Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuyền tự do hàng hải của các nước ở Biển Đông theo...

Quyền tự do hàng hải của các nước ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế

Mặc dù là nước có đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và không ngừng quân sự hóa ở khu vực này, song Trung Quốc lại liên tục chỉ trích, ngăn cản tàu thuyền các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông vì cho rằng đây là “hoạt động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và gây phức tạp tình hình”. Giới chuyên gia và dư luận các nước cho rằng thái độ và cách phản ứng nói trên của Trung Quốc là hoàn toàn vô lý và trái với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Hoạt động tự do hàng hải của các nước ở Biển Đông. Nguồn: AP/AFP

Trung Quốc liên tục chỉ trích, ngăn cản tàu thuyền các nước tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông

Hôm 31/8/2018, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích việc tàu chiến HMS Albion của Hải quân Anh đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà phía Trung Quốc gọi là Tây Sa; cho rằng tàu chiến Anh “đi vào vùng lãnh hải Tây Sa của Trung Quốc mà không được phép của chính phủ Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc có quyền đưa ra những biện pháp cần thiết để phản ứng trước việc máy bay và tàu thuyền nước ngoài tới gần hoặc xâm phạm vùng không phận và vùng biển gần các hòn đảo của Trung Quốc”. Trên thực địa, phía Trung Quốc cũng cử một tàu khu trục và hai trực thăng ra để giám sát và ngăn cản tàu chiến Anh.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 27/5 cũng ra một thông cáo ngắn, ngang nhiên cho rằng việc Mỹ điều tàu chiến đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là hành động “khiêu khích”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố “phản đối quyết liệt” việc Mỹ điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng lớn tiếng yêu cầu Mỹ “dừng ngay những hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền và đe dọa an ninh Trung Quốc”. Trước đó cùng ngày, một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo Cây, Linh Côn, Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là một phần trong hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông của hải quân Mỹ nhằm thể hiện sự “thách thức với tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức”.

Việc Trung Quốc ngăn cản hoạt động tự do hàng hải của các nước là hoàn toàn vô lý và trái với luật pháp quốc tế

Trước các hoạt động tương tự của tàu chiến Anh, Mỹ nói trên, Trung Quốc luôn viện dẫn vấn đề chủ quyền vùng lãnh hải để lên án, chỉ trích thậm chí đe nạt không cho các nước lưu thông tàu thuyền theo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Ba văn kiện pháp lý của Trung Quốc đưa ra như Tuyên bố về lãnh hải của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 04/9/1958, Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 25/2/1992, Tuyên bố đường cơ sở bộ phận lãnh hải lục địa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Tây Sa ngày 15/5/1996. Cách thức Trung Quốc đưa ra khái niệm về đường lãnh hải hay chủ quyền lãnh hải liên quan trực tiếp đến việc nước này ngang nhiên ngăn cản hoạt động tự do hàng hải của các nước ở Biển Đông. Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định “Độ rộng lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý tính từ các điểm cơ sở lãnh hải. Đường cơ sở lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hoạch định theo phương pháp đường cơ sở thẳng, do các đoạn thẳng nối các điểm cơ sở hợp thành”. Độ rộng lãnh hải quy định trong Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992 của Trung Quốc về cơ bản phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982 tuy nhiên việc xác định các điểm cơ sở của Trung Quốc lại chưa phù hợp với những quy định của Công ước. Trong tuyên bố năm 1996, Trung Quốc đã công bố hệ thống các điểm cơ sở của quần đảo Hoàng Sa. Qua hệ thống các điểm cơ sở quần đảo Hoàng Sa được Trung Quốc công bố, có thể thấy Trung Quốc đã vạch đường cơ sở thẳng của quần đảo Hoàng Sa nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá của quần đảo. Cách vạch đường cơ sở này tương tự như cách vạch đường cơ sở quần đảo của quốc gia quần đảo quy định tại Điều 47 phần IV của Công ước Luật biển 1982. Diện tích mà hệ đường cơ sở thẳng quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc bao lấy là một khu vực rộng 17.000 km², trong khi tổng diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa là 10 km². Ngoài ra, hầu hết các đá, bãi san hô mà Trung Quốc sử dụng ở đây đều không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng. Các đảo này lại cách xa nhau quá 24 hải lý, không có lý do gì có thể nối các đoạn đường cơ sở như vậy. Do vậy bất kỳ một vùng biển nào mà Trung Quốc tuyên bố bao quanh vùng biển của các mỏm đá, bãi san hô này về mặt kỹ thuật đều trái với các quy định của Công ước 1982. Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo nên việc xác định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa theo như trong Tuyên bố năm 1996 của nước này là chưa phù hợp với quy định của luật và thực tiễn quốc tế. Bên cạnh đó, trong Tuyên bố ngày 15/5/1996, Chính phủ Trung Quốc đã công bố đường cơ sở bộ phận lãnh hải đại lục nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhiều điểm cơ sở trong số 49 điểm được liệt kê trong Tuyên bố này bị chỉ trích bởi các quốc gia láng giềng cũng như Mỹ với lý do chúng không phù hợp với các tiêu chuẩn của UNCLOS về điểm cơ sở. Các điểm cơ sở của Trung Quốc quá xa so với bờ biển, hoặc quá cách xa nhau, nhiều điểm cách nhau hơn 100 hải lý và do đó không phải là các địa điểm phù hợp dùng làm điểm cơ sở. Nhiều điểm cơ sở của Trung Quốc nằm dưới mặt đại dương khi thủy triều lên, do đó không thể dùng làm điểm cơ sở. Cùng với những điểm không phù hợp trong cách xác định đường cơ sở, quy chế pháp lý của lãnh hải theo Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992 của Trung Quốc cũng bộc lộ một số điểm không phù hợp với luật biển quốc tế.

Theo truyền thống, “đi qua không gây hại” là một quyền mang tính tập quán. Quyền này được thừa nhận vì lợi ích phát triển, hợp tác, kinh tế và hàng hải của cả cộng đồng cũng như của từng quốc gia. Quyền “đi qua không gây hại” đã được quy định cụ thể tại Điều 19 Công ước Luật biển 1982. Quốc gia ven biển không được cản trở quyền đi qua không gây hại của các tàu thuyền trong lãnh hải, ngoài những trường hợp mà Công ước đã trù định. Đặc biệt khi áp dụng Công ước hoặc mọi luật hay quy định nào được thông qua theo đúng Công ước, quốc gia ven biển không được: Áp đặt cho các tàu thuyền nước ngoài những nghĩa vụ dẫn đến việc cản trở hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của các tàu thuyền này (Điều 24 Công ước Luật biển 1982). Theo quy định của Công ước thì các quốc gia ven biển không được phép đặt điều kiện cho các tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước. Đi qua không gây hại tồn tại đồng thời với chủ quyền quốc gia trong lãnh hải nhưng không làm mất đi chủ quyền đó. Trên thực tế, quyền đi qua không gây hại cũng được thừa nhận trong pháp luật Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tàu thuyền phi quân sự nước ngoài có quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa theo pháp luật. Như vậy, đối tượng được hưởng quyền đi qua không gây hại theo pháp luật Trung Quốc hẹp hơn so với quy định của Công ước Luật biển 1982. Điều 17 Công ước Luật biển 1982 đã khẳng định “Với điều kiện phải chấp hành Công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải”. Bên cạnh đó, việc quy định tàu thuyền quân sự nước ngoài vào lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phải được sự phê chuẩn, cho phép của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là chưa phù hợp với pháp luật quốc tế. Các quốc gia ven biển không được phép đặt điều kiện cho các tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước. Ngoài quy định giới hạn đối tượng hưởng quy chế đi qua không gây hại trong lãnh hải Trung Quốc hẹp hơn so với Công ước Luật biển 1982, những quy định khác về quy chế pháp lý trong lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc không trái với những quy định của Công ước Luật biển 1982 về quyền của quốc gia ven biển trong lãnh hải.

Các nước tuyên bố sẽ tiếp tục tự do hàng hải ở Biển Đông bất chấp phản ứng của Trung Quốc

Phát biểu tại Hội thảo quân sự ở Adelaide, Australia hôm 24/9, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết bà có dự định thảo luận với Australia về việc cải thiện các hoạt động phối hợp tại Biển Đông, nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực này. Bà Parly cho biết Pháp không nghiêng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục cho tàu đi qua vùng biển này. “Một trong những chủ đề thảo luận là cách chúng ta có thể phối hợp để làm tốt hơn những gì chúng ta đang làm ở Biển Đông, vì chúng tôi nhận thức rất rõ rằng Trung Quốc đang ngày càng quyết tâm hơn; quan điểm của Pháp rất rõ ràng, rằng Trung Quốc vi phạm các quy tắc quốc tế, nhưng chúng tôi vẫn rất cởi mở đối thoại”, hãng AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp. Trước đó hôm 21/7, Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ được triển khai đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm đối phó vớicác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện trong vài năm tới, khi tàu HMS Queen Elizabeth được trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Anh và Australia đang tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, nhất là trong hoạt động hải quân. Hôm 29/6, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbul cho biết, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE của Anh đã được chọn để cung cấp 9 tàu chiến mới thuộc lớp Hunter, trong chương trình trị giá 35 tỷ AUD (khoảng 25,74 tỷ USD) cho Hải quân Hoàng gia Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Anh và Australia sẽ hợp tác để triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương và sẽ có những cuộc tuần tra chung với các tàu chiến của Australia. Trước đó (2017), Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch cho biết Tàu sân bay mới của Anh (HMS Queen Elizabeth) sẽ tới Thái Bình Dương để “bảo vệ quyền tự do hàng hải và các tuyến vận tải tự do đường biển và đường không theo luật pháp quốc tế”.

Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời nhiều lần khẳng định hoạt động bồi lấp và xây dựng của Trung Quốc tại đây xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền Việt Nam.

Ngày 20/9 vừa qua, trả lời câu hỏi liên quan đến việc tàu chiến Anh hoạt động trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. “Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới