Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngChuyên gia TQ “bẻ cong” luật quốc tế trong tranh chấp chủ...

Chuyên gia TQ “bẻ cong” luật quốc tế trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Trái ngược với cộng đồng quốc tế, một bộ phận không nhỏ chuyên gia, học giả Trung Quốc luôn tìm cách biện minh và “bẻ cong” trong việc viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời, số chuyên gia này cũng tìm cách tuyên truyền cho rằng “Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách kiềm chế, không làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp ở Biển Đông”.

Tình hình Biển Đông hiện nay vẫn ổn định? 

Số chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc cho rằng nếu nhìn từ góc độ chính trị quốc tế và quan hệ giữa các quốc gia thì tình hình Biển Đông vẫn ổn định quan hệ giữa các nước ven Biển Đông và các nước có lợi ích trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Australia với Trung Quốc vẫn đang được duy trì quan hệ chính trị, ngoại giao bình thường, ít có khả năng xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn đang “kìm chế” và “nhường nhịn” các nước trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, khi bị các nước liên quan chỉ trích, lên án về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc về cơ bản đều bị động và đáp lại một cách giản đơn, chưa bao giờ “chủ động gây chuyện”.

Nếu nhìn từ góc độ khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông thì vài năm gần đây, theo con số thống kê chưa hoàn toàn đầy đủ, mỗi năm các nước ven Biển Đông đã khai thác một khối lượng lớn dầu khí ở các vùng biển tranh chấp, trong khi Trung Quốc đến nay vẫn chưa có lấy một giếng dầu ở vùng biển tranh chấp này. Không những vậy, một số nước còn “lôi kéo” các công ty dầu khí của nước phương Tây vào khai thác, thăm dò; những nước này còn liên tục tìm kiếm các biện pháp liên minh, liên kết lại để phải đối các “hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Trung Quốc”, tìm cách đổ vấy trách nhiệm cho Trung Quốc gây căng thẳng cho tình hình Biển Đông. Trước những hành động “ngang ngược” của các nước ven Biển Đông, Trung Quốc hiện nay chủ yếu vẫn áp dụng phương thức kháng nghị ngoại giao, đồng thời cũng thực thi một số hành động chấp pháp bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên nếu nhìn từ hiệu quả thực tế thì những biện pháp này không đủ để ngăn chặn hoặc làm thay đổi tình hình mà các nước xung quanh “cướp đoạt” nguồn tài nguyên dầu khí ở vùng biển tranh chấp đang ngày càng mạnh lên. 

Nhìn từ phương diện đánh bắt ngư nghiệp, hiện nay thuyền đánh bắt cá của ngư dân Trung Quốc thường xuyên bị bắt giữ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Khi bị nước xung quanh bắt giữ, ngư dân Trung Quốc sẽ bị phạt và tịch thu tàu, bị phạt tiền nặng và phải ngồi tù, đứng trước rủi ro khuynh gia bại sản. Nhật Bản và Hàn Quốc thường mở rộng bắt bớ, thậm chí sẵn sàng áp dụng phương thức bạo lực đối xử với ngư dân Trung Quốc, cuối cùng dẫn đến hậu quả là hai bên đều có người thương vong nghiêm trọng. Trong khi đó, Trung Quốc trước sau vẫn “kiềm chế, chưa bao giờ xử phạt nghiêm khắc đối với những ngư dân và tàu cá của một số nước ven Biển Đông đánh bắt trái phép”. 

Nhìn từ góc độ tương quan lực lượng, cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực Biển Đông đang có nhiều thay đổi lớn. Về tổng thể đã hình thành mối quan hệ so sánh lực lượng trong đó một bên do Trung Quốc đứng đầu, bên kia là Mỹ và một số nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines. Mối quan hệ đó được biểu hiện cụ thể qua hai phương diện sau: (1) Quan hệ giữa thế lực ngoài khu vực và các nước ven Biển Đông ngày càng chặt chẽ hơn. Mỹ và các nước đồng minh không ngừng gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài việc không ngừng che giấu củng cố quan hệ đồng minh quân sự với Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines, còn tìm cách lôi kéo các nước khác. Tính đến thời điểm hiện tại, quan hệ quân sự Việt-Mỹ đang là thời kỳ tốt nhất kể từ chiến tranh Việt Nam đến nay; Việt Nam cũng đã xây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, các nước này đều cam kết rõ cần phải giúp Việt Nam nâng cao khả năng quân sự trên biển. Philippines và Indonesia cũng lần lượt nâng cấp quan hệ với Nhật Bản và đã nâng quan hệ lên đến tầm cao đối tác chiến lược, tuyên bố phải bảo vệ “lợi ích chung” ở Biển Đông. (2) Từ tình hình phát triển quan hệ giữa các nước tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam không ngừng điều chỉnh chiến lược Biển Đông, bao gồm chủ trương và chính sách mà Việt Nam đối phó trong tranh chấp Biển Đông, bắt đầu gác lại tranh chấp với các nước khác và tích cực lôi kéo Philippines, Malaysia nhằm tạo thành liên minh đối phó với Trung Quốc. 

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trở nên căng thẳng là do Mỹ lôi kéo một số nước tồn tại tranh chấp, tạo điều kiện cho Mỹ nhanh chóng can thiệp và tranh giành ảnh hương trong vấn đề Biển Đông. Trong những năm gần đây, Mỹ và các nước đã lợi dụng các diễn đàn quốc tế, khu vực để tạo dựng thanh thế, liên tục chỉ trích, lên án Trung Quốc. Nhìn một cách tổng quát, dường như vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề mà một bên là Trung Quốc, bên kia gồm có một số nước Đông Nam Á và một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản, là cuộc xung đột giữa lợi ích của Trung Quốc và “lợi ích chung” của cả một số nước nói trên ở Biển Đông. Vì vậy, những nước này cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông là để bóp méo hình ảnh của Trung Quốc, cô lập Trung Quốc để tạo môi trường dư luận, phục vụ cho Mỹ và một số nước thành lập liên minh bao vây, kiềm chế Trung Quốc.

Yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông là “phù hợp với luật pháp quốc tế”

Những năm gần đây Mỹ, Nhật Bản cùng với các nước ven Biển Đông như Philippines, Việt Nam và Malaysia đã nhiều lần tuyên bố “phải căn cứ theo luật quốc tế, trong đó có “Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển” (UNCLOS) để giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”; “Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc luật quốc tế”, “đường đứt đoạn theo chủ trương của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS”, thậm chí có một số người gọi là học giả còn đề xuất “phải lấy UNCLOS làm căn cứ để giải quyết vấn đề Biển Đông”. Những cách nói như trên thoạt nghe có vẻ khác nhau nhưng trên thực tế dụng ý và mục đích là như nhau, đó là chỉ trích chủ trương của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế, yêu cầu Trung Quốc từ bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Giới chuyên gia, học giả Trung Quốc cho rằng không thể dùng UNCLOS để chứng minh chủ quyền lãnh thổ hoặc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; cho rằng nhận định vấn đề thuộc chủ quyền lãnh thổ hoặc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ phải căn cứ theo các quy tắc và nguyên tắc trong luật quốc tế ở rất nhiều phương diện chứ tuyệt đối không phải quy định trong một công ước nào đó. Đây là một kiến thức thông thường hết sức rõ ràng trong lý luận và thực tiễn về luật pháp quốc tế. Căn cứ luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ít nhất bao gồm những quy tắc và nguyên tắc theo luật quốc tế như quy tắc có được lãnh thổ, quy tắc xác định thời gian, quy tắc xác định ngày tháng then chốt, quy tắc không truy ngược quá khứ, nguyên tắc cấm phản ngôn và quy tắc quyền lợi mang tính lịch sử. 
Một điều hết sức cần thiết phải chỉ rõ là những quy tắc nói trên đều không phải là quy định trong UNCLOS. Xét từ quy định trong bản thân UNCLOS thì trong Lời nói đầu của Công ước đã chỉ rõ là “trong điều kiện tính đến chủ quyền của tất cả các nước, xây dựng một trật tự pháp luật về biển…”. Như vậy có nghĩa là trật tự biển được xây dựng theo yêu cầu của công ước nói trên là xuất phát từ một tiền đề, đó là không thay đổi chủ quyền quốc gia đã có. 

Ngoài ra, dù không nói đến lịch sử lâu dài, chỉ cần nói đến tình hình từ khi thành lập nước Trung Quốc mới, ngay từ năm 1958 Trung Quốc đã “quy định cả bốn quần đảo ở Biển Đông với các đảo khác vào trong phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc”. Sau đó, trong “Luật lãnh hải và vùng giáp ranh Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” và trong những lần tuyên bố ngoại giao, Trung Quốc luôn nhấn mạnh “chủ quyền” của mình đối với các đảo Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và đảo Hoàng Nham, hơn nữa đến nay vẫn chưa bao giờ từ bỏ. Trên thực tế, năm 2009 Philippines thông qua Dự luật số 2699 (gọi là “Dự luật về vấn đề liên quan đến điểm cơ bản về lãnh hải”) là hành động “có tật giật mình” của kẻ gian, vì Philippines thấy mình căn bản không có cơ sở pháp luật để chủ trương “quần đảo Kalayaan” và đảo Hoàng Nham thuộc chủ quyền của mình nên mới phải cho ra đời dự luật mới này để lấp đi chỗ khuyết thiếu nghiêm trọng này. Nhưng nếu chiểu theo luật pháp quốc tế thì cách làm luật nói trên của Philippines rõ ràng không có được tính hợp pháp, dự luật nói trên cũng tuyệt đối không thể có hiệu lực. Còn nước bảo hộ của Philippines là nước Mỹ lại không có bất cứ ý kiến bình luận gì đối với việc làm như vậy của Manila.

Không những vậy, một trong những căn cứ của luật quốc tế trong việc phán đoán chủ quyền lãnh thổ là quy tắc thụ đắc lãnh thổ, song quy định này không có trong UNCLOS. Xét từ ý nghĩa lịch sử thì quy tắc thụ đắc lãnh thổ đã bao hàm rất nhiều quy tắc liên quan, bao gồm phát hiện, chiếm trước, chiếm lĩnh hữu hiệu và quản lý hữu hiệu. Nó đòi hỏi phải xuất phát từ nhiều góc độ và phương diện để phán đoán một quốc gia có chủ quyền đối với một phần lãnh thổ nào đó có hợp pháp hay không, mọi việc làm của quốc gia đó có hiệu lực theo luật quốc tế hay không. Từ các thời Tống, Nguyên, Thanh đến nay Trung Quốc đã trải qua nhiều thực tiễn qua các thời kỳ xã hội, qua nhiều triều đại, nhất là các đời chính phủ ở thời kỳ cận đại và hiện đại, đặc biệt bao gồm những thực tiễn về việc “phát hiện, chiếm trước, quản lý hữu hiệu, đã có được chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông một cách hữu hiệu”. Mặt khác, việc nhận định chủ trương quyền lợi của các nước ở Biển Đông hoàn toàn không phải chỉ có UNCLOS, mà còn phải dựa vào một quy tắc quan trọng khác trong luật quốc tế là quy tắc xác định thời gian, nghĩa là một hành vi nào đó trong lịch sử chỉ cần phù hợp với luật quốc tế ở thời kỳ lúc đó, thì hành vi đó sẽ là hành vi hợp pháp hữu hiệu. Cùng với quá trình phát triển của những quy tắc liên quan trong luật pháp quốc tế, những hành vi liên quan đến những quy tắc này cũng phải đổi mới và phát triển theo. Hàng trăm năm trước đây người Trung Quốc đã “thông qua các phương thức phát hiện và chiếm hữu để có được quyền lợi sơ bộ đối với các đảo ở Biển Đông mà lúc đó chưa thuộc về bất cứ nước nào”. Sau đó chính phủ qua các nhiệm kỳ đã thông qua các phương thức “đặt tên” cho các đảo và công bố bản đồ tương ứng, “hoạch định” các đảo đó vào khu vực hành chính địa phương, đưa tàu ra tuyên bố chủ quyền và tuần tra, tổ chức và quản lý các hoạt động của xã hội đến Biển Đông đánh bắt cá, đối phó với các “hoạt động xâm phạm chủ quyền” của nước ngoài, xây dựng luật hiện đại, từng bước có được chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Trường Sa. Thực tiễn qua các thời đại ở Trung Quốc không chỉ hoàn toàn phù hợp với quy tắc thu đắc lãnh thổ lúc đó, mà cũng phù hợp với quy định lãnh thổ theo luật quốc tế cận đại và hiện đại. Vì thế, theo quy tắc về xác định thời gian thì việc “Trung Quốc có được chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông là hợp pháp, hữu hiệu”.

Ngoài ra, luật quốc tế còn có quy định không truy ngược quá khứ để xác định chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia. Ý nghĩa chính của nguyên tắc này là không thể dùng luật pháp của thế hệ sau để phán xét hành vi trước đây hợp pháp hay không hợp pháp. Đơn cử như yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, trước năm 1949 Chính phủ Quốc dân của Trung Quốc đã chính thức đặt tên và công bố bản đồ kèm theo “đường đứt đoạn” cho các bãi đảo ở Biển Đông, còn thông qua nhiều thực tiễn trên các phương diện về khai thác sử dụng tài nguyên như đưa tàu chiến đến Biển Đông tuyên bố chủ quyền, tổ chức và quản lý nghề cá, nhấn mạnh và củng cố chủ trương về quyền lợi ở Biển Đông. Sau năm 1949, Chính phủ Trung Quốc cũng kế thừa chủ trương của Chính phủ Quốc dân, vẫn tiếp tục đánh dấu “đường đứt đoạn” ở Biển Đông trên bản đồ chính thức của nhà nước, đồng thời cũng thông qua thực tiễn trong nhiều phương diện về lập pháp để nhấn mạnh và củng cố chủ trương về quyền lợi ở Biển Đông. Xét từ phương diện tài nguyên hiện hữu, nếu tính từ năm 1914 khi đường “đứt đoạn” ở Biển Đông bắt đầu xuất hiện thì “đường đứt đoạn” này đến nay đã được 104 năm, sớm hơn UNCLOS 84 năm, hoặc nếu chỉ tính từ khi Chính phủ Trung Quốc chính thức công bố năm 1947 thì đến nay cũng đã được 71 năm, sớm hơn thời gian có hiệu lực của UNCLOS 51 năm! Hơn nữa, “đường đứt đoạn” ở Biển Đông còn đề cập đến vấn đề về luật quốc tế khác phức tạp như quyền lợi mang tính lịch sử, vượt xa cả những nội dung được quy định trong UNCLOS. Vì thế tính hợp pháp của “đường đứt đoạn” ở Biển Đông tuyệt đối không đơn giản sử dụng UNCLOS để phán đoán và phủ nhận. Nói “Đường đứt đoạn ở Nam Hải của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS thì bản thân cách nói đó rõ ràng đã thiếu căn cứ theo luật pháp quốc tế, là hết sức sai lầm”. 

Nhìn chung, một bộ phận giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc cho rằng một số nước “không ngừng nhào nặn hoặc chỉ trích vấn đề mang tính hợp pháp trong chủ trương về quyền lợi ở Biển Đông của Trung Quốc”, kỳ thực là những biểu hiện giật mình vì chột dạ, dụng ý của họ là nhằm đẩy lệch góc nhìn, chuyển dịch tiêu điểm mâu thuẫn, nhưng làm như vậy vừa “không thể làm thay đổi được tính chất phi pháp trong yêu sách chủ quyền Biển Đông của họ, cũng vừa không thể phủ nhận được tính hợp pháp trong chủ trương của Trung Quốc”. Trong khi đó lập trường không nói và ít nói mà Trung Quốc áp dụng cũng tuyệt đối không có nghĩa là không có cơ sở pháp luật và căn cứ lịch sử. Tuy nhiên, để làm cho những người quan tâm một cách khách quan và thực lòng vấn đề Biển Đông có thể hiểu được tình hình chân thực và chuẩn xác, thay đổi và đề phòng tin đồn thất thiệt, Trung Quốc cần phải tích cực chủ động lợi dụng nhiều kênh, áp dụng nhiều phương thức tuyên truyền để cộng đồng quốc tế “hiểu rõ hơn về bản chất tranh chấp ở Biển Đông”. Hiệu quả tuyên truyền tích cực và hướng dẫn dư luận sẽ tốt hơn nhiều so với bị động đối phó trước những chỉ trích theo dụng ý riêng. 

Không những vậy, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc còn cho rằng UNCLOS chỉ là một phần cấu thành của luật pháp quốc tế, không thể thay thế các quy tắc khác trong luật quốc tế, lại càng không thể giản đơn đánh đồng “luật quốc tế” với UNCLOS theo cách đánh tráo khái niệm. UNCLOS cũng không phải là căn cứ duy nhất của luật quốc tế để nhận định hoặc giải quyết vấn đề yêu sách chủ quyền lãnh thổ Biển Đông, cũng như nhận định hoặc phủ nhận tính hợp pháp trong “đường đứt đoạn” ở Biển Đông của Trung Quốc. Những cách nói “cần lấy UNCLOS làm căn cứ giải quyết vấn đề Biển Đông”, “Đường đứt đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với UNCLOS”… là hết sức phiến diện, thậm chí là sai lầm.

RELATED ARTICLES

Tin mới