Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngTàu sân bay, tàu ngầm Nhật Bản tuần tra, thách thức yêu...

Tàu sân bay, tàu ngầm Nhật Bản tuần tra, thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của TQ ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Nhật Bản (17/9) cho biết tàu ngầm điện-diesel SS-596 Kuroshio, lớp Oyashio cùng tàu sân bay trực thăng JS Kaga đã tiến hành cuộc tập trận trên Biển Đông vào ngày 13/9. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm Nhật Bản tham gia tập trận ở Biển Đông. Được biết, kế hoạch tập trận trên là một phần trong các hoạt động của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), kéo dài 2 tháng ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

Tàu ngầm điện-diesel SS-596 Kuroshio, lớp Oyashio của Nhật Bản

Theo nhật báo cánh tả Asahi Shimbum (17/9), tàu ngầm Kuroshio, tàu sân bay trực thăng Kaga, hai tàu khu trục Inazuma và Suzutsuki của Nhật Bản (13/9) đã tới vùng biển phía Tây Nam bãi đá ngầm Scarborough để chuẩn bị tập trận. Một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, tàu ngầm Kuroshio đã tập trận chống tàu ngầm đối phương có trang bị hệ thống sonar siêu âm “trong vùng biển không có tranh chấp, quyền tự do giao thông được luật quốc tế bảo đảm”. Sau khi kết thúc tập trận, tàu ngầm Kuroshio đã vào quân cảng Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị bốn ngày tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên một tàu ngầm Nhật Bản thăm Việt Nam, chuyến thăm là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, triển khai thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cao cấp và Bộ Quốc phòng hai nước.

Tàu ngầm Kuroshio là một trong 11 tàu ngầm diesel-điện lớp Oyashio do Nhật Bản phát triển vào đầu thập niên 1990. Tàu dài 82 m, rộng 8,9 m và có lượng giãn nước 4.000 tấn khi lặn. Vũ khí chính của lớp Oyashio là 20 ngư lôi hạng nặng Type-89 có tầm bắn tối đa 50 km, mang đầu nổ 267 kg, điều khiển bằng dây dẫn, áp dụng cả chế độ bám mục tiêu thụ động và chủ động; hoặc tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon, với tầm bắn 125 km và đầu nổ mạnh xuyên giáp nặng 221 kg, được bắn qua 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, đây được coi là sát thủ đối với chiến hạm đối phương. Ngoài ra, lớp Oyashio còn được trang bị radar nhìn vòng JRS ZPS để tìm kiếm, dẫn bắn tên lửa tới mục tiêu tàu nổi. Kuroshio sử dụng hệ thống đẩy diesel-điện, gồm hai động cơ diesel Kawasaki 12V25S, hai máy phát điện xoay chiều và hai động cơ điện. Hệ thống này có tổng công suất khoảng 7.700 mã lực, giúp tàu di chuyển với tốc độ tối đa 22 km/h khi nổi và 37 km/h khi lặn. Cho đến thời điểm hiện tại đây vẫn là một tàu ngầm đáng sợ, có khả năng hủy diệt chiến hạm đối phương. Tàu được hạ thủy năm 2002 và đưa vào biên chế vào năm 2004. Lớp Oyashio được phát triển để thay thế dòng Harushio cũ hơn, có khả năng tiến hành các chiến dịch săn ngầm và diệt hạm.

Tàu ngầm Kuroshio được coi là một trong những loại tàu ngầm lớn và có độ ồn thấp nhất trong biên chế JMSDF, không thua kém lớp Soryu tối tân. Điểm nổi bật của tàu ngầm JS Kuroshio là 4 cụm thiết bị định vị thủy âm (sonar) dọc hai bên sườn, bên cạnh sonar mũi ZQQ 5B/6 và sonar kéo sau đuôi, giúp cải thiện đáng kể khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương so với thế hệ trước đó. Được biết, Kuroshio được trang bị hệ thống xử lý dữ liệu tình báo tác chiến và tự động hóa hiện đại, giúp giảm số thành viên thủy thủ đoàn xuống chỉ còn 70 người, trong đó có 10 sĩ quan chỉ huy.

Nhật Bản cử tàu ngầm, tàu sân bay và tàu khu tập trận, tuần tra trong khu vực Biển Đông nhằm thực hiện nhiều mục đích quan trọng

Thứ nhất, việc Nhật Bản cử tàu ngầm Kuroshio, tàu sân bay trực thăng Kaga, hai tàu khu trục Inazuma và Suzutsukitham gia huấn luyện, tuần tra trong khu vực là một hành động phô diễn sức mạnh hải quân với quy mô lớn. Đây là lần thứ đầu tiên Nhật Bản cử tàu ngầm tiến hành diễn tập ở Biển Đông, nó có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định sức mạnh hải quân của Nhật Bản.

Thứ hai, Nhật Bản liên tục cử tàu chiến tham gia tập trận, tuần tra ở Biển Đông cho thấy Tokyo đã có bước điều chỉnh chính sách trong vấn đề Biển Đông, muống cùng Mỹ mở ra một chiến tuyến thống nhất kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Thứ ba, việc điều tàu sân bay, tàu ngầm tập trận và tuần tra ở Biển Đông cho thấy quyết tâm của Nhật Bản trong việc bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải huyết mạch có ý nghĩa sống còn đối với Tokyo ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Biển Đông. Ngoài ra, Nhật Bản điều tàu Kaga tới Biển Đông cũng để bảo vệ hoạt động trên biển của tàu thuyền Nhật Bản trước sự đe dọa từ lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.

Thứ tư, không loại trừ khả năng Nhật Bản cử tàu ngầm Kuroshio, tàu sân bay trực thăng Kaga tuần tra Biển Đông là để thu thập thông tin, số liệu nhằm đánh giá về sức manh quân sự của hải quân Trung Quốc (tàu chiến, máy bay chiến đấu, tàu ngầm…).

Thứ năm, Nhật Bản cũng muốn thông qua những hoạt động giao lưu hải quân, cử tàu chiến hiện đại tuần tra, tập trận trong khu vực Biển Đông để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, thể hiện mong muốn sát cánh cùng các nước ASEAN chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Dư luận liên quan hoạt động tập trận, tuần tra của tầu chiến Nhật Bản ở Biển Đông

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga (18/9) khẳng định cuộc tập trận có sự tham gia của tàu ngầm và tàu khu trục của Nhật Bản ở Biển Đông “không hề có ý định đối phó với các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực”, cho rằng cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 13/9 vừa qua “nhằm mục đích cải thiện chiến lược và kỹ năng của Các lực lượng Phòng vệ” và nhấn mạnh “chúng tôi không cố ý nhằm vào bất kỳ một quốc gia cụ thể nào”. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết: “Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản (MSDF) đã tiến hành các cuộc tập trận có sự tham gia của tàu ngầm ở Biển Đông trong vòng hơn 15 năm qua”. Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe (17/9) cho biết cuộc diễn tập không nhằm vào “một quốc gia cụ thể nào”, đồng thời khẳng định quan hệ giữa Nhật với Trung Quốc vẫn tiến triển tốt; nhấn mạnh hoạt động tập trận, tuần tra của Nhật Bản ở Biển Đông là do Tokyo đang tìm cách “cải thiện năng lực” của các lực lượng trên thông qua cuộc tập trận và Nhật Bản đã công bố công khai hoạt động này bởi “trên thực tế các nước láng giềng nắm được thông tin (cuộc tập trận)”. Phản ứng trước động thái của Nhật Bản, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từ chối xác nhận về vụ diễn tập của Nhật Bản, nhưng cho biết “tình hình ở Biển Đông đang được cải thiện”; cho rằng Nhật Bản “cần hành động thận trọng và tránh làm bất kỳ điều gì có thể gây tổn hại tới hòa bình và ổn định khu vực”, đồng thời yêu cầu “các quốc gia ngoài khu vực” tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực “giải quyết một cách hòa bình vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại”.

Giáo sư Zhou Yongsheng, Đại học quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh nhận định, cuộc tập trận của Nhật Bản phủ bóng đen quan hệ hai nước. Nhưng hai bên sẽ kiềm chế không làm căng thẳng leo thang, bởi hai nước đều có những mối quan ngại riêng; ông Zhou cho rằng Nhật Bản muốn kiềm chế Trung Quốc và cuộc tập trận này được coi là sẽ tạo ra bầu không khí tiêu cực. Nhưng xu hướng chung trong quan hệ Trung-Nhật là cải thiện quan hệ song phương.

Bình luận về việc Nhật Bản điều tàu sân bay trực thăng Kaga đến Biển Đông, tờ Liberty Times Net Đài Loan cho rằng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng “tranh đoạt bá quyền trên biển” và Biển Đông trở thành một trong những khu vực rất căng thẳng, Nhật Bản tiếp tục điều tàu sân bay trực thăng đến Biển Đông là để tránh bị “cho ra rìa” và thúc đẩy quyền lợi tự do đi lại ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc đăng bài xã luận cho rằng đối với người Trung Quốc, việc Nhật Bản điều tàu sân bay trực thăng Kaga đến tuần tra Biển Đông là một thông tin “gai mắt”, không phù hợp với không khí cải thiện quan hệ Trung – Nhật hiện nay. Theo báo Trung Quốc, Nhật Bản là quốc gia phối hợp với Mỹ ở mức cao nhất trong hành động tự do đi lại ở Biển Đông, đồng thời tìm cách đạt được nhiều mục đích khác, chẳng hạn tiến hành kiềm chế Trung Quốc, tạo ra một “quân bài” để đấu với Trung Quốc, có lý do để tăng cường sức mạnh quân sự, tạo ra một điểm tựa ngoại giao mới, tăng khả năng tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực.

Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh việc tàu sân bay trực thăng Nhật Bản đến Biển Đông cũng không thể tạo ra được mối đe dọa thực tế cho Trung Quốc, không ảnh hưởng đến việc xây dựng (phi pháp) đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông – tờ; đồng thời đe dọa nếu tàu chiến Nhật Bản đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông thì sẽ gặp “rủi ro rất lớn”. Nhật Bản biết mình không thể gánh được những rủi ro này. Theo bài báo, tàu chiến Nhật Bản đến Biển Đông với bất cứ lý do gì thì đều sẽ bị coi là “khiêu khích chính trị và ngoại giao” đối với Trung Quốc. Hành động này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Trung – Nhật, Trung Quốc sẽ có hành động “báo thù” và thủ đoạn báo thù hoàn toàn “không ít”; cảnh cáo Nhật Bản cần kiềm chế sự phối hợp với hành động của Mỹ trên Biển Đông, cân nhắc đầy đủ cảm giác của Trung Quốc và cho rằng Biển Đông không phải là nơi thích hợp để triển khai đối đầu với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới