore, một cuộc tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sẽ được tổ chức tại eo biển Malacca. Cuộc tập trận mang tên Hòa bình và Hữu nghị sẽ bắt đầu vào ngày thứ Bảy, 20/10 và kéo dài 9 ngày. Trung Quốc sẽ cử 3 tàu khu trục và hộ vệ, 2 trực thăng chở hàng, 3 máy bay vận tải loại Il-76 và 692 quân lính tham gia cuộc tập trận này. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc tập trận nhằm thể hiện ý chí chung của lực lượng vũ trang ba nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông, tăng cường trao đổi và hợp tác thực tế, nâng cao năng lực các nước cùng đối phó với nhiều mối đe dọa an ninh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết thêm, cuộc tập trận này “không nhằm vào bất cứ nước nào cả”.
Các nhà quan sát quân sự và ngoại giao cho rằng cuộc tập trận ba bên này cho thấy các nước ASEAN và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, đặc biệt là trong các lĩnh vực ít nhạy cảm. Collin Koh, chuyên gia an ninh biển tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, đánh giá, “đối với Malaysia và Thái Lan, đây là cách thể hiện việc xây dựng lòng tin với Trung Quốc và cũng là dấu hiệu cho thấy họ không chọn đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông”. Ông Koh cũng cho biết thêm, “Trung Quốc sẽ coi đây là một cơ hội nữa để chứng minh có thể cùng các nước ASEAN bảo vệ hòa bình và ổn định, và tất nhiên, điều này sẽ đóng góp vào những biện minh tổng thể mà Trung Quốc thường sử dụng để loại sự can thiệp của nước bên ngoài vào vấn đề Biển Đông”.
Quản lý căng thẳng ở Biển Đông nóng bỏng
Ngày 16/10, The Diplomat đăng bài viết của Lục Anh Tuấn, Nghiên cứu sinh Trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học New South Wales, Australia. Bài viết nhắc lại nhận định của Collin Koh Swee Lean, Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore hồi cuối tháng 8, so sánh Biển Đông khi đó như một “nồi súp đang sủi tăm”. Tác giả bài viết cho rằng những diễn biến ở Biển Đông trong tháng 9-đầu tháng 10 vừa qua cho thấy căng thẳng trên bề mặt của nồi súp này sẽ sớm chuyển sang trạng thái sôi sục. Việc Trung Quốc phản ứng với tàu chiến USS Decatur của Mỹ thực hiện tự do hàng hải ở Trường Sa là không thể dự đoán trước. Theo Carlyle Thayer, đây là lần đầu tiên hành động của Trung Quốc tạo ra một nguy cơ thực sự về va chạm với tàu hải quân của Mỹ khi thực hiện tự do hàng hải. Chuyên gia về Trung Quốc Bonnie Glaser cho rằng đã có sự thay đổi trong quy tắc can dự của Trung Quốc bởi Ủy ban quân ủy trung ương do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo.
Các nước Đông Nam Á có vẻ đang nín thở theo dõi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Biển Đông sau vụ tàu Decatur và những lời lẽ cay nghiệt qua lại giữa Washington và Bắc Kinh. Điều này làm nảy sinh một số câu hỏi: Mỹ sẽ phản ứng với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào? Các cường quốc chính sẽ làm gì để tăng cường sự hiện diện hoạt động của họ ở khu vực? Liệu Trung Quốc có thiết lập một vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như lâu nay đồn đoán hay không? ASEAN và các nước thành viên nên làm gì để đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực?
Tác giả bài viết cho rằng một Biển Đông mở, ổn định và hòa bình sẽ có lợi cho giấc mơ của ASEAN về sự thịnh vượng kinh tế. Hiện nay có lẽ là một trong những thời điểm quan trọng nhất để ASEAN chứng minh vai trò trung tâm của mình trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Việc duy trì tính trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông có nghĩa là điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi giữa các cường quốc như tổ chức này đã đảm nhiệm thành công trong vài thập kỷ qua. Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc khác nên giữ cái đầu lạnh để giải quyết các bất đồng ở Biển Đông. Với sức mạnh kinh tế và quân sự tích lũy qua hàng thập kỷ, Trung Quốc xứng đáng có một vai trò được tăng cường trong chính trị thế giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Bắc Kinh không nên đổi bằng cái giá của các quyền hợp pháp của các nước khác như đã được ghi nhận lâu đời trong luật quốc tế. Danh tiếng quốc tế quan trọng ngay cả khi người ta không chú ý đến nó. Mặt khác, điều bắt buộc đối với chính quyền Trump là xây dựng và sau đó đưa ra một chiến lược hiệu quả ở Biển Đông để định hình hành vi của tất cả các bên liên quan phù hợp với luật hàng hải quốc tế. Thêm nữa, như Christopher Roberts, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á quốc gia của Australia từng đề xuất, những người ủng hộ cho trật tự dựa trên luật pháp cần phải hành động cùng nhau để đạt được kết quả họ mong đợi ở Biển Đông.