Giới chuyên gia phân tích quân sự Bắc Kinh đã đưa ra nhiều lo ngại khác nhau khi tàu hải quân Mỹ cập cảng Đài Loan.
Tàu Thomas G. Thompson. Ảnh: Lu Li-shih
Ngày 16/10, truyền thông Đài Loan đồng loạt đưa tin, tàu hải quân Mỹ đã cập cảng Cao Hùng.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho biết, trước thông tin trên, bộ phận dư luận Đài Loan cho rằng, đây là bước chuẩn bị để quân đội Mỹ tiến hành cuộc diễn tập quân sự ở eo biển Đài Loan trong thời điểm nhạy cảm hoặc đây là “giấy đảm bảo” của quân đội Mỹ đối với chính quyền bà Thái Anh Văn về vấn đề ly khai.
Thậm chí, có ý kiến lo ngại Mỹ sẽ biến Đài Loan thành Syria thứ hai sau những hành động tương tự.
Tuy nhiên, theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, tàu Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) là tàu nghiên cứu khoa học đơn thuần, đã từng đến Đài Loan 3 lần trước đây và những lần cập cảng này đều không liên quân đến hành động quân sự của Lầu Năm Góc.
Dư luận Bắc Kinh lo ngại
Trước động thái của tàu hải quân Mỹ, giới phân tích Bắc Kinh cũng đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau.
Một chuyên gia quân sự giấu tên nói với Hoàn cầu rằng, theo thông tin trên truyền thông thì tàu Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) thuộc quản lý của Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ nhưng từ số hiệu trên hình ảnh thì con tàu này phải thuộc về Bộ tư lệnh hải vận quân sự hải quân Mỹ.
Theo ông này, bất luận Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) thuộc đơn vị nào của hải quân Mỹ nhưng khi thủy thủ trên tàu đều chỉ là nhân viên dân sự thì tính nhạy cảm tương đối thấp, tuy nhiên, đây không phải là con tàu mang nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đơn thuần mà đang chấp hành “nhiệm vụ đặc biệt”: thu thập thông tin hiện trường, chuẩn bị nền tảng cho tác chiến chống tàu ngầm của quân đội Mỹ.
“Tàu này thường xuyên ra vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, rất có thể nó coi biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông là đối tượng quan trắc quan trọng”, chuyên gia Trung Quốc cảnh báo.
Ông này cũng cho rằng, đây là hành động mang tính liên kết tương hỗ giữa chính quyền Mỹ và chính quyền Đài Loan sau khi Mỹ thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng liên tiếp hai năm 2017, 2018 cũng như sau khi hai bên tăng cường hợp tác quân sự.
“[Đài Loan muốn dẫn] một con tàu mang tính chất không quá nhạy cảm đến thăm dò phản ứng của Đại lục. Xét từ quan điểm của chính quyền Thái Văn Anh chính là việc dẫn sói vào nhà sẽ bị Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ nên họ mới vội vàng đưa ra giải thích [như trên truyền thông]”, chuyên gia Bắc Kinh nói.
Ông này còn cho rằng, cách giải thích từ phía Đài Loan rất thiếu tính hợp lý khi từ trước đến nay tàu thuyền Mỹ hoạt động ở khu vực châu Á Thái Bình Dương thường neo đậu ở những nước có căn cứ hải quân Mỹ như Philippines hoặc Nhật Bản để tiếp nhiên liệu chứ không phải ở đảo Đài Loan.
Trong khi đó, ông Kim Dịch Tắc, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Đài Loan, Học viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, hiện nay không có bằng chứng cho thấy tàu này thực hiện nhiệm vụ khoa học hay đang thi hành nhiệm vụ từ quân đội Mỹ nhưng có một chi tiết quan trọng là, đây là lần thứ 4 tàu này đến Đài Loan trong vòng 1 năm nay.
Theo ông này, trong 4 lần thì chỉ có lần này chính quyền bà Thái mới “loan tin” tàu hải quân Mỹ cập cảng Cao Hùng chứng tỏ chính quyền bà muốn lợi dụng hoạt động này để giành lợi thế trong cuộc bầu cử tháng sau.
Hiện nay mối quan hệ Trung-Mỹ đang rất nhạy cảm, trên thực tế chính phủ Tổng thống Donald Trump chỉ coi Đài Loan là một quân cờ và họ hiểu rằng, nếu thực sự khiến Bắc Kinh nổi giận, họ sẽ không đạt được lợi ích gì nên lúc này họ không thể giải quyết mối quan hệ song phương một cách vội vàng, ông Kim bình luận.
Ông Chu Phong, Giáo sư Đại học Nam Kinh lại cho rằng, trong năm nay có hai tàu chiến Mỹ công khai đi qua eo biển Đài Loan, động thái này không xảy ra trong những năm trước đó.
“Sự việc tàu hải quân Mỹ cập cảng Cao Hùng lần này có hai điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, có khả năng Mỹ chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở biển Đông hoặc eo biển Đài Loan trong thời gian tới.
Thứ hai, trong những lần chạm trán gần đây, do bị tàu chiến Trung Quốc theo đuổi sát nên Lầu Năm Góc lần này cử tàu tới Đài Loan là để “khoe cơ bắp”, chứng minh sức mạnh quân đội Mỹ, điều này mang hàm ý khiêu khích Bắc Kinh rất lớn, đồng thời ám chỉ, sẽ không bị Trung Quốc đe dọa về các vấn đề trên biển”, Chu Phong nói.
“Hiện nay không thể nói chắc chắn Mỹ tiếp theo sẽ tập trận quân sự hay như thế nào, chỉ có thể xác định họ có hai ý đồ trên. Tuy nhiên, dù như thế nào thì hành động của họ đều khiến dư luận chú ý”, chuyên gia Trung Quốc kết luận.